KHÓC THẦY TÔI - TRẦN HỮU TÁ!
Ảnh: Vĩnh Thắng
Tôi ngồi viết những dòng này khi qua các nguồn thông tin chính thức biết được Thầy PGS, TS, NGƯT Trần Hữu Tá (16/10/1937), Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học TPHCM, nguyên Trưởng khoa Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, TPHCM đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 20g20’ ngày 27/11/2022, hưởng thọ 86 tuổi.
Lòng tôi bàng hoàng như mất đi một
người thân thiết!
Thầy ơi! Vậy là Thầy đã ra đi thật
rồi!
… Nhớ cách đây vài năm khi có dịp
lên Sài Gòn và đến thăm Thầy, ngồi cạnh giường thăm hỏi qua Cô mới biết Thầy đã
lâm bệnh trước đó một thời gian dài, giờ Thầy chỉ còn nghe được mà không nói được!
Dẫu biết quy luật sinh tử là lẽ thường, nhưng sự mất mát lớn lao này, bao thế hệ
học trò vẫn cảm thấy thật là hụt hẫng!
Còn nhớ. Lần đầu tiên được ngồi
nghe lời giảng đầy sức hấp dẫn của Thầy là ở lớp Cao học Ngữ văn khóa 1, Trường
Đại học Cần Thơ những năm 1995-1998. Quý thầy từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội
đã đến và khai mở cho chúng em, hầu hết đang đứng lớp giảng dạy, rất nhiều những
lý thuyết và thực tiễn văn học phong phú, đa chiều ở Việt Nam và trên thế giới.
Trong đó, mảng văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 được tiếp cận từ một người
thầy đã có một quá trình giảng dạy và nghiên cứu ở miền Bắc trước khi vào Sài
Gòn sau 1975 như Thầy Trần Hữu Tá đã làm cho chúng em cảm thấy thật kính nể. Bởi
lẽ, qua sự nghiên cứu nghiêm cẩn và lời truyền đạt từ tấm lòng rung cảm sâu sắc
của Thầy, di sản văn học Nam Bộ, đặc biệt là mảng văn học yêu nước, cách mạng
thành thị miền Nam từ sau 1954 đến năm 1975 mà trước đây chỉ được viết sơ sài
qua loa trong lịch sử văn học nước nhà, cần phải được “nhìn lại”, ghi nhận
thành tựu và công lao đóng góp không nhỏ của nó vào tiến trình lịch sử văn học
dân tộc.
Mặc dù không phải không có những
vấn đề khác với quan điểm và nội dung những
trang viết công bố trước năm 1975 trên miền Bắc của Thầy về dòng văn học này,
khi nguồn tư liệu nghiên cứu thật ít ỏi và hiếm hoi lại chịu ảnh hưởng của sự
bao cấp về tư duy nghiên cứu; quan điểm và cách nhìn nhận khi đó của Thầy, ở một
thời đoạn mà mới cũ còn tranh chấp nhau, nhiều người vẫn còn chịu ảnh hưởng ít
nhiều của lối tư duy xơ cứng, bao biện và đầy cảm tính, thì đây là một sự xác
tín rất đáng trân trọng, xuất phát từ sự nghiền ngẫm thâm diệu của một người
trí thức chân chính, dám chịu trách nhiệm trước công chúng độc giả đông đảo và
trước lịch sử nghiên cứu văn học nước nhà. Quyển Nhìn lại một chặng đường văn học (2000) dày tổng cộng 1089 trang,
trong đó “Phần thứ nhất: Sau hai mươi lăm năm, nhìn lại” có 117 trang, tuy
không dài nhưng chứa đựng những nghiên cứu, nhìn nhận và đánh giá đúng mực và hết
sức cẩn trọng thành tựu ở các thể loại tiêu biểu của văn học đô thị miền Nam từ
năm 1954 đến năm 1975. Sự “nhìn lại” như thế là rất cần thiết và đáng quý,
không thể ngập ngừng trước khi số tác giả ít ỏi còn lại của dòng văn học này sẽ
trở thành “người thiên cổ”, và trước khi “Phần thứ hai: Những tác phẩm tiêu biểu”
được in lại.
Chính công trình nghiên cứu này
đã khơi gợi nguồn cảm hứng trong tôi, và bằng tình yêu của một người miền Nam với
vốn văn học của cha ông được lĩnh hội từ những năm tháng trên ghế nhà trường từ
trước năm 1975 cho đến thời điểm hiện tại (2005), tôi đã chọn đề tài cho luận
án tiến sĩ của mình: “Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam
giai đoạn 1954-1965”, và đã bảo vệ thành công (2008) dưới sự hướng dẫn dìu dắt
tận tình của PGS, TS, Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá. Với tôi, ân nghĩa thâm sâu ấy
của Thầy không thể nào diễn tả cho hết được! Nhất là mỗi khi nhớ đến những lần Thầy
phân tích, bổ sung, sửa chữa chi tiết đề cương, nội dung đề tài bên cạnh chiếc bàn
trà nhỏ không lúc nào thiếu tách trà nóng, trong phòng khách của một căn hộ tập
thể hẹp được phân cho gia đình Thầy, bên hông Trường Đại học Sư phạm Thành phố
Hồ Chí Minh!
Quá trình viết luận án của tôi
còn rất may mắn nhận được thông tin từ Thầy, khi người cùng các thành viên khác
trong nhóm Chủ biên đứng đầu là GS Đỗ Đức Hiểu, từ lâu đã biên soạn và sắp sửa
hoàn thành quyển Từ điển Văn học bộ mới
(2005) công phu với độ dày gần 2200 trang mà phần tư liệu, bổ sung, sửa chữa,
nâng cấp so với bộ Tự điển Văn học
(hai tập) do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội lần lượt cho ra mắt vào các năm 1983,
1984 là rất lớn. Đây là bộ sách công cụ chuyên ngành khoa học xã hội ở Việt Nam
không thể thiếu được cho đến nay của bất kỳ người nghiên cứu nào. Từ trong đó,
những mục tác giả như Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Hạnh, Sơn
Nam, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa,… do chính Thầy biên soạn đã cung cấp cho tôi những
gợi ý, định hướng hết sức quý báu, giúp tôi đi sâu nghiên cứu những cống hiến ở
thể loại truyện ngắn của các tác giả tiêu biểu này cùng nhiều tác giả khác, thuộc
dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1975).
Được biết, từ một giáo viên trung
học, bằng nỗ lực học tập và sự phấn đấu không ngừng vươn lên trong lĩnh vực
chuyên ngành văn học, Thầy còn là nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà quản lý
tên tuổi đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Là tác giả sách giáo
khoa Ngữ văn lớp 11, 12 cùng một số sách tham khảo của chương trình cũ trước
đây, những trang viết phục vụ việc học tập của các thế hệ học sinh đã cho thấy
sự tinh thông, nghiêm cẩn trong tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá nhiều tác giả
văn học ở Thầy. Có thể kể thêm những công trình khác với tư cách là tác giả/ đồng
tác giả của Thầy như: Văn học Việt Nam
1945-1975 (đồng tác giả, hai tập, 1986), Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (tác giả, 1996), Nguyễn Đổng Chi – học giả, nhà văn (đồng
chủ biên, 2015),… cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tạp
chí, tờ báo lớn của cả nước.
Không thể không nhắc đến một quyển
sách khác chứa đựng nhiều tâm huyết được hoàn thành không bao lâu trước khi Thầy
lâm trọng bệnh với mong muốn “là việc có ý nghĩa để góp phần tạo nền, chấn hưng
giáo dục nước nhà” (Lời người soạn sách), đó là quyển Từ bục giảng đến văn đàn – Chân dung 25 người thầy (2016), với chân
dung người thầy được đặt bút viết đầu tiên là Trương Vĩnh Ký và kết thúc bằng
chân dung thầy Phong Lê. Qua văn phong khoa học kết hợp với nghệ thuật khắc họa
chân dung gọn mà sắc, người đọc có thể cảm phục trí nhớ mẫn tiệp của Thầy khi
trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, tiếp xúc không biết bao nhiêu con
người, Thầy vẫn lưu giữ được những kỷ niệm đẹp về những người thầy, người bạn vốn
đã từng công tác hay sinh hoạt chung trong những tháng năm nghèo khó, để từ đó
khẳng định phẩm giá sáng trong của những người thầy, dù họ phải sống trong bất
kỳ hoàn cảnh nào.
Ngồi viết những dòng này, trong
tôi hiển hiện rõ mồn một dáng dấp, phong thái, khuôn mặt, giọng nói làm toát
lên tính cách điềm đạm, từ tốn, nhẹ nhàng mà sâu sắc, uyên thâm của Thầy Trần Hữu
Tá, một trí thức đã nếm trải nhiều biến động của lịch sử và những thăng trầm của
cuộc đời nhưng vẫn giữ vẹn một tấm gương thanh bạch từ đời sống và một mối ưu
lo không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Xin kính cẩn vĩnh biệt Thầy!
Long Xuyên, một chiều ảm đạm 28.11.2022
Học trò của Thầy,