TS. PHẠM THANH HÙNG
(Trường Đại học An Giang)
(Trường Đại học An Giang)
Nhà văn Trang Thế Hy. Ảnh: Internet |
1. Trang Thế Hy, cây bút truyện ngắn quen thuộc
Trang
Thế Hy (1924 – 2015), tên thật Võ Trọng Cảnh, là một trong những cây bút tiêu
biểu thuộc hàng ngũ nhà văn yêu nước vùng đô thị miền Nam trước 1975, đồng thời
là “cây cổ thụ của văn học Nam Bộ” (Ngô Thảo) thời kì hiện đại. Ngày 08-12-2015
vừa qua, tại quê nhà huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, “ông đầu bếp già” từng nấu
cho thực khách văn chương nhiều món ngon nhớ đời ấy đã vĩnh viễn “đi chỗ khác
chơi” (chữ của Trang Thế Hy) khi ở tuổi 91, để lại niềm tiếc thương cho bạn đọc
nhiều thế hệ về một ngòi bút tinh tế, mẫn tiệp, thâm trầm, pha chút hài hước,
hóm hỉnh.
Nhìn
lại con đường sáng tác truyện ngắn hơn nửa thế kỉ của Trang Thế Hy từ thời đăng
trên tuần báo Nhân Loại bộ mới khoảng
1957 trở về sau (với nhiều bút danh khác nhau)(1) như Nguồn cảm mới, Mấy giòng thư cũ, Bức tranh
không bán, Vừng trăng bên kia sông,
Áo lụa giồng, Yêu và thương, Một thiếu nữ
không đáng kể, Mai ơi!... Người sống
đáng thương hơn, Tơ phím đàn xưa,
Nàng tiên trong rẫy mía, Mỹ Thơ, Người chị áo xanh, Bây giờ là
mùa thu, Thèm thơ, Trời xanh như mắt em,… (thời ở Sài
Gòn), Anh Thơm râu rồng, Vui
nhỏ trên đường dây, Quê hương thứ hai của người du kích, Bên miệng hố
bom đìa,… (lúc ở rừng) đến Nợ nước mắt, Mưa ấm, Con cá không biệt
tăm, Vết thương thứ mười ba,
Tiếng hát và tiếng khóc, Người bào chế thuốc giảm đau, Hai người
nhìn mưa dầm… (sau 1975), mới thấy ông là nhà văn rất đỗi quen thuộc với
nhiều tầng lớp độc giả. Người đọc miền Nam và cả nước như bị cuốn
hút bởi nghệ thuật dựng truyện thật tự nhiên, có khi đem đến những bất ngờ thú
vị, cùng với cách xây dựng tình huống hấp dẫn từ những sự thực của đời sống vẫn
còn tươi rói, vẹn nguyên.
Trang
Thế Hy có làm thơ, dịch thơ, viết tiểu thuyết, cả truyện vừa, nhưng phần đóng
góp làm nên tầm vóc của “một ông Nguyễn Tuân rất Nam Bộ” (Nguyên Ngọc) chính là
trên dưới nửa trăm truyện ngắn được viết trước và sau năm 1975.
2. Truyện ngắn
Trang Thế Hy và những “nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”
Sau
năm 1954 và trước khi ra vùng giải phóng (1964), với tư cách là nhà văn hoạt động
bí mật, “nằm vùng” ngay trong lòng thành phố Sài Gòn bị địch chiếm đóng, Trang
Thế Hy đã có gần 10 năm sống lăn lộn trong những xóm lao động nghèo, tiếp xúc hằng
ngày với những con người thuộc tầng lớp hạ lưu. Ở họ, ông thấu cảm biết bao “hiện
thực đau buồn” từ những mảnh đời đau khổ, những hoàn cảnh éo le, những nghề
nghiệp bị rẻ khinh… Và “bằng sự trải nghiệm đau buồn của lớp người cùng khổ chứ
không phải là điều bịa đặt hoang đường”, ông đã viết “với lương tri yên ổn của
người cầm bút biết rằng câu chuyện có thật hơi khó tin giữa cái xã hội đầy rác
rưởi bọt bèo nầy”(2). Sau này, có lần gặp gỡ các bạn văn đến thăm
khi đã rời xa chốn phồn hoa Sài Gòn để “đi chỗ khác chơi”, trở về với mảnh vườn
rợp mát bóng dừa ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ông đã trải
lòng:
“Tôi
thường miêu tả những con người cùng khổ, bất hạnh trong cuộc sống. Nói theo
ngôn ngữ văn chương là có một số phận không may. Nỗi đau nhân vật mà tôi thường
phân tích là nỗi đau của những con người bị bạc đãi, có tấm lòng, có công mà bị
bội bạc, phản bội. Bắt đầu viết (cũng như trong cuộc đời), ngồi trước trang giấy,
tôi luôn căn dặn mình rằng, đừng giả vờ yêu mến những gì mà mình không yêu mến
hoặc chưa kịp yêu mến”(3).
Và
đúng như ông nói, người đọc dễ dàng tìm thấy trong những trang viết của Trang
Thế Hy hình ảnh những con người như vậy. Đó là một Hứa Lệ Mai trẻ đẹp, nhà
nghèo, gánh nước thuê, chịu cực giỏi, vô cùng hiếu thảo, nhưng đã phải tự hủy đời
mình để bảo vệ tiết trinh, do em không thể chấp nhận thực tế phũ phàng là bị một
mụ mối già gạt gẫm bán đứng cho một gã phú thương cao tuổi (Nguồn cảm mới). Đó là Thơm, phải chết tức
tưởi dưới họng súng của tên trung úy Pháp vì bị lừa gạt bởi người anh bà con -
chủ tiệm buôn, con người dì ruột - do hoàn cảnh chiến tranh và gia đình li tán
mà không biết mặt nhau (Nắng đẹp miền quê
ngoại)(4). Còn nữa, những người lao động nghèo ở chốn thị thành
như cô The, vì muốn cứu chồng và em bị lính “bê rê xanh” bắt đi một cách đầy bất
ngờ đã nhẹ dạ nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của một mụ tú bà đanh ác, nhiều mưu
mẹo, rốt cuộc phải chết trong buồng riêng của viên tướng lãnh Bình Xuyên (Một cuộc đời)(5). Hay một cô
Yến mồ côi cha mẹ phải ở nhờ người chú từ thuở bé. Rồi vì tìm cách tránh ngồi
tù do thua bạc và thâm thụt ngân quỹ, người chú ấy đã cam tâm đem đổi chác tấm
thân trong trắng của đứa cháu gái mình trước ngày cưới cho một “người bạn cứu
tinh”, để nhận đủ số tiền thâm hụt kia. Cuộc mua bán tình ái ấy đã khiến Yến
không thôi day dứt, dày vò về “tội lỗi lớn lao” ngoài ý muốn của mình, khi nghĩ
đến cái thai trong bụng và tình yêu mà người chồng hết dạ thương yêu đã dành
cho một người vợ dịu hiền như Yến (Tiếc một
niềm vui)(6).
Đó
còn là Liên, một thiếu phụ ba mươi tuổi, lấy chồng năm mười tám, chăn gối chưa
đầy hai tháng người chồng ra đi giữa một mùa thu và hẹn trở lại khi nào yên giặc.
Nhưng đến chừng giặc yên, “nàng chỉ nhận được một bức thơ vĩnh biệt và vài
trang nhật ký. Xương thịt người chồng đã rã tan trong lòng đất, mả mồ không biết
nơi nào” (Sen mùa thu)(7).
Nỗi chán chường, cay đắng, bi quan và hoài nghi “cái đẹp của tình đời” ở Thái,
một “chàng trai giữa tuổi hai mươi mà đã chập chờn trong tâm não cái viễn ảnh
màu đen của khối xương thịt sắp gởi cho lòng đất lạnh”, kết quả của ba năm “người
chiến sĩ xả thân cho quốc gia dân tộc” ấy bị bọn Tây đưa đi nhiều trại giam và
mới được thả ra hơn tháng qua đã khiến người đọc hết sức đau xót. Nếu không có
những người bạn với tấm tình cao đẹp như Minh, Hạnh, thì đời Thái có lẽ sẽ kết
thúc bằng “cái chết bi thương giữa tuổi yêu đời” (Mượn tình qua ải khổ)(8) …
Chiến
tranh còn là nguyên nhân làm cho tình yêu của Dung và Văn không đi đến một kết
cục đẹp đẽ, khi Dung bị bắt trong một cuộc hành quân và trở thành vợ của một sĩ
quan Pháp. Nỗi khổ hận tình ấy khiến Văn tiêu hao sinh lực, chí khí vào các hộp
đêm và trở về nhà xây dựng gia đình với một thiếu nữ miền quê, đánh mất vĩnh viễn
mối tình đẹp với Thùy Dung, dù sau này gặp lại biết nàng vẫn một tấm lòng chung
thủy đợi chờ (Mấy giòng thư cũ)(9).
Ngòi bút Văn Phụng Mỹ (bút danh khác của Trang Thế Hy) không quên tái hiện nỗi
khổ đau của những đứa trẻ ở nông thôn như thằng Hiếu với lai lịch ba đời chăn
trâu cho địa chủ cùng những trận đòn ác liệt trong đời; con Nhan có cha bị cả Cự
lập thế bỏ tù với tội làm quốc sự, người mẹ cũng bị chính tên này phao vu để chiếm
đoạt. Và vì không chịu nổi cảnh tù đày, ba Nhan phải bỏ thây ngoài Bà Rá, chú
Tư thì bị đưa tuốt ra ngoài Côn Đảo chung thân không có ngày về, mẹ Nhan ân hận
buồn rầu mà chết khi em mới được sáu tuổi!… (Mối tình bên rạch Giồng Chanh)(10).
Những
cảnh tình khổ đau của các tầng lớp nhân dân lao động nêu trên không chỉ được biết
qua sáng tác của Trang Thế Hy, mà còn có thể bắt gặp trên nhiều trang viết của
các nhà văn cùng thời, đã từng lặn hụp trong lòng đô thị miền Nam để sống và
sáng tác. Trước năm 1975, nhiều độc giả không thể quên được cô ca nữ tửu lầu hiền
hậu, dịu dàng tên Mã Lê trong truyện ngắn Mã
Lê (Tiêu Kim Thủy)(11) đã đạp lên bao nhiêu nỗi đau đớn ê chề, quyết
tâm giữ gìn kế sinh nhai cho gia đình. Hay cha con Lão Viên phải chết tức tưởi
dưới họng súng của kẻ thù là bọn lính lê dương đóng ngay bên kia sông chỉ vì muốn
cải thiện bữa ăn đã quá đỗi kham khổ, vượt khỏi sức chịu đựng của tuổi già
(truyện ngắn Úp nôm hồi vọng – Hoài
Nghĩa)(12). Hình tượng anh công nhân Ba Nhỏ trong truyện ngắn Lúc chiều xuống (Lê Vĩnh Hòa)(13)
đã đem đến người đọc một niềm xúc động lớn lao, khi người lao động chính của
cái gia đình nghèo khổ này đang bệnh nặng cũng phải gượng dậy kéo lê những bước
chân xiêu vẹo, mong “quơ bậy vài chục bạc” trong những ngày giáp Tết, để lo cho
cuộc sống của vợ con đang trong lúc ốm đau và đói khát…
Sau
năm 1975, hồi tưởng những trải nghiệm về cuộc sống một thời đã qua, ngòi bút
Trang Thế Hy đã tiếp tục tái hiện nên nhiều câu chuyện thật cảm động. Đặt nhan
đề cho tác phẩm Hồng nhan và đồng xu,
nhà văn như muốn nêu bật sự đối lập của một thực tế xót lòng: nhan sắc, tài
năng với số phận của cô đào hát bội có gương mặt đẹp mà buồn đóng vai nữ tướng
Phàn Lê Huê, Đường trào chinh Tây đại Nguyên soái hùng hổ ban lệnh xuất quân,
đưa người xem lên đến tột đỉnh của lòng ái mộ. Những giây phút cao trào ấy,
cũng không thể khiến tâm trí cô không chú ý, còn “một đồng xu ló cạnh ở kẽ hở
hai tấm ván ghép trên sân khấu” mà khán giả đã quăng lên cùng với biết bao vật
phẩm khác. Và như một phản xạ có điều kiện, lập tức cô ngừng hát để nạt mấy đứa
nhỏ trong đoàn: “Đồ ăn hại, có mấy đồng xu mà lượm cũng bỏ sót”(14)!
Ám ảnh từ trong vô thức về một gương mặt đẹp mà rười rượi buồn với đôi môi cử động
không biết để cười hay khóc của vai diễn đã để lại tâm hồn, và cái nhoẻn miệng
cười mặc kệ những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má của đứa trẻ xưng “tôi”
trong vai người kể chuyện, đã gợi lên nhiều suy nghĩ cho người đọc về nỗi đau của
người nghệ sĩ chân chính trước thực tế cơm áo, gạo tiền.
Trang
Thế Hy còn có hẳn một truyện ngắn có nhan đề nêu bật hai hình ảnh đối lập nhau:
Tiếng khóc và tiếng hát. Vẫn là một tấm
lòng tri âm đối với những kiếp đời thống khổ, nhưng lần này nhân vật “tôi”
trong vai ông thầy tuồng chuyên viết kịch bản sân khấu đã đối thoại với chị bán
thuốc lá vừa mới quen nhau mấy bữa. Qua câu chuyện về thế giới thu nhỏ của những
con người nghèo khổ xung quanh, nhà văn như thầm nhắc nhở những người nghệ sĩ
như mình: “phải lắng nghe cho được ngôn ngữ lặng thầm của những người đau khổ
biết nói mà làm thinh không nói”, và “người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái
điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”(15).
Có thể xem đó là tuyên ngôn nghệ thuật của Trang Thế Hy, là con đường nghệ thuật
nhà văn theo đuổi, khi đời sống xã hội chưa bao giờ lụi tàn nỗi đau khổ của những
con người thầm lặng.
Câu chuyện về Người bào chế thuốc giảm đau, một lần nữa
tác giả lại đứng về phía những con người nghèo khổ thành thị. Ở đây là một cô
sinh viên bỏ trường đang theo học tiếng Anh ở Trung tâm thính thị Anh ngữ với
hi vọng nhờ nó mà ngoi ra được khỏi vũng lầy, và một người đàn ông lớn hơn cô
khoảng gần hai mươi tuổi - một cán bộ nội thành bỏ đội ngũ đi làm giàu - sau
này gặp lại cô mới biết ông còn là một nhà thơ. Cũng là một cuộc đối thoại của
hai nhân vật chính ấy, trong hai cuộc gặp ở hai thời điểm cách nhau hai mươi
tám năm, giữa phố thị Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện hơi nặng màu
sắc triết luận của hai con người có học về những nỗi đau của thế sự và cả nỗi
đau nghề nghiệp của người nghệ sĩ. Như cách nói của một nhà thơ nước ngoài:
“Trái đất nứt ra làm đôi, vết nứt xuyên qua trái tim thi sĩ”. Theo đó, dù là nỗi
đau nào đi nữa, thì người nghệ sĩ chính là nỗi đau chứ không phải là thầy thuốc:
“Một nỗi đau sống rất dai, thọ khí âm dương biến thành người: Người bào chế thuốc
giảm đau”. Và “khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng
thuốc chứ không phải lỗi của người bào chế thuốc”(16).
Càng
tiếp xúc với thế giới của những con người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội hiện
lên qua các truyện ngắn của Trang Thế Hy trước và sau năm 1975, người đọc như càng
thấy thấm thía hơn về một nhận xét của Nguyên Ngọc:
“Trang
Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên,
hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn.
Và tôi muốn nói điều này: thấy được và ngợi ca những vẻ đẹp hùng tráng, tất
nhiên cũng cần lắm, nhưng dễ hơn nhiều. Tìm ra được cái đẹp nhỏ nhoi, không tên
kia mới khó, cần rất nhạy, rất tinh, và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, cần một tấm
lòng nhân ái sâu xa lắm, một chất nhân văn không ồn ào, cường điệu, mà đậm đà lắm”(17).
3. Nghệ thuật dựng truyện
và xây dựng tình huống trong truyện ngắn
Trang Thế Hy
Nói
đến tác phẩm tự sự (như truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, truyện thơ,…) là
nói đến cốt truyện. Đó là hệ thống những sự kiện, biến cố, hành động,… trong
tác phẩm, thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh
xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nhà văn xây dựng cốt
truyện nhằm phản ánh các quan hệ và mâu thuẫn của đời sống xã hội. Thành công của
cốt truyện làm nên sự thành công của nghệ thuật dựng truyện, của kết cấu văn bản
nghệ thuật ở bình diện trần thuật.
Không
như tiểu thuyết, truyện ngắn thường tập trung vào một tình huống/ tình thế, một
chủ đề tư tưởng nhất định. Ở truyện ngắn, thường cốt truyện bắt đầu từ những sự
kiện có vấn đề, gọi là tình huống. Nó được xem như một lát cắt của cuộc sống.
Tình huống gắn liền với cốt truyện và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tình huống
cũng chi phối sự phát triển của truyện và cách thức xây dựng các nhân vật. Theo
nhà văn Mỹ E. Poe, “mỗi truyện ngắn chỉ được phép gây một ấn tượng duy nhất
trong trí óc độc giả”(18). Nhà văn Nguyễn Kiên nói rõ hơn, “điều
quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn cho được cái tình thế tự nó bộc lộ ra nét chủ yếu của tính cách và số
phận, tự nó đặc trưng cho một hiện tượng xã hội”. Nghĩa là, tình huống có vai
trò đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện tính cách, số phận nhân vật, và “mỗi
truyện ngắn chỉ chứa đựng một tình thế như thế nào đó đã xảy ra trong đời sống,
nếu có đến hai tình thế trở lên, truyện ngắn sẽ bị phá vỡ”.(19)
Là
một cây bút già dặn trong nghệ thuật viết truyện ngắn, với một lối văn nhẹ
nhàng, sâu lắng, giàu cảm xúc, Trang Thế Hy thường chọn cho mình một cách dựng
truyện và xây dựng tình huống chứa đựng những dấu ấn sáng tạo riêng. Đọc truyện
ngắn của ông, người đọc hầu như không tìm thấy những sự kiện, chi tiết, tình tiết,
tình huống, hành động,… li kì, lối mở đầu hay kết thúc thể hiện những dụng ý
nghệ thuật khác nhau, mà thường nhẩn nha, lắng đọng bên trong những câu chuyện
đời thường là sự trỗi dậy mạnh mẽ của những miền xúc cảm, kí ức, day dứt, dằn vặt,
trăn trở, đay nghiến do đạo đức bị băng hoại, lòng tự trọng bị tổn thương, ý thức
về sự cao đẹp của nhân phẩm bị dập vùi. Tiếp nhận tác phẩm, người đọc cảm thấy
thích thú khi tự rút ra cho mình một bài học về lẽ sống, tình người, về thiên
chức làm người, làm nghề, về cách đối nhân xử thế,… Nhà thơ Thanh Thảo đã có lần
đưa ra nhận xét xác đáng: “Văn Trang Thế Hy đầy cá tính, đầy khắc khoải, và
cũng đầy im lặng. Đó là thứ văn cho người đọc không chỉ đọc một lần, mà đọc rồi
nghĩ ngợi, đọc rồi đau và vui cùng nhân vật, cùng tác giả”.(20)
Ai
đọc Trang Thế Hy cũng đều có thể thấy, nhà văn như dành sẵn bao tấm lòng ưu ái,
yêu thương của mình cho biết bao kiếp đời của những cô gái nghèo, nhất là những
cô gái ăn sương. Mà viết về họ thì có bao nhiêu là câu chuyện đau lòng, nhất là
trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, cuộc sống nghèo khó, túng quẫn nhan nhản
khắp mọi nơi.
Mỗi
một câu chuyện được viết ra từ xúc cảm trào dâng của tác giả, và tình huống
truyện xuất hiện hợp lí, thậm chí như một điều tất yếu của hiện thực. Câu chuyện
trong Áo lụa giồng đã ghi lại tình
yêu thiết tha đối với thứ lụa nội hóa và chiếc áo bà ba gợi nhớ hình ảnh quê
nhà Bến Tre của những người trong cuộc. Chính tình cảm đó là chất xúc tác dẫn đến
tình huống gặp nhau của Liêm và Bông nhằm khẳng định sự bền chặt, thủy chung của
hai con người với chiếc áo lụa giồng bình dị giữa đông đúc những tà áo mới đủ
màu, trong một buổi chợ nghèo chiều hai mươi tám Tết ở xóm Trường Tiền Gia Định.
Truyện được xây dựng từ những chi tiết, sự kiện miêu tả hành trình của nhiều
gia đình phải rời bỏ quê hương đang oằn oại dưới gót chân bọn xâm lược, nheo
nhóc đùm đề tản cư đến nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Biết bao người đã
ngã xuống vì bom đạn của giặc. Và cuộc sống như một dòng chảy không ngừng. Giữa
những thực tế đau buồn, chi tiết hình ảnh chiếc áo lụa giồng hiện lên trong một
giấc mơ đẹp của Liêm - một thợ in nghèo giữa chốn đô thành - đã thổi vào cái u
ám của cuộc đời nhân vật “một chút gì rất mới chưa từng biết giữa cuộc đời
nghèo cực”, làm cho kết thúc truyện trở nên thật ý nghĩa. Cái mới ấy, đúng như
câu nói của Bông, một cô gái nghèo nhưng rất giàu tình nghĩa, là: “Thiên hạ chỉ
mặc áo che cơ thể. Chúng ta có khi lại mặc áo cho tâm hồn nữa”(21). Một
câu nói ngắn gọn nhưng đã lý giải một cách đầy đủ, ý nhị và sâu sắc tình cảm bền
chặt của Liêm và Bông, dù họ trải qua biết bao nhiêu biến đổi của thời cuộc. Đó
cũng là lời giải thích cho lý do vì sao giữa chợ đời đông đảo, họ có thể gặp lại
nhau.
Không
chỉ có Bông, Hứa Lệ Mai trong Nguồn cảm mới
cũng là một cô gái nghèo gánh nước mướn để nuôi cha bị bệnh nằm một chỗ. Những
chi tiết về cuộc đời ngắn ngủi của Lệ Mai cũng là câu chuyện thường gặp của những
thiếu nữ đang tuổi dậy thì, gia cảnh nghèo khó phải bươn chải để tồn tại giữa
chốn thị thành. Cái hay của truyện chính là việc tác giả đã đặt nhân vật của
mình vào một tình huống ngặt nghèo, một hoàn cảnh sống có vấn đề: người cha vì
bệnh tật, nhưng quan trọng hơn là để cầm cự với bệnh tật và sống lây lất, ông
“phải lén lút nhận tiền của một phú thương trong Chợ Lớn qua trung gian của một
mụ mối lái chuyên săn gái tơ cho trọc phú”(22). Lệ Mai là một người
con rất hiếu thảo. Nhưng dù đã lao động cật lực, em cũng không thể nuôi nổi một
gia đình. Vậy mà khi nhìn cái cảnh bán phấn buôn hương diễn ra ở ngoài đầu lộ,
trong bụng em đã sẵn một ý định: “Cùng quá thì chết, chớ không làm như vậy!”(23).
Chi tiết về đám cháy thứ hai xảy ra giữa xóm lao động nghèo chỉ trong vòng sáu
năm mà có đến bốn đám cháy, giống như một cơ hội để Lệ Mai quyết định tìm đến sự
giải thoát cho cha và bản thân mình khi người ta đập cửa xông vào ngôi nhà đã bốc
cháy, thay vì mở chốt cửa em đã gài thêm một cái chốt nữa. Và đúng như tác giả
đã viết ở cuối truyện, “biết rằng câu chuyện có thật hơi khó tin giữa cái xã hội
đầy rác rưởi bọt bèo này”(24), nhưng đó lại là một kết cục hợp lí của
con “xẩm” con gan dạ, có lòng tự trọng, có “cái máu dám chết đó của dòng họ bên
nội”(25) như Hứa Lệ Mai. Nguyên Ngọc cho rằng: “Cô “xẩm” ấy, dưới
ngòi bút của Trang Thế Hy, hiện lên sáng tỏa như một liệt nữ… những liệt nữ ở
chốn bùn đen…”.(26)
Cuộc
sống khắc nghiệt thường sẵn dành những thiệt thòi, bất công cho những người
nghèo khó, bất hạnh. Tình huống truyện ngắn Trang Thế Hy đa phần hướng đến việc
khắc sâu lòng nhân ái, bao dung, khơi tìm những phẩm chất tốt đẹp tưởng như có
thể bị vùi lấp ở họ vì những nỗi lo toan cơm áo gạo tiền. Ngòi bút Trang Thế Hy
còn đặc biệt chú ý xây dựng hình tượng nghệ thuật về những con người giàu nghĩa
tình thủy chung, sống trong hòa bình vẫn không quên những năm tháng cam go ác
liệt của thời chiến tranh. Theo Trần Hữu Tá, Nợ nước mắt(27) có thể xem là truyện ngắn tiêu biểu hơn
cả của nhà văn(28). Truyện viết xong tháng 2 năm 1977. Tình huống độc
đáo làm nên sức hấp dẫn không cưỡng được ở người đọc khi tiếp xúc với câu chuyện
thấm đẫm tình người này được kể qua lời của nhân vật “tôi”, đó là “nợ nước mắt”
của người sống vì ngộ nhận là chồng đã khóc cho người chiến sĩ chết vì Tổ Quốc,
và “nợ nước mắt” của người chiến sĩ đã chết khóc cái chết của người còn đang sống.
Sự
gặp gỡ bất ngờ trong hòa bình giữa nhân vật “tôi” và chị Ba Hường, hai con người cùng quê và là bạn thân của
nhau trong thời kì chiến tranh, đã khơi dậy nơi chị Ba dòng hồi ức trào tuôn mạnh
mẽ về một thời quá khứ hào hùng. Hình ảnh người phụ nữ miền Nam đẹp, có đức hạnh,
bộc trực, vui tính, hào hiệp, nhưng trải qua nhiều truân chuyên – chị Ba Hường
– và câu chuyện nghĩa tình mà chị hồ hỡi kể với “tôi” mỗi lúc như càng rõ thêm
những nét đẹp đặc trưng trong tính cách của chị, khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn
vô cùng.
Như
nhiều truyện ngắn khác của Trang Thế Hy, tình huống truyện thường được nhà văn
dẫn dắt một cách tự nhiên như chính bản thân cuộc sống. Những chi tiết, tình tiết,
sự kiện góp phần làm nên sức thu hút của tình huống truyện đã được nhà văn khéo
léo chọn lọc từ những trải nghiệm của đời sống, đặc biệt là đời sống chiến trường.
Ở đó, những sự ngang trái, bất thường, hi hữu của đời sống đều có thể xảy ra.
Đó là lí do hoàn toàn có thể hiểu được, khi hình dung ra trước những cái xác của
người chiến sĩ giải phóng quân không còn nhận ra nhân dạng, được mò tìm từ trận
địa mênh mông của mùa nước nổi vùng ven sông Cửu Long thuộc huyện Cao Lãnh, chị
Ba Hường đã ôm một cái xác mà khóc kể nỉ non. Bởi, chị tin rằng đó là xác của
chồng mình. Không thể ngờ, đang khi ấy người ta lại chở về một cái xác khác,
nói rằng đây mới đúng là anh Ba chồng chị với đầy đủ những chứng tích chính
xác. Trong tình thế ấy, chị Ba đã kể lại với “tôi” bằng thái độ chẳng những
không chút ngượng ngùng, mà còn nói thêm một lời đầy nghĩa tình đồng chí, đồng
đội: “Tôi nhớ kỹ là tôi không có ngỡ ngàng chút nào hết anh Hai à! Nước mắt
khóc người chết vì Tổ Quốc đâu phải là nước mắt dư mà mình mắc cỡ phải không
anh?”(29). Lời kể ấy không chỉ cho thấy nhân cách cao đẹp của người
phụ nữ miền Nam ở chị, mà còn cho thấy cách xử lí tài tình của nhà văn khi xây
dựng tình huống không phải là hiếm gặp trong cuộc sống, nhất là trong thời chiến.
Và cũng chính vì nợ món nợ nước mắt này, mà sau ngày đất nước hoàn toàn giải
phóng chỉ mới có năm ba ngày gì đó, chị Liên - vợ anh Nghiêm (tên người chiến
sĩ chị Ba ôm khóc) - đã tất tả đi tìm chị Ba, dù thông tin nắm được rất mù mờ,
“để trả một món nợ mà chị cưu mang mười mấy năm trời”(30). Những con
người giàu tình nghĩa đã sống với nhau đầy nghĩa tình sâu nặng trước sau như vậy!
Thế
nhưng, nói đến nghệ thuật dựng truyện và xây dựng tình huống tài tình ở Trang
Thế Hy qua truyện ngắn tiêu biểu này, không thể không nói đến mặt thứ hai của
tình huống, đó là món nợ nước mắt của người chiến sĩ đã chết khóc cái chết của
người còn đang sống. Chọn lọc một mặt của tình huống để đưa vào truyện đã khó,
đằng này tính kịch của tình huống càng lúc càng được tác giả đẩy cao hơn, sức hấp
dẫn của truyện cũng theo đà đó mà tăng dần thêm lên. Xuyên suốt tình huống là
chi tiết về cái thùng đại liên đựng bản thảo và cuốn sổ ghi chép của nhân vật
“tôi” khi rời đồng bằng trở về rừng đã gửi lại cho đứa cháu tên Cường, ở một cơ
quan tỉnh. Đến khi giặc chiếm hết các xã trong huyện, Cường định gửi cái thùng
lại trong một cái hầm kiên cố. Tuy nhiên, vì sợ bí mật không được đảm bảo, anh
Năm Cuông đã lật đật lãnh giữ giùm cho chắc. Hành trình “ngao du” của nó phải
qua tay nhiều người, trong đó có cả chị Ba. Và đáng nói hơn cả là người nào
cũng trân trọng, giữ gìn, không chỉ có “nước mắt, công sức, sự nguy hiểm tiếp cận
với cái chết, mà còn có sự nâng niu về mặt tinh thần, theo dõi phê phán những
điều suy nghĩ khi cầm bút”(31), như những nghĩa cử cao đẹp và đầy nghĩa
tình trọn vẹn với người chiến sĩ - nghệ sĩ có tin là đã bị địch bắt và hi sinh.
Người ấy chính là “tôi” - vừa là nhân vật chính, vừa là chứng nhân lịch sử
trong câu chuyện kể của chị Ba Hường, hãy còn sống sờ sờ ra đây! Vậy mà, từ
ngày vất vả cam go để cái thùng được trở về với chủ nhân của nó sau ngày giải
phóng, “tôi” chỉ mới “có rớ tới” chứ chưa làm gì với cái thùng ấy. Hai năm rồi
“tôi” vẫn chưa đọc lại những gì trong đó. Kể cả xấp bản thảo viết dở dang về cuộc
đời anh Năm Cuông vẫn còn kia, cuộc đời của người mang cái thùng “kè kè bên
nách mấy tháng trời”, giờ mới biết là đã hi sinh! Trong khi giữa năm 1972 trước
đó, khi rút chốt trái lưu đạn cuối cùng chia đôi với hai tên biệt kích, chắc
anh Năm Cuông đinh ninh rằng xuống “dưới kia” sẽ gặp “tôi”!
Người
đọc hoàn toàn có thể hiểu được tâm trạng của “tôi” lúc này, không chỉ có xúc động
mà còn có cả sự hổ thẹn khi đặt nhân vật vào trong tình huống truyện. Và đúng
như suy nghĩ của anh: “Bây giờ nó không chỉ là bản thảo mà là chứng tích của một
món nợ ân tình ngoài ý muốn đã được vay của nhiều người, bằng nhiều thứ của cải,
trong đó có nước mắt của người chết đã khóc cái chết của người còn đang sống”(32).
Rất nhiều chi tiết, tình tiết đã đan xen, gắn bó nhau để làm nên câu chuyện và
làm bật ra tình huống truyện đầy sức hấp dẫn như vậy. Tấm lòng của nhân vật
“tôi”, một chiến sĩ, một nhà văn (có thể phần nào là hình ảnh của tác giả (?)),
đối với những con người xem trọng nghĩa tình, một lòng một dạ với đồng chí, anh
em qua câu chuyện như được trang trải, giải tỏa. Đồng thời, truyện cũng nhằm thức
tỉnh lương tâm, lương tri con người ở những giờ phút nào đó trong cuộc đời đã
có thể dễ dàng lãng quên quá khứ - những người như người bạn mà chị Ba Hường đã
gặp ở bắc Vàm Cống. Không biết rồi đây anh ta có tiếp tục “vậy hả” mỗi khi nghe
gợi lại sự nâng niu đùm bọc của những người quen thân cũ vẫn còn nhắc nhở, nhớ
thương anh hay không nữa!
4. Thay lời kết
Giá
trị cùng sự thành công của văn chương và ngòi bút Trang Thế Hy nói chung, của
nghệ thuật dựng truyện và xây dựng tình huống trong truyện ngắn trước và sau
năm 1975 nói riêng, bắt nguồn sâu xa từ quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và
con người của nhà văn. Như nhiều nhà văn khác, Trang Thế Hy hết lòng trân trọng,
chắt chiu, gìn giữ và theo đuổi cái đẹp đến trọn đời. Với ông, đó là cái đẹp giản
dị, đời thường, thậm chí nhỏ nhoi nhưng vô cùng gần gũi và trong sáng. Nếu trước
1975 nhiều người xem truyện ngắn Thèm thơ
như một tuyên ngôn nghệ thuật nêu rõ tình cảm, thái độ, nỗi khổ, niềm khát vọng
của độc giả “thèm nghe thơ” và người nghệ sĩ “thèm làm thơ” trước cuộc đời khi
anh ta phải tiếp tục viết để “đổi gạo” chứ chưa cho phép “làm thơ một cách đáng
gọi là làm thơ”(33), thì sau năm 1975 Tiếng hát và tiếng khóc là sự tái khẳng định quan niệm và con đường
nghệ thuật mà nhà văn theo đuổi bấy lâu nay: “đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa
đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”(34).
Trước sau, đó đều là sự thống nhất trong quan niệm nghệ thuật của Trang Thế Hy:
đứng về phía những con người đau khổ để lắng nghe cho được ngôn ngữ thầm lặng của
họ; bênh vực đạo đức, lẽ phải; gửi gắm tiếng nói và tình cảm chứa chan về nhân
nghĩa ở đời; kêu gọi hướng thiện…
Nghệ
thuật dựng truyện và xây dựng tình huống trong truyện ngắn Trang Thế Hy mang dấu
ấn của sự sáng tạo riêng, được nung nấu, tích lũy, chọn lọc, đúc kết từ sự
phong phú, đa dạng đến xô bồ của cuộc sống và con người. Chính tấm lòng thiết
tha, nỗi niềm đau đáu về những kiếp người đau khổ, bất hạnh là động lực để nhà
văn gần gũi, đồng cảm, sẻ chia bằng tất cả sự sâu sắc của một trí tuệ mẫn tiệp,
một ngòi bút nhân ái, tinh tế và nghiêm cẩn. Hơn 90 năm gắn bó nơi trần thế, tận
mắt chứng kiến biết bao câu chuyện, mảnh đời, số phận con người, song, Trang Thế
Hy chỉ viết ra những gì mình thật sự chiêm nghiệm, cảm xúc và yêu mến. Đó là
cách lí giải vì sao nghệ thuật dựng truyện và xây dựng tình huống trong truyện
ngắn Trang Thế Hy rất đỗi chân thật, tự nhiên như chính bản thân cuộc sống.
Viết
về Trang Thế Hy là viết về một nhà văn hiện đại lớn của Nam Bộ đã tận hiến cho
nghệ thuật dù sự nghiệp văn chương không nhiều. Có thể vì ông cẩn trọng đắn đót
từng chữ, từng lời. Mặc dù vậy, trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, “quý hồ
tinh bất quý hồ đa”, nên tác phẩm của Trang Thế Hy, nhất là truyện ngắn, vẫn đem
đến những ấn tượng và sức hút lớn đối với nhiều thế hệ bạn đọc trong hơn nửa thế
kỷ qua. Cho đến nay, những bài học quí nhà văn để lại cho đời không chỉ qua sáng
tác mà còn ở nhân cách, trí tuệ, bề rộng văn hóa và chiều sâu tình cảm của ông
đối với con người.
________________
(1)
Ngoài Trang Thế Hy, nhà văn còn có các bút danh khác như Văn Phụng Mỹ, Triều
Phong, Minh Phẩm, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm, Song Diệp, Phạm Võ.
(2),
(14), (15), (16), (21), (22), (23), (24), (25), (27), (29), (30), (31), (32),
(33), (34) Trang Thế Hy: Truyện ngắn
Trang Thế Hy. Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr.31, 434, 450,
464-468, 23-22, 30, 27, 31, 28, 179-208, 184, 188, 203, 200, 62, 450.
(3)
Cao Xuân Sơn (tuyển chọn): Đi chỗ khác chơi. Tài liệu lưu hành nội
bộ mừng nhà văn Trang Thế Hy 80 tuổi, 2004, tr.37.
(4),
(5), (6), (7), (8), (9), (10) Văn Phụng Mỹ: Nắng
đẹp miền quê ngoại. Nxb. Tiền Giang, S., 1963, tr.5-25, 42-48, 49-64, 90,
105-97, 130-137, 152-231.
(11)
Tiêu Kim Thủy: “Mã Lê”. Nhân Loại bộ mới, S., số 7-1956, tr.19.
(12)
Hoài Nghĩa: “Úp nôm hồi vọng”. Nhân Loại
bộ mới, S., số 42-1957, tr.20, 28.
(13)
Lê Vĩnh Hòa: Lê Vĩnh Hòa tuyển tập. Nxb.
Tổng hợp Hậu Giang – Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh,
1986, tr.47-53.
(17),
(26) Nguyên Ngọc: “Người hiền của văn chương Nam Bộ”. Truyện ngắn Trang Thế Hy. Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh,
2006, tr.9, 8-9.
(18)
Bùi Việt Thắng: Truyện ngắn – Những vấn đề
lí thuyết và thực tiễn thể loại. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2000,
tr.35.
(19)
Vương Trí Nhàn: Sổ tay truyện ngắn.
Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.47.
(20)
Thanh Thảo: “Nhà văn về trời để lại “nợ nước mắt””. Thanh Niên, Tp. Hồ Chí Minh, số 343 (7291), thứ Tư 9/12/2015, tr.19.
(28)
Xem thêm: “Trang Thế Hy”, trong Tự điển
Văn học bộ mới. Nxb. Thế giới, H., 2004, tr.1767-1768.
(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12-2016, tr. 23-32.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét