Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Một cách nhìn về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam

A POINT OF VIEW OF
VIETNAMESE LITERATURE MODERNIZATION PROCESS
                                                               
             Hội thảo quốc tế: Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán:Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối TK. XIX đến đầu TK. XX) - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM, 18-19/3/2010
                                                                                                               Phạm Thanh Hùng ([1])
            
            TÓM TẮT
Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX gắn chặt với bối cảnh lịch sử - xã hội – văn hóa phức tạp, đầy những chuyển động. Trong cách phân kì một quá trình văn học, một cách nhìn biện chứng luôn xuất phát từ sự vận động, chuyển hoá tự thân của văn học để thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống và thời đại. Những sự kiện lịch sử, xã hội hay văn hoá chỉ có thể được hiểu như những tác động thúc đẩy diễn trình văn học nhanh chóng đi đến sự thay đổi, chuyển hoá mà thôi. Qua phân tích, lí giải, bài viết này mong muốn đưa ra một cách nhìn nhận về sự biến đổi của chặng đường văn học này.  
ABSTRACT
The modernization process of Vietnamese literature from the last years of the XIX century to the early XX century is in a close relationship with a complex history – society – culture background, with full of changes. According to the way of separation into periods of a literature process, a dialectic view always starts from the movement, transformation of literature to adapt to the requirements of life and time. Historical, social or cultural events can only be understood as catalytic actions to speed up the literature revolutionary to change or transform. Through analysis, explanation, this article is hoped to give out a point of view of changes of this literature period.

1. Từ lâu nay, trong các công trình nghiên cứu, khảo luận về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường đồng thuận một cách khái quát rằng, quá trình đó được xác lập từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX, hoặc cụ thể hơn là từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945.
Thật ra, khi nói đến diễn trình (process) của bất kì một giai đoạn văn học nào, việc xác định rạch ròi khung thời gian là điều không dễ dàng. Hơn nữa, diễn trình đó lại gắn chặt với một bối cảnh lịch sử - xã hội - văn hóa có tính đặc thù. Nghiên cứu quá trình hiện đại hóa văn học cần phải căn cứ vào sự vận động tự thân của văn học dưới những tác động mạnh mẽ của những sự kiện lịch sử, xã hội hay văn hóa dẫn đến sự thay đổi về tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, phương pháp sáng tác và tiếp nhận văn học. Từ đó, những khái niệm như “văn học Việt Nam hiện đại”, “hiện đại hóa văn học Việt Nam”, thuật ngữ “hiện đại” (modernize) ở đây từ lâu được hiểu là một thời đại mới trong văn học, thời đại mà văn học Việt Nam chuyển dần sự ảnh hưởng, tiếp biến từ khu vực văn hoá chữ Hán thời trung đại như Trung Quốc, Hàn Quốc - Triều Tiên, Nhật Bản (phương Đông) để đến với quĩ đạo văn hóa chữ La-tinh của Pháp và các quốc gia Tây Âu khác như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh (phương Tây), nhất là từ sau cuộc chiến tranh Pháp xâm lược Việt Nam (1858) cho đến những thập niên đầu của thế kỉ XX, vốn được coi là giai đoạn giao thời, là thời buổi hỗn hiệp của văn hóa Đông – Tây.
2. Trước hết, thời đại ấy gắn chặt với sự hoàn thiện nhanh chóng của chữ Quốc ngữ (dùng chữ cái La-tinh, vốn đã ra đời khá lâu, từ thế kỉ XVI) để trở thành chất liệu ngôn từ nghệ thuật, dần dần đủ sức diễn tả mọi phương diện của đời sống, cũng như khả năng thâm nhập, xuyên thấm vào mọi ngõ ngách của thế giới hình tượng do nhà văn xây dựng nên từ những tác phẩm văn học hiện đại của mình. Thời đại ấy cũng đồng thời diễn ra sự đổi thay hệ thống tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, thi pháp, đề tài, chủ đề cho đến phong cách cá nhân, phong cách thời đại có tính chất qui phạm vốn là đặc trưng của văn học trung đại, để chuẩn bị cho những đột phá và một cuộc cách mạng thực sự diễn ra, mà mầm mống đã có từ trong lòng xã hội thực dân nửa phong kiến cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX. Chẳng hạn, sự ra đời của quyển tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ được sáng tác “đúng theo nghĩa tổng quát của văn loại này thịnh hành từ trước trong văn học Pháp” (1)- Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của P.J.B. Nguyễn Trọng Quản - một môn đệ của Trương Vĩnh Kí và là cựu học sinh trường Trung học Alger (Algerie). Hay sự xuất hiện của bài thơ vinh danh tên tuổi Phan Khôi với tư cách là “người khởi xướng trước nhất”(2) cho phong trào Thơ mới – bài Tình già - đăng lần đầu trên Phụ Nữ tân văn số 122, ngày 10-3-1932, mà khi xem xét đến mầm mống của lối thơ mới này không thể không nhắc đến bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh về bài thơ Con ve và con kiến của La Fontaine.
Đó cũng là thời đại nghề in trở nên phát đạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất bản những tác phẩm văn học viết bằng chữ Quốc ngữ. Đã xa rồi cái thời ở nửa sau thế kỉ XVII, giáo sĩ - nhà bác học ngôn ngữ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660) phải vất vả đem cuốn Tự điển An Nam, Bồ Đào Nha và La-tinh (Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum) của mình về tận thành Rome (La Mã) để in năm 1651, và nhờ việc in quyển sách ấy mà Giáo hội nơi đây lần đầu tiên mới cho đúc bản in chữ Quốc ngữ. Hoặc mãi đến năm 1838, giáo sĩ Taberd đã đem cuốn Tự điển An Nam – La-tinh (Dictionarium Annamiticum – Latinum) của ông sang Bengale (Ấn Độ) mà không cần phải đem về Âu châu mới in được. Và hơn hai mươi năm sau đó, năm 1864, công chúng độc giả đã biết đến sự vận hành của một nhà in đầu tiên ở Sài Gòn, nhà in Imprimerie de Gouvernement. Theo Sơn Nam, “nhà in chữ Quốc ngữ hiện nay hãy còn, thành lập năm 1864, khi 3 tỉnh miền Tây chưa mất! Nhà in chữ Pháp đầu tiên gọi là Nhà in Nhà nước (Imprimerie de Gouvernement) mặt bằng hãy còn, đường Hai Bà Trưng, đối diện với bên hông Bưu điện (nay của Bộ Nông nghiệp). Riêng nhà in của người Việt, với công nhân Việt hãy còn được họ đạo Tân Định bảo lưu, bên trong khuôn viên nhà thờ Tân Định (ghi rõ từ 1864), ngày nay trông khiêm tốn nhưng đã hơn 130 năm. Buổi đầu, nhà in Tân Định in kinh sách đạo Thiên Chúa, sau cho ra báo Nam Kỳ Địa Phận hồi đầu thế kỷ”.(3)
Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam không thể tách rời với hoạt động báo chí đánh dấu bằng sự xuất hiện của tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, tờ Gia định báo (1865). Ngoài vai trò là cơ quan thông tin tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa, tờ báo còn có mục đích “cổ động cho việc sử dụng chữ Quốc ngữ (thay cho chữ Hán, chữ Nôm), khuyến khích lớp trí thức buổi giao thời viết báo viết văn bằng chữ Quốc ngữ”(4). Những ấn phẩm báo chí sau đó như Nông cổ mín đàm (1901), Lục Tỉnh tân văn (1907), Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong tạp chí (1917)… đã tiếp tục có những tác động hết sức tích cực đến sự phát triển của văn học. Theo Bùi Đức Tịnh, “Trước khi có những công trình dịch thuật từ Pháp văn của Nguyễn Văn Vĩnh đăng ở Đông Dương tạp chí (1913 – 1919), năm 1907 Trần Chánh Chiếu (dưới bút hiệu Kỳ Lân Các) đã dịch Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas (Tiền Căn Báo Hậu) đăng trên Lục Tỉnh tân văn xuất bản tại Sài Gòn. Và trước khi Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) tiểu thuyết hóa một cổ tích Việt Nam để có Quả dưa đỏ (được giải thưởng của Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1925), Trương Duy Toản (1885-1957) đã viết và cho xuất bản Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, năm 1910 tại Sài Gòn… (5). Điều này ngoài việc chứng minh rằng văn chương chữ Quốc ngữ xuất hiện ở Nam Kì trước ở Bắc và Trung Kì, tác giả còn nêu lên một thực tế là văn học dịch đã góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa văn học, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều những sáng tác tiểu thuyết.
Thật vậy, từ thập niên 20 của thế kỉ XX, tiểu thuyết Quốc ngữ liên tục xuất hiện như Nghĩa hiệp kỳ duyên (còn gọi là Chăng Cà Mum, 1920) của Nguyễn Chánh Sắt (1869 – 1947), Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920) và Oán    hồng quần (tức Phùng Kim Huê ngoại sử, 1920) của Lê Hoằng Mưu (1879 – 1941), Kim thời dị sử (1921) của Biến Ngũ Nhy, Cái nhà bí mật (1924) của Phú Đức, và hàng loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Năm 1925, ở miền Bắc, tiểu thuyết Quốc ngữ bắt đầu có mặt với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật. Đến thời điểm này, tiểu thuyết Quốc ngữ coi như bắt đầu phát triển ở cả hai miền Nam, Bắc. Nhà tiểu thuyết Nam Bộ Hồ Biểu Chánh là người đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của thể loại này ở chặng đường phôi thai. Ông đã để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ: 64 tiểu thuyết và nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau. Trong số đó, có những quyển tiểu thuyết xuất hiện rất sớm trên văn đàn, từ thập niên 20 của thế kỉ trước như: Ai làm được (1922), Chúa tàu Kim Qui (1923), Cay đắng mùi đời (1923), Tỉnh mộng (1923), Một chữ tình (1923), Nam cực tinh huy (1924), Nhân tình ấm lạnh (1925), Tiền bạc bạc tiền (1925), Chút phận linh đinh (1928), Cha con nghĩa nặng (1929)…
Tác động của báo chí đối với sự phát triển của văn xuôi hiện đại gắn liền với tên tuổi những nhà báo tiêu biểu buổi đầu như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Chánh Tổng tài Gia Định báo từ 1869 đến 1872; Trần Chánh Chiếu (1867-1919), Chủ bút Nông cổ mín đàm từ 1906 đến 1907 và Lục Tỉnh tân văn từ 1907 đến 1908; Lương Khắc Ninh (1862-1943), Chủ bút Nông cổ mín đàm từ khi sáng lập 1901, và thay ông Trần Chánh Chiếu trong chức vụ Chủ bút Lục Tỉnh tân văn từ 1908. Các ông đều là những người sớm tiếp xúc với Tây học, nên một phần quan trọng của văn nghiệp là những tác phẩm dịch thuật. Ý kiến của Lục Tỉnh tân văn số 29, ra ngày 4-6-1908, về Trương Vĩnh Ký mười năm sau khi ông mất, đã cho thấy công lao “Đêm ngày lo đặt sách này, dịch sách kia cho kẻ hậu sanh dễ học” và suy tôn ông “Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kì”(6).
Có thể xem những thập niên đầu của thế kỷ XX là chặng bản lề trong tiến trình hiện đại hóa văn hóa, văn học Việt Nam. Trước yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, văn hóa, văn học Việt Nam cần phải nâng mình lên trình độ quốc tế thông qua con đường tiếp xúc, hội nhập với văn hóa, văn học thế giới, trước hết là phương Tây. Tên tuổi Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và Phạm Quỳnh (1892-1945) được nhiều người biết đến, và dịch thuật là phần quan trọng trong văn nghiệp của hai ông. Nhận thức “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”, Nguyễn Văn Vĩnh bước vào làng báo và làm Chủ bút nhiều tờ báo chí như Đại Nam đăng cổ tùng báo (kí bút hiệu Tân Nam Tử) năm 1907, Lục Tỉnh tân văn ở Sài Gòn năm 1910, Đông Dương tạp chí ở Hà Nội năm 1913, Trung Bắc tân văn năm 1915, và đến năm 1919 làm Chủ nhiệm tờ báo này (là tờ nhật báo đầu tiên ở Bắc Kì) và tờ Học báo. Ông đã sớm tham gia Đông Kinh nghĩa thục cùng các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền với tư cách thành viên sáng lập và trực tiếp dạy Việt văn và chữ Quốc ngữ. Ông cũng là thành viên sáng lập Hội Trí Tri, giữ chân diễn thuyết và cùng với Phạm Duy Tốn, Trần Văn Hùng mỗi người dạy một lớp. Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh còn sáng lập Hội Dịch sách có đến 300 hội viên, tham gia Hội Nhân quyền Pháp, Hội Giúp đỡ người Việt đi sang Pháp du học... Năm 1927, cùng với Vayrac, ông lập ra bộ tùng thư Âu Tây tư tưởng để in những tác phẩm dịch từ tiếng Pháp. Sở trường của ông là dịch tiểu thuyết và hài kịch. Ông đã bỏ ra nhiều công sức và thời gian để dịch các tác phẩm của Lesage, J. Swift, Fénelon, Abbé Prévost, Alexandre Dumas (cha), Honoré de Balzac, Victor Hugo, La Fontaine, Molière… Với số lượng dịch phẩm và những cải tiến về cách diễn đạt để câu văn Quốc ngữ trở nên uyển chuyển, tính đến trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Vĩnh “vẫn là người giữ giải quán quân” (Vũ Ngọc Phan)(7).
Cũng là nhà báo nổi tiếng, sau thời gian cộng tác với Đông Dương tạp chí (từ 1913) qua nhiều bài báo được mọi người chú ý, năm 1917, Phạm Quỳnh nhận lời làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Nam Phong tạp chí do Louis Marty (Chánh mật thám Pháp) sáng lập. Đây là tạp chí xuất bản liên tục và lâu nhất nước ta, từ tháng 7-1917 đến tháng 12-1934, tất cả được 17 năm và 210 số. Với chủ trương canh tân văn hóa để làm sống lại hồn dân tộc, ông đã xây dựng Nam Phong tạp chí nhanh chóng trở thành ấn phẩm thu hút nhiều trí thức Nho học và Tây học lúc bấy giờ. Trên tạp chí này, “Phạm Quỳnh cố gắng làm công việc dịch thuật, truyền bá cho công chúng những tinh hoa tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, đồng thời cũng giới thiệu cả những di sản tinh thần của cha ông như đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão, ca dao tục ngữ…cả những áng văn chương cổ điển quí giá mà các cộng sự của ông đã cố gắng chọn lựa và phiên âm ra tiếng Việt trong kho sách Trường Viễn đông bác cổ”(8). Chỉ nói riêng tác phẩm văn học, ông đã dịch thơ C.P. Baudelaire, truyện ngắn của G. Courteline, Guy de Maupassant, tuồng của P. Corneille, hài kịch của P. de Marivaux… Ngoài ra, Phạm Quỳnh còn viết một số bài phê bình văn học như: Bàn về văn Nôm của ông Nguyễn Khắc Hiếu (phê bình Khối tình con của Nguyễn Khắc Hiếu), đăng trên Đông Dương tạp chí số 120, năm 1915; Một tấm lòng của Đoàn Như Khuê đăng trên Nam Phong tạp chí số 2, năm 1917; Giấc mộng con của Nguyễn Khắc Hiếu đăng trên Nam Phong tạp chí số 7, năm 1918; Văn học nước PhápKhảo về tiểu thuyết (Nam Phong tùng thư năm 1929)... Trong đó Một tấm lòng của Đoàn Như Khuê được xem là bài phê bình văn học đầu tiên Phạm Quỳnh vận dụng phương pháp phân tích văn học của phương Tây, khác hẳn với lối phê bình truyền thống thiên về ghi lại cảm xúc chủ quan của người đọc. Năm 1932, Thiếu Sơn xuất bản cuốn Phê bình và cảo luận. Phần phê bình gồm phê bình nhân vật và phê bình sách. Phần cảo luận đề cập đến tiểu thuyết và mối quan hệ của báo chí đối với nền văn học Quốc ngữ. Sau Phạm Quỳnh, Thiếu Sơn được coi là một trong những người mở đường cho ngành phê bình văn học hiện đại bằng chữ Quốc ngữ ở nước ta.
Cần nhắc đến tình hình văn học lúc Nam Phong tạp chí ra đời. Khi ấy, trừ các bản dịch từ tiểu thuyết Trung Quốc ra, sách viết bằng chữ Quốc ngữ rất ít ỏi, kể cả sáng tác, nói chi đến một cơ quan khảo cứu về học thuật, tư tưởng. Vì thế, mục đích quan trọng tạp chí đề ra là “Đem tư tưởng học thuật Á Âu diễn ra tiếng ta cho những người không biết chữ Pháp hoặc chữ Hán có thể xem mà lĩnh hội được. Luyện tập quốc văn cho nền văn ấy, có thể thành lập được”(9). Và kết quả là tiếng Việt qua thời Nam phong đã có một bước ngoặt căn bản đạt đến một hệ từ vựng hơn hẳn trước, nhất là hệ thống ngôn từ học thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển của văn hóa và văn học, góp phần tạo tiền đề cho sự ra đời của Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trong giai đoạn 1932-1945
Sớm hơn Việt Nam trong hoàn cảnh bị ngoại bang xâm lược và thống trị ở thế kỉ XIX, sự thất bại trong hai cuộc chiến tranh Nha phiến (1840-1842) và chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895) khiến các tầng lớp sĩ phu Trung Hoa đã và đang miệt mài trong khoa cử và lối học từ chương phải thức tỉnh. Nhiều thức giả ra nước ngoài hấp thụ cái mới, về nước dịch sách phổ biến tư tưởng học thuật phương Tây, đồng thời đề xướng việc cải cách văn tự, hành văn giản dị, sáng sủa, tức lối văn “bạch thoại” ngày nay. Trong số những nhà tân học Trung Hoa nổi tiếng có ảnh hưởng đến sĩ phu và lớp trí thức Tây học Việt Nam cuối thế kỉ - đầu thế kỉ XX là Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu.
Khang Hữu Vy (1858-1927) là nhà hoạt động chính trị và nhà văn Trung Quốc. Ông là người chủ trương cuộc cải cách chính trị theo hướng quân chủ lập hiến, còn gọi là “Chính biến Mậu Tuất” (hay “Bách nhật duy tân”), tiến hành chỉ được 100 ngày thì bị Từ Hy Thái hậu và đồ đảng trấn áp phải trốn ra nước ngoài viết sách, làm báo, đến Cách mạng Tân Hợi thành công (1911) mới về nước. Là một cây bút uyên bác, trước tác của ông rất phong phú. Tiêu biểu hơn cả cho tư tưởng Khang Hữu Vy là ba tác phẩm: Tân học nguỵ kinh khảo (Phương pháp học mới khảo sát những bộ kinh trá nguỵ), Khổng Tử cải chế khảo (Khảo về những sửa đổi thể chế của Khổng Tử) và Đại đồng thư (Sách về thuyết đại đồng). Trong đó, nổi tiếng nhất là Đại đồng thư, cuốn sách đề xướng một thế giới đại đồng không phân biệt quốc gia, giai cấp, chủng tộc... Văn chương của ông giàu tâm huyết và đầy sức thuyết phục, nên có tầm ảnh hưởng rộng rãi với giới Nho sĩ, trí thức Trung Quốc và các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.  
Là học trò của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu (1873-1929) - bút hiệu Ẩm Băng Thất - đã cùng thầy đề xướng cuộc “Chính biến Mậu Tuất” năm 1895. Chính biến thất bại, ông chạy sang Nhật, lưu vong 13 năm, chuyên làm báo, viết sách, cổ vũ cho công cuộc cải cách chính trị ở Trung Quốc, tuyên truyền lập hiến, phản đối cách mạng. Một năm sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) thành công, ông trở về nước và được nhiều giới hoan nghênh. Năm 1929, ông mất ở Bắc Kinh. Thời kì trước và sau Chính biến Mậu Tuất, ảnh hưởng của Lương Khải Siêu không chỉ thể hiện ở chính trị, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như triết học, văn học, sử học, khảo chứng học, Phật học… Bằng con đường văn hóa, ông ra sức đề xướng tân học, chỉnh lí tư tưởng học thuật truyền thống và nghiên cứu lịch sử văn hóa Trung Quốc. Từng soạn Tây học thư mục biểu (Thư mục Tây học) tổng kết 300 loại sách dịch từ tiếng Âu Mỹ ra tiếng Trung Quốc trong hơn hai mươi năm. Về văn học, cống hiến của ông thể hiện qua sáng tác thuộc nhiều thể loại: tản văn, hí khúc, tiểu thuyết, dịch thuật. Ông được xem là một đại gia về tản văn. Những năm đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa “tân dân” của Lương Khải Siêu thông qua bộ Ẩm Băng Thất văn tập (Tập văn Ẩm Băng Thất) đã tác động đến nhiều nhà văn, nhà tư tưởng ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Việt Nam. Phan Bội Châu lúc mới sang Nhật có dịp gặp Lương Khải Siêu được ông khuyến khích, đề tựa và giúp in cuốn Việt Nam vong quốc sử (Lịch sử mất nước của Việt Nam). Theo nhà Việt Nam học người Hàn Quốc, GS. Choi Ki Young, “Cuốn sách này được xuất bản ở Trung Quốc chưa đầy một năm thì đã được tờ báo “Hoàng Thành” dịch ra và đăng thành nhiều kỳ… Đặc biệt, cuốn Việt Nam vong quốc sử còn được sử dụng làm sách giáo khoa cho các trường tư lập, góp phần giúp cho người Hàn Quốc quan tâm đến việc phục quốc hơn”(10).
          Những sự kiện lớn lao trong và ngoài nước xảy ra liên tiếp từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX như Pháp đánh chiếm Nam Kì (1858-1862) và đặt ách bảo hộ ở Trung và Bắc Kì (1884), cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895) rồi chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) khiến nhiều sĩ phu, trí thức nước ta vốn quen đắm mình trong khoa cử, ít quan tâm đến tình hình thế giới phải giật mình, tỉnh thức. Họ tự hỏi cái văn hóa phương Tây sao có thể khiến Âu Mỹ trở nên giàu mạnh, và nước Nhật đất hẹp, người ít sao có thể tiến đánh nước Tàu, nước Nga? Những người khác muốn hiểu tư tưởng, học thuật phương Tây thì đến với con đường du học (chủ yếu là Nhật, như phong trào Đông Du đầu thế kỉ XX) hoặc qua Tân thư của Trung Quốc để tự học một cách gián tiếp. Nhưng cách truyền bá gián tiếp đó tác dụng chưa thật sự rõ rệt bởi số trí thức biết chữ Hán không nhiều. Chỉ sau khi tiếng súng kháng Pháp hoàn toàn thất bại và người Pháp xác lập nền thống trị trên toàn cõi Việt Nam thì việc giao lưu, tiếp xúc với tư tưởng học thuật phương Tây mới diễn ra trực tiếp bằng tiếng Pháp khi ngày càng có nhiều người Việt Nam học tiếng Pháp, và gián tiếp qua dịch thuật sang chữ Quốc ngữ từ lớp trí thức Tây học này. Cái nhìn về văn hóa phương Tây và thế giới từ đó cũng được rộng mở, nâng cao. Ngoài học thuật tư tưởng Trung Quốc truyền thống và hiện đại, trí thức yêu nước đã biết để ý đến tư tưởng học thuật phương Tây và tìm hiểu nhiều hơn các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh việc tiếp nhận chọn lọc những khuôn mẫu do cổ nhân truyền lại, họ còn biết đến giá trị của các phương pháp khoa học, của sự tìm tòi, phát minh. Với tinh thần duy lý và phương pháp nghiên cứu khoa học được tiếp nhận, các trí thức Nho học và Tây học đầu thế kỉ XX đã dần dần tạo nên một không khí sinh hoạt học thuật liên tục và sôi nổi từ những thập niên đầu của thế kỉ này.
Trong quá trình canh tân đất nước về mọi phương diện văn hóa, văn học, ngôn ngữ, học thuật, vai trò của Tân thư là rất quan trọng. Những người đưa vào kho từ vựng tiếng Việt những danh từ mới của Tân thư phải là người vừa thành thạo chữ Hán, vừa thuần thục chữ Quốc ngữ. Chính những quyển giáo khoa và tài liệu tuyên truyền của Đông Kinh nghĩa thục (1907) đã ghi công đầu cho việc phổ biến khái niệm, tư tưởng mới qua những danh từ mới. Tuy vậy, khi đề cập đến từ Hán - Việt trong chữ Quốc ngữ, nhiều người cho rằng chúng bắt nguồn từ chữ Hán Trung Quốc du nhập từ các loại Tân thư của nhóm Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vy. Thật ra không đúng như vậy. Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Sính, trong Việt Nam và Nhật Bản - giao lưu văn hóa, thì “những từ Hán –Việt rất thông dụng trong học thuật như, kinh tế, chính trị, triết học, vấn đề, lập trường, phương pháp, diễn thuyết… lại là do người Nhật đặt ra. Đúng là phần lớn chúng đi vào tiếng Việt qua các sách Tân thư nhưng đa số sách này là do người Nhật dịch thuật hay trước tác. Khi dịch hay giới thiệu những khái niệm mới mẻ từ phương Tây, mà trước đó không có trong chữ Hán (chữ viết dùng chung cho các nước Đông Á), trí thức Nhật Bản thời Minh Trị chủ yếu dựa vào các thành tố có sẵn của chữ Hán ghép thành một loạt thuật ngữ mới. Vai trò này chủ yếu thuộc về các trí thức Hội Meirokusha (Minh lục xã), mà Fukuzawa là một thành viên chủ chốt. Họ thường được so sánh với các nhận vật trong phái Bách khoa ở Pháp vào thế kỉ XVIII. Số đầu sách khoa học xã hội dịch từ các tiếng Âu châu sang tiếng Nhật cho đến năm 1890 là rất lớn. Chỉ riêng tiếng Anh là 227, tiếng Pháp là 184, tiếng Hoa Kỳ là 94, và tiếng Đức là 80…”(11). Con đường truyền bá tư tưởng, học thuật từ Nhật Bản sang nước ta chủ yếu qua ngả Trung Hoa đó đã tác động mạnh mẽ đến nhiều trí thức Nho gia, giúp họ có được nguồn cảm xúc mới từ việc nghiền ngẫm tư tưởng, học thuật của Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Diderot…qua các bản dịch chữ Hán của Trung Quốc, nhưng phần nhiều từ mới lại đến từ Nhật Bản.
            Những sự kiện lịch sử, văn hóa, xã hội nêu trên được xem là những yếu tố khách quan ảnh hưởng, tác động đồng thời với những nỗ lực chuyển hóa, bứt phá tự thân thể hiện yếu tố chủ quan của nền văn học Việt Nam trong diễn trình hiện đại hóa ở những thập niên đầu của thế kỉ XX. Nó đòi hỏi bản thân nền văn học, đồng thời với việc hướng ra thế giới để tiếp nhận cái mới, phải tự nhìn lại để phát hiện những cái hay của mình. Nói cách khác, cùng với hiện đại hóa, thực tiễn đòi hỏi cần phải có được sự nhận thức và khám phá ngày càng đầy đủ, phong phú hơn những giá trị truyền thống đã làm nên nét khác biệt, độc đáo của văn học một dân tộc. Đây là một thực tế vốn diễn ra ở châu Âu, đến lượt các quốc gia phương Đông vẫn đúng như vậy. Từ hiện thực có tính qui luật đó, trong văn hóa, văn học Việt Nam những thập kỉ đầu thế kỉ XX đã diễn ra lần lượt những đợt “thống kê” di sản tinh thần nghiêm túc, vận dụng phương pháp luận nghiên cứu khoa học của phương Tây để làm nên những bộ sách giàu tính học thuật như Việt Nam sử lược (1919) của Trần Trọng Kim, Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh, Quốc văn trích diễm (1925), Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942) của Dương Quảng Hàm… Đặc biệt, trong công trình khoa học “góp phần tích cực vào việc phát hiện và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc” (Trần Hữu Tá)(12) - Việt Nam văn học sử yếu - gồm 46 chương, sau khi phân chia, tìm hiểu các giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam qua các thời kì: Lí - Trần (thế kỉ XI – XV), Lê - Mạc (thế kỉ XV – XVI), Nam - Bắc phân tranh (XVII – XVIII), cận kim (thế kỉ XIX), Dương Quảng Hàm (1898 – 1946) đã dành đến bảy chương để viết về văn học đầu thế kỉ XX – giai đoạn hình thành một nền quốc văn mới.
Trong sáng tác, trước hết là thơ, cái nhìn của Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam (1942) về thi sĩ Tản Đà (1889 – 1939) - dấu gạch nối giữa hai thời kì trung đại và hiện đại - người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đương sắp sửa”(13), về phong trào Thơ mới khá xác đáng khi nhìn nhận rằng truyền thống đã đưa “sinh khí đến cho thơ” và thi nhân khi chân thành thừa hưởng di sản thì sẽ có được những tác phẩm sâu sắc hơn, bình dị hơn:
“Di sản tinh thần của cha ông đại khái hãy còn nguyên vẹn. Tôi tin rằng nó có thể đưa sinh khí đến cho thơ và cứu các nhà thơ ra khỏi một tình thế chừng như lúng túng... Nếu các thi nhân ta đủ chân thành để thừa hưởng di sản xưa, nếu họ biết tìm đến thơ xưa với một tấm lòng trẻ, họ sẽ phát huy được những gì vĩnh viễn hơn, sâu sắc hơn mà bình dị hơn trong linh hồn nòi giống”(14).
Hai tác giả còn cho rằng, những ảnh hưởng của thơ Pháp giúp ta hiểu được “cái cá tính của ta” và nhận thức được những tinh hoa trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Tuy chưa thỏa đáng trong cách phân chia Thơ mới thành ba dòng: dòng thơ Pháp, dòng thơ Đường và dòng thơ Việt, nhưng theo hai ông, dù có ảnh hưởng từ đâu thì Thơ mới cũng luôn tìm về với truyền thống dân tộc, “đi đâu ta cũng cốt tìm ta”. Thơ mới tuy có tiếp thu tinh hoa và chịu ảnh hưởng khá trực tiếp từ thơ ca Pháp, nhưng Thơ mới vẫn là một trào lưu thơ ca dân tộc, không xa lạ với độc giả Việt Nam. Và thật cảm động, khi tiếng Việt đối với các nhà Thơ mới như “tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng”(15).
Chính Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, văn xuôi hiện thực, thơ ca, truyện kí, lí luận và phê bình văn học cách mạng từ thập niên 30 trở đi đã thúc đẩy diễn trình hiện đại hóa văn học Việt Nam tiến một bước dài đến năm 1945. Nếu hiểu hiện đại hóa đồng thời cũng là quá trình giao lưu, tiếp biến để đi đến hội nhập cùng với thế giới thì quá trình đó phải được tiếp tục sau khi một nước Việt Nam mới vừa khai sinh: nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thời cơ cho một cuộc hội nhập lớn đã mở ra sau hàng trăm năm bị kiềm tỏa, nhưng hai cuộc chiến tranh vệ quốc với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khiến công cuộc hiện đại hóa văn hóa, văn học vẫn chưa thể đạt đến sự trọn vẹn của một diễn trình. Dù chân trời văn học có mở ra rộng hơn so với trước 1945, cùng những ảnh hưởng, tác động đến công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam từ văn học Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu, nhưng thế giới đã chia thành hai khối đi liền với cuộc chiến tranh lạnh, đặc biệt một nền văn học Việt Nam thống nhất vẫn còn là ước mơ cháy bỏng của dân tộc ta lúc bấy giờ. Chưa thể nói đến một bầu trời mở, một không gian mở trong văn học khi một nửa thế giới văn học, chúng ta còn chưa biết rõ. Thậm chí, sự nhận thức về một nửa còn lại của văn học nước ta - văn học miền Nam - còn chưa biết hết. Ba mươi năm khói lửa chiến tranh kể từ sau 1945, văn học Việt Nam vẫn đang tiếp tục một diễn trình còn dang dở. Chúng ta từng xem văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 là văn học sử thi. “Sự hình thành của nền văn học sử thi chứng tỏ, suốt 30 năm thời chiến, hoạt động sáng tạo ở Việt Nam có khuynh hướng quay ngược trở về với kiểu tư duy nghệ thuật truyền thống. Mà đã quay về với truyền thống sử thi thì văn học dân tộc không thể phát triển thuận chiều với tiến trình văn học của nhân loại ở thế kỉ XX” (16). Vì vậy, nếu xác định một mốc thời gian cho diễn trình hiện đại hóa văn học Việt Nam với ý nghiã là sự hội nhập vào quĩ đạo của văn hóa, văn học thế giới (chứ không chỉ với phương Tây), thì diễn trình ấy, do đặc thù của hoàn cảnh lịch sử - xã hội, văn hóa - văn học, đã khởi đầu từ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, mãi đến năm 1986 mới kết thúc trọn vẹn với đầy đủ ý nghĩa của nó. Diễn trình ấy sở dĩ lâu dài vì nó được tiến hành đồng thời với cuộc những đấu tranh thần thánh giành độc lập cho nước, tự do cho dân, cùng sự vẹn toàn, thống nhất Tổ Quốc. Và điều quan trọng nữa là sự kết thúc diễn trình đó đi liền với sự bắt đầu của một thời kì Đổi mới toàn diện, trong đó có sự đổi mới nhận thức, tư duy nghệ thuật, phong cách thời đại trong văn học, đi liền với giao lưu và hội nhập toàn cầu.
Từ 1986 trở đi, diện mạo nền văn học Việt Nam đã dần trở nên gần gũi trong cảm thức của thế giới, và thế giới trong sự tiếp nhận của chúng ta.
3. Ngày nay, khái niệm “hiện đại” trong văn học và trong mọi phương diện của đời sống xã hội càng không thể tách rời khỏi ý niệm toàn cầu, ý niệm về một thế giới phẳng xoá bỏ mọi ranh giới ngăn cách hiểu biết của con người nhờ vào những thành tựu khổng lồ của công nghệ thông tin. Hành trình giao lưu, hội nhập với văn hóa, văn học khu vực và quốc tế, hơn lúc nào hết, phải là “sự kết hợp giữa ý thức quốc gia, tinh thần dân tộc với nhãn quan toàn cầu và tình hữu ái toàn nhân loại”(17). Nền văn học hiện đại không thể là một nền văn học còn xa lạ trong cảm nhận của mọi dân tộc. Đó là một nền văn học biết người biết ta, thâu thái tinh hoa của người để hiểu mình, lặn thật sâu vào thế giới nội cảm, tâm hồn mình để góp phần tỉnh thức tâm hồn và nhịp đập trái tim nhân loại. Nói văn học Việt Nam đi vào quĩ đạo của nền văn học hiện đại thế giới là từ sự nhận thức này. Và từ thực tế của những thập niên cuối cùng thế kỉ XX đến nay, văn học Việt Nam đã hội nhập và hòa nhập mạnh mẽ vào những biến thiên tâm hồn, tình cảm chung của mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới. Chưa bao giờ chân trời văn học thế giới mở toang trong tầm mắt nhà văn nước ta như những thập niên gần đây. Cũng chưa bao giờ vai trò của nhà văn và sứ mạng của văn học Việt Nam đương đại được tin cậy và trông cậy như hiện nay, khi hành tinh của chúng ta thực sự đã trở thành một ngôi nhà chung.        
                                                          TP. Long Xuyên, tháng 8-9 / 2009
___________________     
(1), (4), (5), (6) Bùi Đức Tịnh (1992), Những bước đầu của Báo chí, Tiểu thuyết và Thơ mới (1865 – 1932), NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 198, 50, 11, 45.
(2) Vũ Ngọc Phan (1994), Nhà văn hiện đại (hai tập), Tập I, NXB Văn học - Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 244.
(3) Sơn Nam (2007), Sài Gòn xưa và nay, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 238.
(7), (12) Dẫn theo Nguyễn Huệ Chi (2004), “Nguyễn Văn Vĩnh”, Tự điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 1225.
(8) Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên) (2004), Tự điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 1365.
(9) Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu - Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 417.
(10) Dẫn theo Chương Thâu (2007), “Về tình hình nghiên cứu Phan Bội Châu ở nước ngoài những năm gần đây”, http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=435&menu=118.
(11) Dẫn theo Phạm Quang Trung (2009), “Hiện đại hóa lí luận, phê bình văn chương nửa đầu thế kỉ XX - Từ một góc nhìn”, http://www.pqtrung.com/nghien-cuu-van-chuong/ly-luan-van-chuong/hin-i-ha-l-lun-ph-bnh-vn-chng-na-u-th-k-xx---t-mt-gc-nhn.
(13), (14), (15) Hoài Thanh – Hoài Chân (1996), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 12, 39, 47.
(16) Lã Nguyên (2007), “Những dấu hiệu của chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài”, Nghiên cứu văn học, 12 (430), tháng 12 – 2007, tr. 12.
(17) Đặng Thanh Lê (2006), “Văn học Việt Nam và hành trình giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế”, Nghiên cứu văn học, 12 (418), tháng 12 – 2006, tr. 87-88.


([1]) TS.GVC – Bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét