Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học


                                                                   TS. PHẠM THANH HÙNG
                                                                                                       Trường Đại học An Giang





Tóm tắt
Từ trước đến nay, môn Ngữ văn cùng nhiều môn học khác ở trường trung học đã góp phần không nhỏ trong sứ mạng giáo dục học sinh, thực hiện mục tiêu chung của nền giáo dục. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực đã cho thấy cách tiếp cận phù hợp của giáo dục nước ta với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Bài viết sẽ phân tích làm rõ việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học như thế nào, nhằm góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của nước ta hiện nay.
Từ khóa: Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phát triển năng lực, môn Ngữ văn, học sinh trung học
Abstract
CHANGING TEACHING METHODOLOGY AND EVALUATING RESULTS OF
LEARNING THE LANGUAGE AND LITERATURE, ACCORDING TO THE ORIENTATION IN CAPACITY DEVELOPMENT OF HIGH SCHOOL STUDENTS
Historically, Language and Literature and other subjects at high schools have significantly contributed in the mission of educating students, achieving the common goal of education. In particular, in recent years, the innovation of teaching methods and the assessment based on the orientation in capacity development have shown the appropriate approach of education of our country and the advanced education in the world.
This article will analyze the innovation of teaching methods and assessment of learning outcomes of Language and Literature according to the orientation in development capacity of high school students, in order to contribute to the fundamental renewal and comprehensive education and training of our country.
Keywords: Changing teaching methodology, evaluating results, capacity development, the Language and Literature, high school students

1.  ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và sau đó là Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra định hướng đổi mới và nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở nước ta. Đặc biệt, Nghị quyết 29-NQ/TW đã vạch ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học thông qua: mục tiêu, chương trình, nội dung, tài liệu học tập, phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo bảo đảm trung thực, khách quan… nhằm phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; chú trọng tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập, phát triển kỹ năng thực hành, năng lực hành động, năng lực làm việc nhóm và năng lực xã hội của người học.
Ở trường phổ thông nói chung và trường trung học nói riêng, từ trước đến nay môn Ngữ văn và các môn học khác đã góp phần không nhỏ trong sứ mạng giáo dục học sinh, thực hiện mục tiêu chung của nền giáo dục. Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong mấy năm gần đây việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực đã cho thấy cách tiếp cận phù hợp của giáo dục nước ta với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Bài viết này sẽ phân tích làm rõ việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học như thế nào, nhằm góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của nước ta hiện nay.
2.  NỘI DUNG
2.1.  Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học
2.1.1.     Khái niệm năng lực
Có nhiều định nghĩa khác nhau về năng lực, tùy thuộc vào bối cảnh và mục đích sử dụng các năng lực đó. Chẳng hạn, năng lực thường được qui vào phạm trù khả năng (ability/capacity/competency/proficiency). Đây là hướng tiếp cận năng lực thường thấy trong các công trình nghiên cứu của nước ngoài. Chẳng hạn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Thế giới (OECD) gồm Hoa Kì, Canada, các nước Tây Âu quan niệm năng lực là “khả năng đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể”(1). Năng lực cũng được qui vào thuộc tính cá nhân (incivility/aptitude) như hướng tiếp cận thường thấy trong các tài liệu nghiên cứu trong nước (Phạm Minh Hạc, Đặng Thành Hưng, Nguyễn Quang Uẩn,…). Tựu trung, năng lực được hiểu là tổ hợp các thuộc tính tâm lí cá nhân được hình thành và phát triển trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể; là sức mạnh tiềm tàng của con người trong giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Về cấu trúc của năng lực, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, gồm ba yếu tố cấu thành, đó là tri thức, kĩ năng và các điều kiện tâm lí cho việc thực hiện hoạt động của cá nhân, trong đó kĩ năng được xem là yếu tố cốt lõi của năng lực.
Như vậy, khái niệm năng lực được hiểu là năng lực thực hiện, năng lực hành động. Đó là việc sở hữu kiến thức, kĩ năng, thái độ và những đặc điểm về nhân cách của con người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của thực tiễn đời sống, nghĩa là phải biết làm (know-how), chứ không chỉ biết và hiểu (know-what).
Trong chương trình phổ thông định hướng phát triển năng lực, khái niệm năng lực được sử dụng ở các phương diện: mục tiêu dạy học của môn học được mô tả thông qua các năng lực cần hình thành; những nội dung và hoạt động cơ bản được liên kết nhau nhằm hình thành các năng lực; sự kết hợp của tri thức, hiểu biết, khả năng, mong muốn; mục tiêu hình thành năng lực định hướng việc đánh giá, cấu trúc nội dung và lựa chọn phương pháp dạy học; mô tả việc giải quyết những nhiệm vụ trong các tình huống dạy học cụ thể; năng lực chung và năng lực chuyên môn tạo thành cơ sở chung trong dạy học và giáo dục; năng lực còn được xác định thông qua chuẩn đầu ra…
2.1.2.   Vì sao cần đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học?
Như nhiều người biết, từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học, giáo dục phổ thông nước ta đã và đang thực hiện việc chuyển đổi từ phương pháp dạy học truyền thống truyền thụ kiến thức một chiều sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Song song đó, cách kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục nặng về trí nhớ cũng sẽ được thay đổi sang cách kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề, coi trọng kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá kết quả học tập để tác động kịp thời và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dạy học và giáo dục. Việc đổi mới phương pháp dạy học cần phải được thực hiện một cách đồng bộ với việc đổi mới các hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phù hợp với định hướng phát triển năng lực của học sinh. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà xác định những hình thức tổ chức dạy học thích hợp như học cá nhân, học nhóm, học trong lớp, học ngoài lớp... Chú trọng thực hành trong các môn học. Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành nhằm đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú học tập cho người học. Các trường trung học cần đẩy mạnh phương pháp dạy học tích hợp, dạy học giải quyết vấn đề (còn gọi là dạy học nêu vấn đề/dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề), dạy học theo tình huống, dạy học định hướng hành động, dạy học dự án, dạy học thực nghiệm, dạy học đóng vai,…; sử dụng các kĩ thuật dạy học nhằm phát huy tính tích cực, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh, như động não (Brainstorming), tia chớp, “bể cá”, “khăn trải bàn”, mảnh ghép, sơ đồ tư duy,…; bảo đảm sự cân đối giữa truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi của học sinh; tăng cường liên hệ thực tế và ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học. Quá trình thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục, giáo viên cần quan sát và hướng dẫn học sinh tự quan sát các hoạt động và kết quả hoạt động học tập, rèn luyện của các em; đưa ra những nhận xét định tính và định lượng về các hoạt động và kết quả hoạt động; từ đó kịp thời hướng dẫn, góp ý, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.
Như vậy, đổi mới phương pháp dạy học cần phải được tiến hành đồng bộ với phương pháp kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh nói chung và học sinh trung học nói riêng, nhằm đem lại những kết quả như mong đợi. Và, dù sử dụng phương pháp dạy học nào thì cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ học tập với sự tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá từ phía giáo viên.
2.2.  Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học
2.2.1.    Nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh là xu thế phát triển của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới (Phần Lan, Thụy Điển, Hoa Kì, Canada,…), nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục và đào tạo con người, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển với tốc độ chưa từng có và nền kinh tế tri thức đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với mọi quốc gia. Muốn xác định đúng các năng lực cần phát triển của học sinh, người giáo viên phải nắm rõ các đặc trưng của môn học. Môn Ngữ văn cũng như vậy. Đây là môn học từ lâu đã được giảng dạy trong chương trình trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở nước ta. Nó là sự tích hợp từ ba phân môn: Văn học, Tiếng Việt và Làm văn. Nhìn đại thể, có thể thấy Ngữ văn là môn học về cảm thụ cái đẹp/thẩm mĩ trong văn chương (Văn học), ngôn ngữ (Tiếng Việt), để tạo lập ra cái đẹp trong văn bản nói và viết (Làm văn). Gắn với những đặc trưng trên, môn Ngữ văn sẽ hình thành và phát triển hai năng lực quan trọng cho học sinh, đó là năng lực ngôn ngữ và năng lực thẩm mĩ. Mặc dù các môn học khác (Mĩ thuật, Âm nhạc,…) cũng góp phần phát triển hai năng lực này, nhưng phải khẳng định rằng, môn Ngữ văn có nhiều khả năng và ưu thế nhất trong việc hình thành và phát triển hai năng lực trên xuất phát từ đặc trưng của môn học. Những nghiên cứu lí thuyết và thực nghiệm trong dạy học Ngữ văn, nhất là lí thuyết thụ đắc ngôn ngữ đã chứng minh rằng, năng lực ngôn ngữ, năng lực cảm thụ văn học và những năng lực có liên quan khác (tưởng tượng, sáng tạo, tự lập, hợp tác,…) chỉ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động đọc, viết, nói, nghe, kĩ năng phản biện, suy luận, kĩ năng cập nhật, khai thác thông tin,.. chứ không phải qua việc nắm các kiến thức lí thuyết về ngôn ngữ và văn học. Điều này hoàn toàn phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (tháng 7/2017), Dự thảo Chương trình 20 môn học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành (tháng 01/2018) để lấy ý kiến, và Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên Chương trình Ngữ văn mới, điểm khác biệt của chương trình đổi mới lần này so với các lần cải cách trước đây là xuất phát từ các phẩm chất, năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực của học sinh, giáo viên cần chú ý nguyên tắc hình thành cho các em cách học, cách tự học, từ phương pháp tiếp cận, phương pháp đọc - hiểu đến cách thức nghe - nói, tạo lập văn bản; thực hành, luyện tập và vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau để sau khi rời trường, các em có thể tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Nhiệm vụ của giáo viên là tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh; hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ học sinh để các em từng bước hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục mong đợi. Trong Chương trình môn Ngữ văn đổi mới lần này, Bộ chỉ qui định những yêu cầu cơ bản về năng lực, phẩm chất cần đạt được, qui định về kiến thức, kĩ năng, thể loại và các ngữ liệu có tính chất gợi ý. Từ đó, các nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa, giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn, đề xuất các văn bản phù hợp với sự cảm thụ, tâm lí, lứa tuổi, địa phương, thời đại mà các em đang sống. Định hướng mở này cho thấy sự tiếp cận với chương trình và phương pháp dạy học của các nước tiên tiến.
2.2.2.    Một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học
Trước hết cần xác định rằng, đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, vấn đáp, phân tích, bình giảng,…), mà là cải tiến để nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học truyền thống, đồng thời phối hợp đa dạng các phương pháp dạy học với nhau, nhất là các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn, nhằm đem lại hiệu quả dạy học và giáo dục như mong đợi.
-          Về cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống
            Phương pháp dạy học truyền thống là những cách thức dạy học lâu đời, được bảo tồn và duy trì qua nhiều thế hệ, lấy hoạt động của người thầy làm trung tâm. Với phương pháp dạy học này, giáo viên là chủ thể, là tâm điểm, học sinh là khách thể, là ngoại vi. Nội dung dạy học được thiết kế một chiều từ người dạy đến người học nên thường nặng tính hàn lâm; chú trọng kiến thức cần truyền đạt; thiên về thuyết trình, diễn giảng, bình giảng,… Học sinh thụ động tiếp thu kiến thức từ thầy giáo. Vì vậy, giờ dạy dễ trở nên đơn điệu, buồn tẻ, đậm chất lí thuyết, lí luận; ít chú ý đến kĩ năng thực hành và vận dụng kiến thức của học sinh vào đời sống thực tế.
            Những hạn chế tất yếu của phương pháp dạy học truyền thống cần phải được cải tiến bằng cách kết hợp với các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới, hiện đại như các phương pháp dạy học: giải quyết vấn đề, tình huống, đóng vai, dự án, làm việc nhóm, nghiên cứu trường hợp,… khi đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh trong học tập môn Ngữ văn.
-          Về vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại
Các phương pháp dạy học hiện đại đều nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Phương pháp dạy học hiện đại là phương pháp dạy học dựa trên quan điểm học tập là một quá trình kiến tạo. Đó là quá trình học sinh tìm tòi, khám phá, phát hiện tri thức, là quá trình luyện tập, khai thác, xử lí thông tin,… Phương pháp dạy học tích cực, hiện đại lấy hoạt động học làm trung tâm của quá trình dạy học, nhấn mạnh hoạt động học và vai trò của học sinh trong quá trình dạy học, khác với cách tiếp cận truyền thống là nhấn mạnh hoạt động dạy và vai trò của giáo viên. Nhìn chung, trong quá trình vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại, giáo viên cần chú ý đến những đặc trưng cơ bản sau đây:
·      Dạy học là quá trình tổ chức hoạt động học tập của học sinh. Nghĩa là, thông qua cách tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn của giáo viên, học sinh trực tiếp, chủ động tìm hiểu, quan sát, thảo luận, tìm cách giải quyết vấn đề đặt ra theo sự suy nghĩ của mình; từ đó nắm được kiến thức, kĩ năng mới, cả phương pháp chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng đó. Dạy học theo cách này, quá trình chiếm lĩnh tri thức đồng thời là quá trình hành động của học sinh.
·      Dạy học thực chất là dạy cách tự học cho học sinh. Đây không chỉ là sự thay đổi về phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học, mà còn là mục tiêu dạy học. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, hơn bao giờ hết, giáo viên cần phải nỗ lực để tạo ra sự chuyển biến trong bản thân học sinh từ cách học thụ động sang cách tự học chủ động. Việc rèn luyện cho học sinh có được phương pháp, kĩ năng, thói quen, ý chí tự học, lòng ham học hỏi sẽ khơi dậy và khai phóng nội lực vốn có ở các em. Từ đó, kết quả học tập sẽ được nhân lên gấp bội.
·      Dạy học hợp tác sẽ làm tăng kết quả học tập, giúp học sinh nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ chung nhờ sự tác động của môi trường giao tiếp. Qua đó, năng lực học tập của mỗi cá thể học sinh được khơi dậy và phát huy. Trong lớp học, môi trường giao tiếp đó là giáo viên - học sinh và học sinh - học sinh. Ở môi trường giao tiếp này, sự hợp tác giữa học sinh với giáo viên và giữa các cá nhân học sinh với nhau sẽ giúp các em nhanh chóng chiếm lĩnh nội dung tri thức. Do đó, thảo luận, tranh luận trong tập thể là rất cần thiết. Từ ý kiến của mỗi cá nhân được bộc lộ, khẳng định hay bác bỏ, người học tự nâng mình lên một trình độ mới cao hơn.
·      Dạy học có sự kết hợp thường xuyên với nhận xét, đánh giá của giáo viên và tự nhận xét, đánh giá của học sinh. Nhận xét, đánh giá trong quá trình dạy học là nhằm kịp thời đưa ra những nhận định và kết quả chính xác về thực trạng học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên, qua đó có được những điều chỉnh sao cho phù hợp nhất. Phát triển năng lực học tập của học sinh không thể thiếu kĩ năng tự nhận xét, đánh giá để điều chỉnh cách học của chính các em. Vì thế, trong hoạt động dạy học, bên cạnh những nhận xét, đánh giá của mình, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh tham gia nhận xét, đánh giá lẫn nhau.  
            Dạy học tích cực yêu cầu giáo viên phải đầu tư công sức, thời gian để có được những giờ lên lớp mà ở đó giáo viên người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình phổ thông. Bằng việc vận dụng lí thuyết kiến tạo vào quá trình dạy học, các bài học trong sách hướng dẫn được thiết kế theo định hướng hình thành và phát triển năng lực học sinh theo tiến trình của hoạt động học với các bước: Khởi động/Trải nghiệm/Tạo tình huống xuất phát – Hình thành kiến thức – Thực hành – Vận dụng – Mở rộng, bổ sung/Phát triển ý tưởng sáng tạo. Mô hình tổ chức dạy học này giáo viên có thể áp dụng cho tất cả các phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn. Bên cạnh đó, giáo viên trong tổ/nhóm chuyên môn cần thường xuyên lựa chọn nội dung để hình thành các chủ đề/chuyên đề dạy học. Trên cơ sở đó, giáo viên chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập được giao, học sinh báo cáo kết quả và thảo luận, giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. Thí dụ, dựa vào chương trình Ngữ văn THPT, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh xây dựng thành các chủ đề/chuyên đề học tập như: Truyện dân gian Việt Nam, Thơ dân gian Việt Nam, Thơ trung đại Việt Nam, Truyện trung đại Việt Nam, Thơ hiện đại Việt Nam, Truyện ngắn hiện đại Việt Nam, Văn học hiện đại và hậu hiện đại (2)…  
            Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từng năm học, giáo viên cần không ngừng học tập, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, trau dồi nghiệp vụ sư phạm đạt trình độ lành nghề mới có thể tổ chức, hướng dẫn, nhận xét, đánh giá các hoạt động của học sinh trong và ngoài giờ lên lớp của mình một cách hiệu quả nhất.
2.3.    Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học
            Mọi hoạt động muốn không ngừng duy trì và phát triển phải gắn liền với kiểm tra, đánh giá. Dạy học cũng vậy. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học nhằm mục đích không chỉ xem học sinh học được gì, mà quan trọng hơn là xem cách học sinh học như thế nào, có biết cách vận dụng không. Thông qua kiểm tra, đánh giá, giáo viên rút kinh nghiệm để điều chỉnh hoạt động dạy học và giáo dục ngay trong quá trình diễn ra và kết thúc hoạt động này. Từ đó, giáo viên kịp thời động viên, khuyến khích những nỗ lực, tiến bộ của học sinh; đồng thời phát hiện, giúp đỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải của các em trong quá trình học tập, rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục.
          Đánh giá hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh cần thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ, các biểu hiện về năng lực, phẩm chất, phương pháp học tập của học sinh dựa trên mục tiêu giáo dục của Chương trình phổ thông và mục tiêu của Chương trình môn Ngữ văn; kết hợp thường xuyên đánh giá của giáo viên với tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng giáo dục địa phương. Các phương diện đánh giá học sinh gồm: hồ sơ học tập, các hoạt động trên lớp, bài thuyết trình, bài trình chiếu, video clip, bài viết, bài giới thiệu, báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, tiểu luận, báo cáo nghiên cứu khoa học, báo cáo kết quả thực hành, đánh giá tổng kết cuối kì, cuối năm học,…
          Định hướng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các môn học trong đó có môn Ngữ văn ở trường trung học theo yêu cầu của Bộ là phải xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong dạy học được thực hiện qua các bài kiểm tra với các loại câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu (3), đó là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh, ở từng học kì và từng khối lớp, giáo viên và nhà trường xác định t lệ các câu hỏi theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra, trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với các đối tượng học sinh và tăng dần tỷ lệ câu hỏi ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao. Giáo viên cần kết hợp một cách hợp lí giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi, đề kiểm tra mở gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội; nâng cao chất lượng kiểm tra bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết và triển khai phần tự luận trong các bài kiểm tra viết theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
3.  KẾT LUẬN
Tóm lại, việc chuyển từ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực là hướng đi phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, đồng thời phù hợp với xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới. Để phát triển năng lực của học sinh trung học trong học tập môn Ngữ văn phù hợp với mục tiêu giáo dục, với việc thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới, giáo viên cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tổ chức dạy học trong thiết kế bài học, sao cho thấy rõ các hoạt động của học sinh chiếm vị trí chủ yếu trong tiến trình dạy học. Chú trọng việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại vào quá trình dạy học.
Kiểm tra, đánh giá là hoạt động thường xuyên được tiến hành trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Dựa trên mục tiêu giáo dục, đánh giá hướng tới sự phát triển năng lực chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức của học sinh trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp, các tình huống phong phú khác nhau trong đời sống. Điều đó không chỉ tạo điều kiện để học sinh phát huy tính tích cực, sự tiến bộ của mình, mà còn giúp giáo viên kịp thời vận dụng, điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trung học trong học tập môn Ngữ văn cũng không ngoài hướng tới sự phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ và những năng lực khác có liên quan ở các em.

CHÚ THÍCH
(1)   Dẫn theo: Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II. NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 200.
(2)   Xem thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Tài liệu tập huấn phương pháp và kĩ thuật tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học môn Ngữ văn (Dành cho cán bộ quản lí, giáo viên trung học phổ thông), 07/ 2017.
(3)   Xem thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014). Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2.     Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể, 07/ 2017.
3.     Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ngày 27 tháng 12, 2018). Chương trình giáo dục phổ thông mới. Truy cập từ http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5755.
4.     Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ngày 27 tháng 12, 2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.  Truy cập từ http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5755.
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét