Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN BÌNH NGUYÊN LỘC

                                                                                                                     PHẠM THANH HÙNG (*)
           
            Cùng với Vũ Bằng (1913 - 1984), Võ Hồng (1921 - ...), Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007), Trang Thế Hy (1924 - …), Sơn Nam (1926 - 2008), Vũ Hạnh (1926 - ...), Viễn Phương (1928 - 2005), Lê Vĩnh Hòa (1932 - 1967)..., Bình Nguyên Lộc là cây bút văn xuôi yêu nước nổi tiếng vùng đô thị miền Nam Việt Nam trước năm 1975. 
            Ông tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7/3/1914 tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mĩ Trung, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc thị trấn Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Các bút danh khác: Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn. Từ thập niên ba mươi của thế kỉ trước, Bình Nguyên Lộc bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ. Tập truyện ngắn - tùy bút đầu tay tập trung nhiều công sức Hương gió Đồng Nai hoàn thành năm 1942, rất tiếc bản thảo bị thất lạc khi thực dân Pháp chiếm Tân Uyên năm 1945. Phù sa là tác phẩm tiếp theo  đăng một phần trên tuần báo Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, rồi cũng mất bản thảo. Sau gần một năm bị bệnh thần kinh, năm 1945, ông từ bỏ đời sống công chức ở Sài Gòn, tản cư về quê Tân Uyên và gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Năm 1946, sau khi mặt trận Sài Gòn - Biên Hòa vỡ, ông về Lái Thiêu làm công tác văn hóa địa phương. Năm 1949, bệnh cũ tái phát, ông ở “vào cái thế phải về” Sài Gòn chữa bệnh, dù thâm tâm “cảm thấy xót xa” [4; tr. 12]. Ở đây, ông chính thức sống bằng ngòi bút, chủ trương tuần báo văn nghệ có khuynh hướng y tâm bệnh mang tên Vui sống, nhận làm chủ bút nhiều tờ nhật báo, đồng thời sáng tác rất đều tay cho đến ngày đất nước thống nhất. Nhà xuất bản Bến Nghé do ông cùng nhiều văn hữu thành lập từ năm 1960 chuyên xuất bản những tác phẩm văn chương viết về Đồng Nai, Bến Nghé đã làm sống dậy sinh khí của vùng đất mới này, trong đó có cả quê hương ông. Sau 1975, ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng, sau đó được gia đình bảo lãnh sang Hoa Kỳ chữa bệnh. Ngày 07/3/1987, ông từ trần ở bang California, thọ 74 tuổi.           
             Bình Nguyên Lộc là nhà văn, nhà biên khảo có một sự nghiệp đồ sộ. Ngoài những công trình nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ học, văn học, số lượng đáng kể nhất trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc là tiểu thuyết, truyện ngắn và tuỳ bút, đặc biệt hơn cả là truyện ngắn. Theo Nguyễn Q. Thắng, tính đến năm 1974, ông đã viết được gần một nghìn (1000) truyện ngắn và tuỳ bút [4, tr. 37]. Từ năm 1950 đến 1970, tại Sài Gòn, ông đã tập hợp và in gần ba mươi (30) tập. Chưa kể nhiều tác phẩm bị thất lạc bản thảo, hoặc đã đăng báo nhưng chưa in thành tập.
             Trong Tuyển tập Bình Nguyên Lộc (bốn tập), nhà xuất bản Văn học, 2002, ở tập I và II, Nguyễn Q. Thắng đã tuyển chọn một trăm lẻ bốn (104) truyện ngắn từ bảy trên mười ba (7/13) tập truyện ngắn đã xuất bản trước năm 1975 được ông nhắc đến trong bài giới thiệu “Bình Nguyên Lộc - một bút lực lớn”. Đó là các tập Nhốt gió (Thời Thế, 1950), Ký thác (Bến Nghé, 1960), Mưa thu nhớ tằm (Phù Sa, 1965), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (Thịnh Ký, 1966), Thầm lặng (Thụy Hương, 1967), Cuống rún chưa lìa (Lá Bối, 1969) và Ma rừng (Phù Sa, ? ). Dù biết đây chỉ là một phần trong số lượng rất nhiều những truyện ngắn tác giả đã công bố, nhưng trong phạm vi nguồn tài liệu hiện có vừa nêu, kết hợp với một số truyện ngắn khác đăng trên các tuần báo xuất bản ở Sài Gòn lúc bấy giờ như Nhân Loại bộ mới, Bách Khoa..., chúng tôi tin rằng có thể xem đó là phần tiêu biểu nhất ở thể loại truyện ngắn mà Bình Nguyên Lộc đã để lại trong sự nghiệp văn chương phong phú của mình. Trong văn nghiệp hiếm người có được đó, truyện ngắn chính là phần nổi trội và thành công nhất, cũng là nơi thể hiện tập trung nhất phong cách Bình Nguyên Lộc. Không chỉ dừng lại đó, “cách viết truyện ngắn của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến những thế hệ nhà văn đi sau” [3; 133]. Bình Nguyên Lộc đã góp phần đáng kể làm nên diện mạo của văn học yêu nước, cách mạng  trên văn đàn công khai vùng đô thị miền Nam trước 1975.
Sống gắn bó với miền Nam và là người trong hàng ngũ kháng chiến cũ ở lại miền Nam sau 1954, quê hương Đồng Nai - Bến Nghé luôn là nỗi day dứt thường trực trong tâm thức Bình Nguyên Lộc, nhất là khi mảnh đất ấy cách không xa đầu não bộ máy chiến tranh của chính quyền Sài Gòn. Không phải ngẫu nhiên tập truyện ngắn - tùy bút đầu tay được khởi thảo từ năm 1935 có tên Hương gió Đồng Nai. Đó chính là hươnggió quê ông, cũng là quê của những lưu dân từ miền ngoài (đa số là dân Nam - Ngãi) vào khai hoang lập ấp ở vùng đất Biên Hòa, Gia Định cách đây hơn 300 năm (khoảng các năm 1695 – 1698), dựng nên đất Nam Kỳ lục tỉnh giàu tiềm năng sau này. Trong đoàn di dân ngày ấy, một phần đã dừng lại làng Tân Uyên quê ông, bên bờ sông Đồng Nai. Cho nên, viết về Đồng Nai cũng là viết về Nam Kỳ lục tỉnh. Mến yêu Đồng Nai – Bến Nghé và miền đất phương Nam nói chung không chỉ là tình cảm riêng của những lưu dân mà còn là tình cảm chung của mọi người con đất Việt đối với tiền nhân trên con đường mở cõi. Việc thường chọn vùng đất Đồng nai, Bến Nghé hay Gia Định xưa làm bối cảnh trong sáng tác cho thấy sự gắn bó trước hết của nhà văn với đất và con người quê hương. Đọc tác phẩm Bình Nguyên Lộc, điều dễ nhận thấy chính là những câu chuyện tưởng chừng như thật bình thường trong cuộc sống hằng ngày, dưới ngòi bút của nhà văn lại trở nên hấp dẫn. Viết văn với Bình Nguyên Lộc, không chỉ là thuật kể lại những điều đã nghe, thấy, mà còn là những gì đã sống, đã trải nghiệm nữa. Bút danh Bình Nguyên Lộc xuất phát từ tình cảm đó (Bình Nguyên - thoát thai từ chữ Đồng; Lộc - thoát thai từ chữ Nai).
              Đề tài về thổ ngơi, cuộc sống, mùi vị, nếp sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng sông Đồng Nai, sông Cửu Long...luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn, chấp cánh cho những trang viết thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, tạo nên đặc trưng trong phong cách truyện ngắn Bình Nguyên Lộc. Đúng như Cô Phương Thảo (bút danh khác của nhà văn Vũ Hạnh) đã nhận xét : “Với Bình Nguyên Lộc chúng ta có dịp trở về với ruộng đồng miền Nam, chui qua cái ngõ ngách của đô thành, tìm đến những hàng quán cũ, chứng kiến những mẩu sống, những thói tục và những con người không thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác” [2, tr. 72]. Trong mối liên hệ ràng buộc giữa con người với tự nhiên, tình yêu đất - biểu hiện cụ thể, đầy xúc động tình yêu quê hương, đất nước ở mỗi người - là thứ tình cảm thiêng liêng và sâu nặng hơn cả (Rừng mắm -  tập Ký thác; Thèm mùi đất, Phân nửa con người, Bám níu - tập Cuống rún chưa lìa; Đất không chết - tập Nhốt gió). Tình cảm ấy được nhà văn biểu hiện một cách đa dạng, phong phú, nhiều sắc thái, có lúc như một ám ảnh, thậm chí trở thành nỗi ẩn ức, khủng hoảng trong tâm hồn, tình cảm con người khi xa cách (Căn bệnh bí mật của nàng, Con Tám Cù Lần, Chiêu hồn nước, Chiếc khăn kỉ niệm, Về làng cũ, Hương hành kho- tập Cuống rún chưa lìa).
             Truyện ngắn Rừng mắm xây dựng một gia đình nông dân miền Nam nghèo đi khai hoang ở dải đất tận cùng của đất nước: U Minh – Cà Mau. Chính tình yêu đất, yêu người đã giúp họ bám trụ và vượt qua vô vàn cực khổ, thiếu thốn, hi sinh của thế hệ tiên phuông đi mở đất. Giống như cuộc đời những cây mắm mọc trên đất bùn. Đời mắm ngã rạp đến đời tràm nối ngôi. Cứ thế, đất bùn kia có lúc sẽ thuần. Và, đến đời con cháu thì những xoài, mít, dừa, cau sẽ mọc lên. Như vậy, “Đời mắm tuy vô ích nhưng không uổng” [4; tr. 660]. Rõ ràng đây là một lối sống, quan niệm sống nặng tình nghĩa với cộng đồng, đậm đà tính nhân văn, có cội nguồn từ truyền thống yêu nước, thương nòi của dân tộc ta. Tình yêu đất, yêu quê hương xứ sở của người Việt còn được Bình Nguyên Lộc biểu hiện cụ thể bằng cảm giác “thèm mùi đất” thật xúc động, “nhứt là đất mới xới, một mùi rất đặc biệt mà mũi họ quen ngửi cho đến ghiền, thiếu thì họ nghe thèm (...) y như đào hát thèm và nhớ sân khấu, vũ nữ thèm và nhớ đèn màu, và y như là cá thèm và nhớ nước” – Thèm mùi đất [4; tr. 981]. Ở truyện này, ông giáo Quyền còn kể lại chuyện bà vợ quê Bến Tre theo ông về Sài Gòn, suốt ngày chỉ ngồi bó gối mà buồn. Bà chỉ vui vẻ trở lại như hồi vợ chồng mới cưới nhau và không bao giờ tính chuyện đi đâu nữa khi không biết nhờ đâu gợi ý bà mua chậu về, cho đất vào để trồng đủ các loại rau. Thậm chí, chiều lòng bà, ông còn lùi nhà ra ngoại ô xa để có nhiều đất cho bà trồng cây lớn, có cả “hai cây dừa mà bà nhà tôi nhứt quyết phải trồng, vì quê bà ấy là xứ dừa, trồng dừa cho đỡ thèm hình bóng cây dừa” [ 4, tr. 982]. Hình ảnh ngọn lửa (Lửa tết) gợi cho Minh và má vợ nhớ đến biết bao mùi vị quê hương và tình cảm gia đình. Ở Sài Gòn, nhà cửa chật hẹp, ghiền khói ghiền lửa, nấu than cũng tạm an ủi phần nào. Không như thành phố chỉ có mùi nước hoa và mùi ống cống, mùi vị thôn quê không sao kể hết: “Mùi đất xông lên, sau đám mưa đầu mùa nè, mùi bông bưởi, bông sao nè, mùi củi cây rù rì nè, mùi lúa chín nè, mùi rơm khô nè, mùi phân chuồng nè, mùi rau, đậu tươi nè” [4, tr. 967-968] – má vợ Minh lần lượt kể trong nỗi nhớ nhà đến tận cùng. Lên thành phố làm đứa ở, hình ảnh những con ốc gạo bán đầy vỉa hè gợi cho bé Tám nỗi nhớ làng quê da diết, nhớ mùa nước nổi, nhớ ngọn lửa rơm ngoài đồng mùa gió bấc, nhớ cây bần dựa rạch, nhớ đom đóm chớp tắt đậu nghẹt cành cây, khiến bé phải xin thôi việc (Con Tám Cù Lần). Căn bệnh bí mật của nàng kể về một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Pháp rồi mắc bệnh tâm thần. Trong một lần cùng chồng rảo bước trên vỉa hè, sự xuất hiện thình lình của một lão Tây già từng sống ở Việt Nam suốt ba mươi năm đã giúp bà khám phá ra sự thật ẩn ức lâu nay của mình, chính lá nỗi sầu xứ. Được chồng đưa đi chơi, tận mắt trông thấy cái ao rau muống, những rau ngò, rau om, rau răm hiếm hoi trên đất Pháp, nước mắt bà chảy ròng ròng vì “cái mùi Việt Nam của nó “ngàn năm chưa dễ đã ai quên”” [4, tr. 918]… 
             Vì sao những vùng đất nghèo khó, có lúc không nuôi nổi con người, lại có một sức mạnh níu giữ mạnh mẽ đến như vậy? Theo Bình Nguyên Lộc, thật khó dùng lí trí để lí giải tình yêu đất, yêu quê hương xứ sở đã trở thành máu thịt, phẩm chất, giá trị của con người. Chẳng khác gì những con cá lạc mạ (loại cá nhỏ, đủ loại – Bám níu) ở đồng ruộng miền Đông không đổ xô nhau “chạy” ra sông, rạch trong đám mưa cuối mùa, mà cố lội ngược dòng quyết “bám níu” ở lại nơi chúng đã chào đời, chỉ vì:
                        -Ở lại để làm gỉ?
                        -Không biết để làm gì! Chỉ thương là ở lại thôi!
                         -Đói chết.
                        -Đói cũng được, miễn toại lòng thương. [5; 1015].
             Đặt trong bối cảnh làn sóng xâm lăng văn hoá ồ ạt của Mĩ cùng chính sách văn hoá ngụy dân tộc được chính quyền Sài Gòn thực thi triệt để trong vùng đô thị miền Nam lúc bấy giờ, những tình đất, tình người được nói đến trong nhiều truyện ngắn, nhất là mười bảy (17) truyện trong tập Cuống rún chưa lìa, chính là sự phản kháng chân thành nhưng không kém phần mãnh liệt của Bình Nguyên Lộc trước lối sống thực dụng chạy theo lợi ích vật chất, đặt đồng tiền lên trên mọi tình nghĩa của những kẻ cơ hội, ôm chân ngoại bang đầy rẫy trong xã hội miền Nam trước 1975.
             Sinh ra và lớn lên ở nông thôn như bao nhiêu người nông dân khác, vì bệnh tật và sinh kế có một thời gian dài Bình Nguyên Lộc đến với cuộc sống đô thị. Tuy vậy, từ trong chiều sâu tâm thức của ông cũng như nhiều người Việt Nam yêu nước thương nòi, con người và cuộc sống nông thôn đồng quê mới là nơi “ký thác” tâm hồn và tình cảm, nơi tìm thấy “chơn trời quen thuộc”. Nơi đó, con người dù sống cách xa vạn dặm vẫn luôn nhớ về cội nguồn của mình, vẫn gắn bó với quê hương như thể “cuống rún chưa lìa” đất mẹ. Với Bình Nguyên Lộc, nông thôn mãi mãi là nơi nuôi dưỡng, chở che, nâng đỡ cho con người, nơi lưu giữ bao kỉ niệm, kí ức tuổi thơ và là cội nguồn bền vững của những giá trị văn hoá tinh thần, vật chất từ ngàn đời nay mà nhờ nó, con người vững tin nhìn về tương lai dân tộc mình. Mưa thu nhớ tằm trong tập truyện cùng tên (1965) là một truyện ngắn thật cảm động. Rời Điện Bàn - Quảng Nam vào Sài Gòn từ những năm đói kém tiền chiến, bác Y vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê. Xóm nhà lá bác ở khá nên thơ với sân cát, quanh nhà trồng tre, nhưng bác vẫn trồng thêm một cây dâu ở góc trái sân. Bác nói về cây dâu già trên mười năm tuổi, to bằng cây ổi, được trồng với lý do “Để cho nó giống làng tôi. Trong Nam này, ít khi tôi được thấy cây dâu lắm, nhứt là ở Sài Gòn”, “Cây dâu khiến tôi nhớ tằm” [4, tr. 518]. Từ khi ra đi lập nghiệp, bác luôn tự xem mình là kẻ bạc tình, “bạc tình chính là tôi, chớ không phải tằm đâu. Tôi đã bỏ tằm, vô trong này...người bạn tôi có lỗi gì đâu” [ 4, tr. 529]. Tâm sự của bác Y mà nghe như là nỗi lòng của nhà văn sau những năm dài hồi cư vào Sài Gòn.
             Theo Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (tập truyện ngắn – tùy bút, 1966), người đọc luôn bắt gặp cái nhìn đô thị qua đôi mắt nông dân và nỗi nhớ nông thôn của nhà văn. Đó là “lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu” – Những hàng me Sài Gòn [4, tr. 818]; là sông Ông Lãnh “bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lõng vào thành phố (...) chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi, Bình Đông, về tới ruộng lầy, với thiên nhiên, về giữa không khí riêng của chị” – Sông Ong Lãnh [4, tr. 820-821]; là món xu xoa mật đường hạ hương vị đậm đà trên kinh Tàu Hủ vào mùa nực “cứ nghe như là phảng phất đâu đây mùi đồng áng, mùi lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài nổi lửa đốt lò” – Quà đêm trên sông Ông Lãnh [4, tr. 824]; là những xác diều vướng dây điện, vướng nhánh cây “không biết nhớ đất hay sao mà cứ thỉnh thoảng chúi mũi toan đâm đầu xuống” – Có những xác diều [4, tr. 834]; là những hàng sách nơi tập trung ghe thương hồ và những xóm lao động vùng Ông Lãnh, Xóm Củi mà “vì gương mặt mộc mạc của bìa sách, hay mời bạn cúi xuống xem qua”, để rồi “bạn ngạc nhiên biết bao mà nghe từ dưới ấy thở lên những làn hơi lành mạnh nó như đưa bạn về những làng xa yên tĩnh, hay về những thời xưa bình dị nào” – Văn nghệ đứng đường [4, tr. 864]... 
             Không nên nghĩ rằng mang cái tâm thức nông dân nông thôn vào cuộc sống đô thị hiện đại như Bình Nguyên Lộc là biểu hiện của sự nệ cổ, bảo thủ, tụt hậu. Phải nhìn vấn đề trên góc độ văn hoá, chúng ta mới có thể cảm nhận được chiều sâu của đời sống tình cảm, tâm hồn, cội nguồn của tâm thức cộng đồng, dân tộc và của mỗi cá nhân, nhất là khi những thử thách của đời sống hiện tại luôn đặt con người vào tình thế phải ứng xử cho hợp lẽ đời và tình người. Lão Nghiệm trong truyện Bám níu hồi tưởng lại cái ngày “không có gì ăn, tui cũng nghe no tới cổ vì sung sướng”, đó là “Cái ngày mà ông nội tôi quyết định ở lại”. Vì thương đất, ông bà ta đã bám níu, tao đã bám níu mới còn xóm này, làng này” – lão nói thế với thằng Ất và những người xung quanh. Như vậy, không thể nhìn nhận giá trị con người qua đời sống vật chất bề ngoài. Nhân nghĩa bao đời nay vẫn là lối sống đẹp. Còn quan niệm về nước của lão: “Còn làng mới còn nước mình, “Một nước phải gồm rất nhiều làng, làng nghèo, làng giàu, làng nghèo cũng cần lắm chớ bà con!” [4, tr. 1015-1016]. Có thể nhận thức của một  nông dân như lão Nghiệm quyết tâm “bám níu” mảnh đất quê hương thân yêu nhưng nghèo đói sẽ không còn phù hợp với xã hội hiện đại, khi khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng được rút ngắn và sự dịch chuyển lao động trở thành vấn đề bình thường trên con đường mưu sinh, nhưng tình yêu và nhận thức của lão về làng, nước thì mãi mãi đúng đắn và rất đáng trân trọng. Càng trân trọng hơn khi “tìm về dân tộc” trở thành một nhu cầu, một khát khao mạnh mẽ, cháy bỏng của những con người yêu nước trước bối cảnh u ám xã hội miền Nam lúc bấy giờ. “Tìm về dân tộc” không thể quên cội nguồn nông dân, nông thôn, truyền thống văn hoá làng – nước ăn sâu vào tâm thức của cộng đồng, dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ làng. Đúng như PGS.TS Trần Hữu Tá đã nhận xét: “Trí thức, văn nghệ sĩ, những người dân bình thường lương thiện khát khao tìm về dân tộc, làm cho lòng mình không ngừng được bồi đắp tình yêu đất nước, nhân dân” [8, tr. 70]. 
             Yêu nước, yêu làng, gắn bó với nông thôn, nông dân tuy khổ nghèo nhưng cao đẹp, Bình Nguyên Lộc có nhiều truyện ngắn được xây dựng trên cái nền không gian nông thôn. Một nhà văn sống và làm việc nhiều năm với mảnh đất Sài Gòn, nhưng ký ức, tâm thức vẫn gắn bó với ruộng đồng, quyến luyến với “một thềm nhà cũ, một thếp đèn xưa, càng đóng bụi thời gian bao nhiêu, càng đẹp hơn lên bấy nhiêu” – Mả cũ bên đường [4, tr. 829-830]. Điều đó cho thấy sức hút của đô thị tuy mạnh vẫn chưa đủ sức xoá nhoà kí ức, làm phai nhạt tình cảm con người. Không phải nhà văn không yêu nơi nào khác ngoài mảnh đất quê hương mình. Có lúc không nén nổi tình cảm, ông chân thành bộc lộ:
Riêng tôi tình quyến luyến một ngôi nhà, một làng hẻo lánh, một thành phố, một quê hương phải bắt nguồn trong một dĩ vãng lâu đời mà nước mắt và nụ cười của bao thế hệ đã ràng buộc con người vào đất, vào vật, và người.
            Đất có ở lâu, tình đất mới sâu.
            Có người ngại tình đất sâu, gây hủ hoá. Họ chỉ có lí một phần nào thôi.
                                                                                    Mả cũ bên đường [4, tr. 830]
             Như vậy, tình cảm sâu nặng với quê hương đất nước không chỉ bởi hiện tại, mà quan trọng hơn là quá khứ gắn bó của nhiều thế hệ con người với biết bao kỉ niệm. Dĩ vãng, quá khứ là thời gian nghệ thuật thường được đề cập đến trong sáng tác giúp Bình Nguyên Lộc dễ dàng đi sâu vào thế giới tâm tình của nhân vật. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà văn yêu nước – cách mạng sống và viết trong vùng đô thị miền Nam trước 1975, thời gian nghệ thuật nhìn chung ít được nhà văn chú ý thể hiện, so với không gian nghệ thuật. Đây được xem là một dụng ý nghệ thuật khi đặt tác phẩm vào hoàn cảnh đương thời.
             Chính tình yêu đất, yêu quê hương tạo nên những  ký ức đẹp đẽ lưu giữ lâu bền trong tâm thức con người nên dù sống nơi đô thị Sài Gòn phố lớn nhà cao, “đi xa mười năm, vẫn nhớ” [4, tr. 820], trước sau Bình Nguyên Lộc vẫn chỉ xem đây là “một thành phố mới’ – Sông Ông Lãnh [4, tr. 819]. Và vì “Tình đất Sài Gòn tản mác trong người, trong vật (…) nên tình như không thoả. Vì không thoả nó mới cố lắng sâu như để tìm chính mình, trong chỗ không có gì hết.” – Mả cũ bên đường [4, tr. 831]. Rõ ràng trong ý thức nghệ thuật Bình Nguyên Lộc đã diễn ra một quá trình thâm nhập, đan xen, có khi đối lập giữa tâm thức truyền thống và hiện đại, giữa văn hoá nông thôn và văn minh đô thị, giữa giá trị tinh thần và vật chất, giữa cái ổn định và cái bất ổn. Tất nhiên, Bình Nguyên Lộc đã chọn cho mình một thái độ, một tình cảm, một cách nhìn. Đối với ông, nông thôn gắn liền với cuộc sống, số phận của những con người bé nhỏ, nghèo khổ, tội nghiệp, không tên tuổi, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống, nhưng đó lại là nơi dễ dàng tìm thấy sự đùm bọc, thương yêu, nơi của bao ước vọng được nuôi dưỡng, của những tình cảm, sự hi sinh cao đẹp và là chỗ dựa cho đời sống tinh thần, cho sự hình thành nhân cách (Má ơi, Má!, Đành cam vào khám với tình…bò, Không một tiếng vang, Đứa con đủ tháng, Nỗi buồn của người sắp chết - tập Thầm lặng; Đất không chết - tập Nhốt gió; Phân nửa con người - tập Cuống rún chưa lìa). Thế giới nông thôn đi vào truyện ngắn của ông là một thế giới phong phú, đa dạng được cụ thể bằng mùi vị, âm thanh, hình ảnh mà vì nó người ta có thể bỏ lại sau lưng tất cả để quay về. Ông cụ, cha của Sáu Nhánh (Phân nửa con người) “không cần gì hết, miễn được về đất” [4, tr. 997]. Bé Tám  (Con Tám Cù Lần) xin thôi giúp việc ở thành phố vì không chịu được nỗi nhớ quê và “chắc không thể nào nó trở lên đây nữa, sau mùa ốc gạo” [4, tr. 932]. Anh Cam (Về làng cũ) thường xuyên bực dọc với cảnh nhà ở chợ và nhất định cùng vợ con trở về làng cũ để “gần ruộng…gần trâu bò (…) gần mồ mả ông bà (…) gần xóm giềng, giúp đỡ lẫn nhau” [4, tr. 1041]. Thậm chí, người thiếu phụ trong Chiêu hồn nước làm vợ một sĩ quan, theo chồng sang Pháp, sau nhiều năm xa nước mới có dịp trở lại Sài Gòn, nhưng tình cảm, tân hồn luôn hướng về nông thôn. Trong tình cảnh cha mẹ đã mất, người thân không còn ai, nàng thuê phòng trọ, một mình lang thang dạo bước trên hè phố trong đêm cuối năm, mong thoả phần nào nỗi lòng sầu xứ mà nàng “không nói ra cho đích xác được. Một vũng ao tù trong thôn xóm chăng? Một chơn trời quen thuộc? Một mùi cá nướng? Một vài tiếng sáo mục đồng? Hay là tất cả những thứ ấy nó họp lại để làm một linh hồn của quê cha đất tổ mà em ngỡ từ bỏ được, nhưng không thể được” [4, tr. 946] – nàng đã bộc bạch như vậy.
             Nhiều truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc lấy bối cảnh không gian đô thị. Tuy vậy, từ trong chiều sâu tình cảm, tâm hồn của nhà văn, người đọc dường như chưa tìm thấy một sự đồng cảm, hoà nhịp trọn vẹn của ông đối với cuộc sống và con người ở đây. Bởi lẽ, ông xem “Đô thị không phải là nơi mà người ta có thể nhớ được” [4, tr. 932]. Trong xã hội đô thị, nơi đồng tiền ngự trị trên lương tâm của nhiều người, sự nhìn nhận có phần cực đoan ấy không khó để tìm ra lý do giải thích. Đó là vì đô thị không thiếu những kẻ “vơi cạn hết chất người” [4, tr. 688] sống phản bội nhau, người với người là sói (Ba con cáo); lười lao động, lợi dụng lòng từ tâm, ngửa tay xin của bố thí của người khác (Nuôi ghẻ); dùng  nhan sắc để vụ lợi, gạt gẫm, trả công không xứng đáng với những gì mà người khác đã làm cho mình (Thí một con chốt hốt một con xe). Lối sống thực dụng, xem trọng đồng tiền hơn tình nghĩa, nặng hình thức, chạy theo sự quyến rũ của nhan sắc, thích danh tiếng hão còn được nhà văn thể hiện trong một loạt truyện ngắn khác như Ba sao giữa trời, Lầu 3 phòng 7, Người tài xế điên, Nắng chiều (tập Ký thác), Không có thứ thiệt, Xác không chôn, Cái nết đánh chết cái đẹp, Ngõ hẻm vợ bé (tập Mưa thu nhớ tằm). Tuy nhiên, cũng có một số truyện hình ảnh con người đô thị hiện lên thật cảm động, như người thiếu phụ trong Chiêu hồn nước (tập Cuống rún chưa lìa).
             Trước đời sống đô thị ẩn chứa nhiều bất ổn, thật giả lẫn lộn, bao giá trị đạo đức truyền thống bị đảo ngược, truyện ngắn viết về không gian đô thị của Bình Nguyên Lộc thường đề cập đến sự vỡ mộng của con người khi thực tế diễn ra không như họ nghĩ (Người đẹp ven sông, Nắng chiều hấp hối, Bí mật của chàng – tập Thầm lặng; Xác không chôn, Không có thứ thiệt, Cái nết đánh chết cái đẹp, Ngõ hẻm vợ bé – tập Mưa thu nhớ tằm; Cho tay nầy lấy tay kia – tập Ký thác). Người đẹp ven sông là câu chuyện về sự sụp đổ ê chề trong tâm hồn, tình cảm của anh tư Được với người đẹp bằng xương bằng thịt giống như hình ảnh của cô trên tấm biển khổng lồ quảng cáo kem đánh răng Perkol dựng bên bờ sông Bassac mà anh gặp hằng ngày và nuôi hy vọng bằng một thứ tình yêu mộng ảo. Ngày anh tình cờ tái ngộ trên đất Sài Gòn sau nhiều lần tìm kiếm cũng là ngày anh chết sững người khi tận mắt chứng kiến cô ta đi bên cạnh một ngoại kiều. Thì ra, cô gái dễ thương, đẹp như tiên nga giáng thế kia lại là… một me Mỹ. Truyện Nắng chiều hấp hối kể về tình yêu đơn phương giữa Minh, thư ký đánh máy thích làm thơ, với Da Nết Hương, ái nữ của chủ nhân kiêm giám đốc hãng IFATO. Truyện kết thúc khi một buổi chiều Minh đọc thấy tin báo nàng đẹp duyên cầm sắt cùng chàng kỹ sư điện Ngô Nhựt Thanh. Buổi chiều hôm ấy không có nắng, vì nắng đã chết rồi, cùng với sự tan vỡ giấc mộng vàng của chàng thi sĩ nghèo không tương lai, danh vọng…
             Là người từng sống với cả hai môi trường nông thôn lẫn thành thị, Bình Nguyên Lộc có điều kiện thực tiễn để so sánh, đối chiếu cuộc sống mỗi nơi, từ đó đúc kết thành những nhận xét, kinh nghiệm đôi khi có sắc thái như những triết lý về nhân sinh. Tất nhiên, không phải lúc nào người đọc cũng đồng tình với ông. Đọc mười sáu (16) truyện ngắn chọn lọc của tập Ký thác, ngoài thành công về việc “đề cập rất nhiều vấn đề, nói đến nhiều cảnh sống và bày tỏ rất nhiều thái độ”, Cô Phương Thảo (tức Vũ Hạnh) còn có nhận xét về sự bất cập giữa “cái khung tư tưởng” và sự việc ông đưa vào:
            Đáng lẽ vấn đề phải phát ra từ những cảnh đời thì ở tác giả – trong rất nhiều truyện – cảnh đời phát ra từ những vấn đề (…) Những cảnh sống lẻ tẻ được chắp nối và dồn vào cái khung tư tưởng. Tư tưởng khái quát quá, trừu tượng quá mà sự việc thì cụ thể quá, phiến diện quá, cho nên tác giả vấp phải cái trở ngại sau này: muốn vừa cái khung của truyện ngắn thì không vừa được cái khung tư tưởng và ngược lại.[2, tr. 72]
             Có thể xem những nhận xét trên chỉ chung cho tất cả những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc với những ưu và nhược điểm chính. Nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Văn Xuân cũng có ý kiến tương đồng nhưng được diễn đạt một cách bộc trực:
            Nội dung truyện ngắn của ông, cũng như của Phan Du hướng về cái Chân – Thiện – Mĩ cổ điển. Ông khác Phan Du ở chỗ ít lý luận, phát triển dài dòng (tôi nói ít hơn thôi). (…) nếu ông cứ để truyện phát triển theo thực chất của nó, sự việc tới đâu  trình bày cảm nghĩ nhân vật tới đó thì thật ý vị, thâm trầm. Những truyện Rừng mắm [1.6; tr. 643-661], Ăn cơm chưa [4, tr. 697-705], Đồng đội [1.8; 4, tr. 781-791] phần  lớn rất thành công nhờ sự phong phú của sự kiện và cảnh huống đã đành, mà chính còn nhờ giá trị kĩ thuật trong tiết chế. [5, tr. 19]  
             Không thể phủ nhận vốn sống phong phú làm nên chất liệu cho những sáng tác thuộc nhiều thể loại của Bình Nguyên Lộc, trong đó có truyện ngắn. Thế nhưng, để viết được một khối lượng đồ sộ gần một nghìn truyện ngắn chắc chắn nhà văn phải có những thủ pháp nghệ thuật được vận dụng trong quá trình sáng tác. Nó như con dao hai lưỡi. Hiệu quả nghệ thuật sẽ phát huy tối đa khi sử dụng đúng mức. Ngược lại, ưu điểm sẽ dễ dàng trở thành nhược điểm, gây nên sự nhàm chán ở người đọc, nếu lạm dụng. Chẳng hạn, người đọc có thể nhận ra từ nội dung truyện ngắn của ông những mô-tip (motif) chủ đề cho một loạt những truyện ngắn khác nhau về đề tài: mô-tip về sự thay đổi hoàn cảnh sống nhưng tâm thức vẫn không hề thay đổi (Căn bệnh bí mật của nàng, Lửa Tết, Thèm mùi đất, Phân nửa con người, Về làng cũ, Mưa thu nhớ tằm, Chiêu hồn nước, Chiếc khăn kỷ niệm…); về sự vỡ mộng vì ảo tưởng, thất vọng trước thực tế khôn lường (Người đẹp ven sông, Nắng chiều hấp hối, Căn gác hồng của Lâm, Bên kia sự thật, Xác không chôn, Hạ bệ, Nuôi ghẻ…); về sự giả trá, lừa dối nhau của con người và cuộc sống đô thị (Ba con cáo, Hạ bệ, Không có thứ thiệt, Cái nết đánh chết cái đẹp…); nỗi khổ vì nghề, vì “sinh nghề tử nghiệp” của người lao động nông thôn và thành thị (Má ơi, Má!, Không một tiếng vang, Người chuột cống, Đành cam vào khám với tình…bò, Nỗi buồn của người sắp chết, Ma mới…); về những tư tưởng cổ hủ, cố chấp, lối giáo dục độc đoán, biểu dương tinh thần cầu tiến, lối sống cởi mở (Nhốt gió, Mẹ tôi tái giá, Tre phải tàn, Rung cây dừa, Người tài xế điên, Đôi bạn mắc hoa vông…); về thiên chức cao đẹp, nỗi khổ nhọc của nghề văn và cuộc sống người nghệ sĩ (Người đờn ông đẻ, Lầu 3 phòng 7, Pì Pế Hán…)…
             Những mô-tip chủ đề nêu trên phản ánh mối quan tâm thường trực của nhà văn với những vấn đề nổi bật của xã hội. Tuy nhiên, do có lúc tỏ ra lạm dụng cái mà ông gọi là “ý truyện” nên một số truyện ngắn đã không để lại dư âm, dư vị trong tình cảm, tâm hồn người đọc. Đề cập đến vấn đề này, Bình Nguyên Lộc cho rằng “tất cả những chi tiết trong hầu hết tác phẩm của tôi đều có thật ở khắp nơi mà tôi tìm đến, đã gặp hoặc tôi cũng là một vai trong những sự việc xảy ra chớ tôi không bịa được gì hết. Mà tôi chỉ bịa cốt truyện để trình bày cho phù hợp ý truyện của tôi, do tôi đã thu nhặt được những chi tiết cụ thể trong đời sống hằng ngày mà thôi’ (dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, Bình Nguyên Lộc - một bút lực lớn) [4, tr. 36].
             Qua bảy tập với hơn một trăm truyện ngắn, người đọc có thể thấy Bình Nguyên Lộc thường thiên về khai thác những đề tài từ trong cuộc sống đời thường với những biểu hiện sinh động, phong phú, đa dạng của nó. Bên cạnh chất trữ tình sâu đậm, vấn đề nhà văn thường quan tâm trong quá trình miêu tả, phản ánh hiện thực – như ông đã từng bộc lộ – chính là tính xác thực của những chi tiết cụ thể. Điều đó càng tạo nên sức hấp dẫn của truyện. Chẳng hạn, ở truyện Ba con cáo, ngay nhan đề nhà văn đã có chú thích: “Câu chuyện xảy ra năm 1954” [4, tr. 673]. Truyện Xác không chôn có lời giải thích thêm của tác giả về Dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài: “Tên của Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (1898 – 1952) có lúc BS Hoài làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa nơi tác giả làm bối cảnh cho truyện ngắn này” [4, tr. 574]. Truyện Nuôi ghẻ, tác giả cũng có chú thích về trường tiểu học Trương Minh Ký: “Câu chuyện này viết ra hồi trường chưa đổi tên” [4, tr. 545]...Việc xuất hiện nhân vật “tôi” trong một số truyện ngắn đã chứng minh sự quan tâm này. Ngoài ra, ở nhiều tác phẩm dấu ấn cái “tôi” tác giả còn được thể hiện trong thế giới nhân vật do ông xây dựng nên.
Là nhà văn giàu lòng thương cảm trước số phận những con người bé nhỏ, hình tương nhân vật thường gặp trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc là phụ nữ và trẻ em với những mảnh đời và những nỗi đau khổ khác nhau, bất kể họ sống ở nông thôn hay thành thị. Đó là các nhân vật như con Nhộng mù loà (Má ơi, má!), bé Tám đi ở (Con Tám Cù Lần), người đàn bà mất cha, chồng và đứa con thân yêu (Người chuột cống), cô bệnh nhân Á Lìl (An cơm chưa), á xẩm chơi đàn violon ở tửu lâu Soái Kình Lâm (Pì Pế Hán), cô Tư chủ hiệu may Chức nữ (Đôi bạn mắc hoa vông), con bé ăn xin (Nuôi ghẻ), bệnh nhân tâm thần Bùi Thị Phượng (Xác không chôn), Mai (Cái nết đánh chết cái đẹp), cô Chi và mẹ (Lá rụng về…ngọn)… Hầu hết nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc đều là những người có phẩm chất tốt đẹp. Bé Nhộng mù loà, hiếu thảo, làm nghề hái cau nuôi người mẹ bại xụi nằm một chỗ đã ba năm. Nhưng rồi cái nghề nguy hiểm ấy đã cướp đi sinh mạng của cô bé thật đáng thương do rơi từ trên cao xuống (Má ơi, má!). Nỗi đau không khóc được của người đàn bà (Người chuột cống) mất một lúc cả chồng và con trai làm nghề bắt cá ở đường cống thành phố làm xúc động người đọc, bởi “đã hết nước mắt khi năm xưa bà khóc ông cha cũng chết vì nghiệp ấy” [4, tr. 161]. Á Lìl (Ăn cơm chưa), cô gái Triều Châu ngây thơ tội nghiệp, ngay khi vừa khỏi bệnh thương hàn nhất định đòi ăn cơm. Dù được ngăn cản bởi một người đồng bệnh cũng vừa khỏi và đem lòng yêu thương, Á lìl vẫn một mực đòi ăn, cả quyết ăn không phải vì thèm nữa, mà ăn để trả thù cho sự chết đói của cả nhà cô. Rốt cuộc, Á Lìl chết vì ăn cơm. Lời kêu khóc của cô trước khi chết thật đáng thương: “Té ra quả thật không cơm cũng chết mà ăn cơm cũng chết” [4, tr. 705]. Xác không chôn là câu chuyện về một người phụ nữ tên Bùi Thị Phượng vì đau khổ mà hóa điên, khi chồng nàng ngoại tình bỏ nhà ra đi với nhân tình. Qua thời gian điều trị, nàng khỏi bệnh. Nhiều lần bệnh viện gửi thư  bảo đảm đến chồng nàng, vẫn không thấy hồi âm. Vào phút chót, khi kiểm lại của cải, Viện Bác Ai chỉ nhận nuôi nổi ba mươi miệng ăn không nơi dung thân. Trong số chín người Viện trả lại bệnh viện, có Phượng. Hy vọng cuối cùng cũng tiêu tan, nàng “không còn thiết đến sự sống và những cơn đau đớn nữa!” [4, tr. 575]. Trên đường về, nàng đã lao mình vào một chiếc xe du lịch. May mắn, xe hãm kịp và nàng chỉ té gãy chân thôi. Chính chồng nàng chứ không ai khác, một lần nữa, đã nhẫn tâm bóp chết tâm hồn và trái tim vừa hồi sinh của nàng.
Đề cập đến lí do thích viết truyện ngắn của mình, nhà văn đã có lần tâm sự: “Tôi thích viết truyện ngắn vì nó buộc mình viết câu nào cũng phải cô đọng và phải tìm tòi những tứ mới như làm một bài thơ. Không có những câu dư, ý thừa, không tả những hành động vô ích rườm rà” (dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, Bình Nguyên Lộc - một bút lực lớn) [4, tr. 56]. Thật vậy, thành công trong nghệ thuật viết truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc không chỉ thể hiện ở tính chân thật của đề tài, các chi tiết, sự việc, cốt truyện được miêu tả, ở nghệ thuật xây dựng nhân vật, mà còn ở lời văn súc tích, bối cảnh lịch sử – xã hội, khung cảnh thiên nhiên Nam Bộ hay quê hương được ông làm nền cho câu chuyện. Trong truyện Ba con cáo, nhà văn có những đoạn văn miêu tả cảnh trời mưa ở mảnh đất phía Nam Tổ Quốc thật ấn tượng: “Trời cứ mưa, mưa như cầm chỉnh mà đổ, mưa như một oanh tạc cơ định về căn cứ, đổ rốc hết bao nhiêu bom còn sót lại trên tàu, mưa cho ráo hết nước để rồi khô hạn được trong sáu tháng dài, mưa đêm chưa phỉ lại mưa ngày, mưa cho đến xương kẻ dưới mồ chắc cũng lạnh thấy tủy khô” [4, tr. 678]. Truyện ngắn Rung cây dừa viết về một Lỗ Bình Sơn tân thời, một thầy giáo, vì sự phản bội của một người đàn bà đã rời bỏ mảnh đất con người trốn ra một hòn đảo trong quần đảo Củ Tron. Nhưng rồi “tiếng vang của loài người, của xã hội văn minh lại kêu réo như tiếng còi tàu thỉnh du. Còi tàu vẳng đưa lên hình bóng nước non xa lạ, còn tiếng con người lại nghê nga chơn trời cũ, bóng bạn xưa, không thúc dục như còi tàu, nhưng lại thỏ thẻ, nỉ non, dai dẳng như lời mời nhẫn nại của một người nhiều hảo ý và thiết tha đón khách” [4, tr. 779]. Những câu văn đầy xúc cảm và giàu chất thơ như thế rất nhiều trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc.
Bình Nguyên Lộc là nhà văn đã lập nên một kỷ lục trong giới sáng tác văn chương nước ta về số lượng truyện ngắn. Không có một trái tim luôn rung cảm và một tâm hồn đầy yêu thương, không viết nhiều đến như thế được. Tất nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở số lượng. Nhìn chung, truyện ngắn Bình Nguyên Lộc luôn được độc giả chào đón một cách nồng nhiệt với cả tâm hồn và tình cảm mến mộ. Từ nhận xét của nhà văn Sơn Nam về tập Nhốt gió, chúng ta có thể đưa ra cách tiếp nhận chung cho truyện ngắn Bình Nguyên Lộc là không nên đọc hết một lượt mà nên đọc “lai rai” (từ Sơn Nam) [4, tr. 47] nhiều lần. Khi nào thấy thiếu thốn một chút hương vị quen thân thì giở ra đọc, như người ta đọc ca dao vậy.
Trong hàng ngũ những nhà văn yêu nước – cách mạng từng sống và viết trong vùng đô thị miền Nam trước 1975, Bình Nguyên Lộc có một sức viết và một phong cách viết nổi bật. Văn xuôi của ông nói chung, truyện ngắn nói riêng, đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả miền Nam vì hiện thực bình dị, đời thường, vì tình cảm yêu quê hương đất nước, con người thấm đẫm trong từng trang viết, vì sự hấp dẫn ở nghệ thuật viết truyện. Có thể Bình Nguyên Lộc không có tác phẩm bất hủ để đời hay bao quát một phạm vi hiện thực xã hội rộng lớn, nhưng với những gì nhà văn đã cống hiến, nhất là ở thể loại truyện ngắn, văn học sử nước nhà đã ghi nhận xứng đáng công lao của ông [3, tr. 132-133; 6, tr. 19-31; 7, tr. 313; 8, tr. 1064]. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác đồ sộ của một tác giả được nhiều người yêu mến như Bình Nguyên Lộc cần tiếp tục được giới thiệu, nghiên cứu nhằm thỏa mãn nhu cầu khác nhau của đông đảo độc giả cả nước hiện nay.
                                                                                                                    Tháng 9 năm 2006

__________________

1. Bình Nguyên Lộc
1.1. (1957), “Hồn ma cũ”, Bách Khoa, (4), tr. 36-37-38-39-40.
1.2. (1957), “Hoa vông đỏ”, Nhân Loại bộ mới, (66), tr. 18-19-22.
1.3. (1958), “Bơ vơ”, Nhân Loại bộ mới, (95), tr. 19-20-21-22-23.
1.4. (1958), “Thú tánh sơ khai”, Bách Khoa, (24), tr. 53-54-55-56-57-58.
1.5. (1958), “Ba con cáo”, Bách Khoa, (25-26), tr. 141-142-143-144-145-146-147-148-149-150.
1.6. (1958), “Rừng mắm”, Bách Khoa, (36), tr. 63-64-65-66-67-68-69-70-71-72-73.
1.7. (1958), “Ma rừng”, Nhân Loại bộ mới, (2), tr. 69-70-71-72-73-74-75-76-77.
1.8. (1958), “Đồng đội”, Nhân Loại bộ mới, (3), tr. 54-55-56-57.
1.9. (1958), “Một cuộc âm mưu”, Nhân Loại bộ mới, (4), tr. 75-76-77-78.
2. Cô Phương Thảo (1960), ” Điểm sách - tên sách: Ký thác; tác giả: Bình Nguyên Lộc; nhà xuất bản: Bến Nghé”, Bách Khoa, (82), ngày 01/ 6 /1960.
3. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2004), Từ điển văn học bộ mới, Thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, giới thiệu (2002), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I, II, III, IV, Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh. (Những truyện ngắn và  trích dẫn  trong bài viết này thuộc tập I và II, thứ tự số trang  tính chung cả hai tập).
5. Nguyễn Văn Xuân (1960), “Phê bình những truyện ngắn (cuối năm 59 – đầu năm 60): Ký thác của Bình Nguyên Lộc, Bến Nghé xuất bản”, Mai, (6), ngày 25/9/1960.
6. Nhiều tác giả (1997), Văn học yêu nước tiến bộ – cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954 – 1975, Văn nghệ - Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật – Trung tâm Thông tin triển lãm thuộc Sở Văn hoá thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Phan Cự Đệ (chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỉ XX, Giáo dục, Hà Nội.
8. Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường văn học, Thành phố Hồ Chí Minh.


(*)  TS, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang. 
       E-mail: pthung@agu.edu.vn;  thanhhung_pham@yahoo.com; thanhhungagu@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét