Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

 KHÓC THẦY TÔI - TRẦN HỮU TÁ!

                                                                                              Ảnh: Vĩnh Thắng 

Tôi ngồi viết những dòng này khi qua các nguồn thông tin chính thức biết được Thầy PGS, TS, NGƯT Trần Hữu Tá (16/10/1937), Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học TPHCM, nguyên Trưởng khoa Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, TPHCM đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 20g20’ ngày 27/11/2022, hưởng thọ 86 tuổi.

Lòng tôi bàng hoàng như mất đi một người thân thiết!

Thầy ơi! Vậy là Thầy đã ra đi thật rồi!

… Nhớ cách đây vài năm khi có dịp lên Sài Gòn và đến thăm Thầy, ngồi cạnh giường thăm hỏi qua Cô mới biết Thầy đã lâm bệnh trước đó một thời gian dài, giờ Thầy chỉ còn nghe được mà không nói được! Dẫu biết quy luật sinh tử là lẽ thường, nhưng sự mất mát lớn lao này, bao thế hệ học trò vẫn cảm thấy thật là hụt hẫng!    

Còn nhớ. Lần đầu tiên được ngồi nghe lời giảng đầy sức hấp dẫn của Thầy là ở lớp Cao học Ngữ văn khóa 1, Trường Đại học Cần Thơ những năm 1995-1998. Quý thầy từ Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đến và khai mở cho chúng em, hầu hết đang đứng lớp giảng dạy, rất nhiều những lý thuyết và thực tiễn văn học phong phú, đa chiều ở Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, mảng văn học đô thị miền Nam trước năm 1975 được tiếp cận từ một người thầy đã có một quá trình giảng dạy và nghiên cứu ở miền Bắc trước khi vào Sài Gòn sau 1975 như Thầy Trần Hữu Tá đã làm cho chúng em cảm thấy thật kính nể. Bởi lẽ, qua sự nghiên cứu nghiêm cẩn và lời truyền đạt từ tấm lòng rung cảm sâu sắc của Thầy, di sản văn học Nam Bộ, đặc biệt là mảng văn học yêu nước, cách mạng thành thị miền Nam từ sau 1954 đến năm 1975 mà trước đây chỉ được viết sơ sài qua loa trong lịch sử văn học nước nhà, cần phải được “nhìn lại”, ghi nhận thành tựu và công lao đóng góp không nhỏ của nó vào tiến trình lịch sử văn học dân tộc.

Mặc dù không phải không có những vấn đề khác với quan điểm và nội dung  những trang viết công bố trước năm 1975 trên miền Bắc của Thầy về dòng văn học này, khi nguồn tư liệu nghiên cứu thật ít ỏi và hiếm hoi lại chịu ảnh hưởng của sự bao cấp về tư duy nghiên cứu; quan điểm và cách nhìn nhận khi đó của Thầy, ở một thời đoạn mà mới cũ còn tranh chấp nhau, nhiều người vẫn còn chịu ảnh hưởng ít nhiều của lối tư duy xơ cứng, bao biện và đầy cảm tính, thì đây là một sự xác tín rất đáng trân trọng, xuất phát từ sự nghiền ngẫm thâm diệu của một người trí thức chân chính, dám chịu trách nhiệm trước công chúng độc giả đông đảo và trước lịch sử nghiên cứu văn học nước nhà. Quyển Nhìn lại một chặng đường văn học (2000) dày tổng cộng 1089 trang, trong đó “Phần thứ nhất: Sau hai mươi lăm năm, nhìn lại” có 117 trang, tuy không dài nhưng chứa đựng những nghiên cứu, nhìn nhận và đánh giá đúng mực và hết sức cẩn trọng thành tựu ở các thể loại tiêu biểu của văn học đô thị miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Sự “nhìn lại” như thế là rất cần thiết và đáng quý, không thể ngập ngừng trước khi số tác giả ít ỏi còn lại của dòng văn học này sẽ trở thành “người thiên cổ”, và trước khi “Phần thứ hai: Những tác phẩm tiêu biểu” được in lại.

Chính công trình nghiên cứu này đã khơi gợi nguồn cảm hứng trong tôi, và bằng tình yêu của một người miền Nam với vốn văn học của cha ông được lĩnh hội từ những năm tháng trên ghế nhà trường từ trước năm 1975 cho đến thời điểm hiện tại (2005), tôi đã chọn đề tài cho luận án tiến sĩ của mình: “Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1965”, và đã bảo vệ thành công (2008) dưới sự hướng dẫn dìu dắt tận tình của PGS, TS, Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá. Với tôi, ân nghĩa thâm sâu ấy của Thầy không thể nào diễn tả cho hết được! Nhất là mỗi khi nhớ đến những lần Thầy phân tích, bổ sung, sửa chữa chi tiết đề cương, nội dung đề tài bên cạnh chiếc bàn trà nhỏ không lúc nào thiếu tách trà nóng, trong phòng khách của một căn hộ tập thể hẹp được phân cho gia đình Thầy, bên hông Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh!

Quá trình viết luận án của tôi còn rất may mắn nhận được thông tin từ Thầy, khi người cùng các thành viên khác trong nhóm Chủ biên đứng đầu là GS Đỗ Đức Hiểu, từ lâu đã biên soạn và sắp sửa hoàn thành quyển Từ điển Văn học bộ mới (2005) công phu với độ dày gần 2200 trang mà phần tư liệu, bổ sung, sửa chữa, nâng cấp so với bộ Tự điển Văn học (hai tập) do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội lần lượt cho ra mắt vào các năm 1983, 1984 là rất lớn. Đây là bộ sách công cụ chuyên ngành khoa học xã hội ở Việt Nam không thể thiếu được cho đến nay của bất kỳ người nghiên cứu nào. Từ trong đó, những mục tác giả như Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa,… do chính Thầy biên soạn đã cung cấp cho tôi những gợi ý, định hướng hết sức quý báu, giúp tôi đi sâu nghiên cứu những cống hiến ở thể loại truyện ngắn của các tác giả tiêu biểu này cùng nhiều tác giả khác, thuộc dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1975).  


 Ảnh: NCS tặng hoa cho Thầy hướng dẫn sau buổi bảo vệ thành công luận án TS

Được biết, từ một giáo viên trung học, bằng nỗ lực học tập và sự phấn đấu không ngừng vươn lên trong lĩnh vực chuyên ngành văn học, Thầy còn là nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà quản lý tên tuổi đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Là tác giả sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, 12 cùng một số sách tham khảo của chương trình cũ trước đây, những trang viết phục vụ việc học tập của các thế hệ học sinh đã cho thấy sự tinh thông, nghiêm cẩn trong tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá nhiều tác giả văn học ở Thầy. Có thể kể thêm những công trình khác với tư cách là tác giả/ đồng tác giả của Thầy như: Văn học Việt Nam 1945-1975 (đồng tác giả, hai tập, 1986), Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (tác giả, 1996), Nguyễn Đổng Chi – học giả, nhà văn (đồng chủ biên, 2015),… cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tạp chí, tờ báo lớn của cả nước. 

Không thể không nhắc đến một quyển sách khác chứa đựng nhiều tâm huyết được hoàn thành không bao lâu trước khi Thầy lâm trọng bệnh với mong muốn “là việc có ý nghĩa để góp phần tạo nền, chấn hưng giáo dục nước nhà” (Lời người soạn sách), đó là quyển Từ bục giảng đến văn đàn – Chân dung 25 người thầy (2016), với chân dung người thầy được đặt bút viết đầu tiên là Trương Vĩnh Ký và kết thúc bằng chân dung thầy Phong Lê. Qua văn phong khoa học kết hợp với nghệ thuật khắc họa chân dung gọn mà sắc, người đọc có thể cảm phục trí nhớ mẫn tiệp của Thầy khi trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, tiếp xúc không biết bao nhiêu con người, Thầy vẫn lưu giữ được những kỷ niệm đẹp về những người thầy, người bạn vốn đã từng công tác hay sinh hoạt chung trong những tháng năm nghèo khó, để từ đó khẳng định phẩm giá sáng trong của những người thầy, dù họ phải sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào.  

Ngồi viết những dòng này, trong tôi hiển hiện rõ mồn một dáng dấp, phong thái, khuôn mặt, giọng nói làm toát lên tính cách điềm đạm, từ tốn, nhẹ nhàng mà sâu sắc, uyên thâm của Thầy Trần Hữu Tá, một trí thức đã nếm trải nhiều biến động của lịch sử và những thăng trầm của cuộc đời nhưng vẫn giữ vẹn một tấm gương thanh bạch từ đời sống và một mối ưu lo không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. 

Xin kính cẩn vĩnh biệt Thầy!

                                                                                        Long Xuyên, một chiều ảm đạm 28.11.2022

                                                                                                                Học trò của Thầy,

                                                                                           Phạm Thanh Hùng   

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

NĂNG LỰC VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC 

CỦA GIẢNG VIÊN SƯ PHẠM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU GIÁO DỤC 4.0

                                                 Phạm Thanh Hùng

                                Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

 

ABSTRACT

In order to meet the requirements of fundamental and comprehensive renovation of Vietnamese education, the competency and capacity development solutions for pedagogical teachers always remains a critical issue due to its direct affects and the efficiency and quality of that innovation. Through theoretical and practical research, the article deeply explains and analyzes the required competencies, and at the same time, proposes some solutions to improve the capacity of pedagogical teachers. It is hoped that the mentioned solutions will be getting more popular and vivid in pedagogical universities / multidisciplinary universities with pedagogical faculties in our country.

Keywords: Improve capacity, professional capacity, scientific research capacity, capacity to develop personal qualities and professional values, pedagogical university teachers.

  

1.   ĐẶT VẤN ĐỀ

        Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi nhiều hệ sinh thái xã hội, giáo dục quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn. Chưa bao giờ năng lực của người dạy và người học được đề cập nhiều như hiện nay, bởi nó gắn liền với tiền đề và hệ quả của sự nghiệp giáo dục. Riêng đối với các trường đại học sư phạm, năng lực và các giải pháp nâng cao năng lực của giảng viên có một ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nước ta hiện nay. Trong hệ sinh thái đại học 4.0, giảng viên sư phạm có nhiều cơ hội để đổi mới và sáng tạo, tồn tại song hành là những thách thức từ thực tiễn mà họ cần phải vượt qua để tránh được nguy cơ phải đào thải, đồng thời đảm bảo việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng đến mục tiêu đào tạo ra những nhà giáo dục, những giáo viên, giảng viên cho tương lai phát triển của sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thực tế đó đòi hỏi giảng viên sư phạm không ngừng trau dồi và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, tổ chức hoạt động dạy - học và giáo dục, phát triển phẩm chất cá nhân và giá trị nghề nghiệp nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của xã hội và thời đại.

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP NGỮ VĂN

Ở ĐẠI HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

  

Phạm Thanh Hùng                 Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

                                        Email: pthung@agu.edu.vn

 


Article History

Received: 20/02/2020

Accepted: 16/3/2020

Published: 20/5/2020

 

Keywords

Industrial Revolution 4.0, higher education, teaching and learning Literature, online training.

 

 

 

 

ABSTRACT

The era of interconnected universal things, together with the digital transformation to higher education, has boosted teaching and learning activities to constantly change to meet the needs of social reality. 

This article proposes a number of positive and proactive solutions for teaching and learning Philology at universities. 

It is expected that these solutions will contribute to improving the quality of teaching and learning of Philology at universities nowadays.

 

 1. Mở đầu

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang diễn ra nhanh chóng làm thay đổi hệ sinh thái học tập của các cấp học nói chung, đại học nói riêng. Tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã giúp nền giáo dục các quốc gia, tùy theo sự phát triển, chuyển sang một kỉ nguyên mới, đó là kỉ nguyên vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT). Từ đó, dạy học trở thành hoạt động tương tác nhiều chiều thông qua internet kết nối vạn vật. Giáo viên và học sinh, giảng viên và sinh viên đang dần trở thành những “công dân số”; trường đại học vươn tầm “đại học số”. Khuôn viên trường đại học không còn đóng khung trong một hình thái không gian vật lí, mà là một hệ sinh thái mở, không giới hạn bởi không gian và thời gian.

Từ những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ, giảng dạy và học tập Ngữ văn trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 tất yếu phải có những đổi thay phù hợp. Qua bài viết, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập Ngữ văn ở đại học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trước yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn xã hội Việt Nam thế kỉ XXI.  

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

TRUYỆN NGẮN BÌNH NGUYÊN LỘC VÀ SƠN NAM TỪ GÓC NHÌN TỰ SỰ TRIẾT LÝ DÂN GIAN NAM BỘ


¨                                                      TS. PHẠM THANH HÙNG



Bình Nguyên Lộc (1914-1987) và Sơn Nam (1926-2008) là hai nhà văn lớn có một khối lượng sáng tác đáng khâm phục, thuộc nhiều thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, tùy bút, khảo cứu, hồi ký, kể cả… thơ). Tầm vóc tên tuổi và sức ảnh hưởng từ những sáng tác của hai nhà văn đã góp phần định hình nên thị hiếu của một tầng lớp độc giả, một dạng đề tài, chủ đề riêng trong sáng tác, gắn chặt với hình ảnh đất nước và con người Nam Bộ. Bút lực dồi dào, sự nghiệp sáng tác đồ sộ của hai ông, suy cho cùng, bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước thiết tha, từ nỗi niềm của những người con dân luôn nhớ về nguồn cội. Đọc những sáng tác truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, khảo sát mối quan hệ giữa người kể chuyện và thế giới nhân vật, người đọc có thể khám phá ra nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, giọng điệu, kiểu nhân vật, sự kiện,… nhất là điểm nhìn linh hoạt, đa dạng của người kể chuyện/trần thuật. Thú vị hơn nữa, đó là những quan niệm triết lý dân gian Nam Bộ gắn liền với nhận thức, tình cảm, thái độ, phong cách sống của cư dân một vùng đất mà bề dày lịch sử gần 400 năm khai phá đã được các nhà văn khéo léo thể hiện qua những trang viết của mình.

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học


                                                                   TS. PHẠM THANH HÙNG
                                                                                                       Trường Đại học An Giang





Tóm tắt
Từ trước đến nay, môn Ngữ văn cùng nhiều môn học khác ở trường trung học đã góp phần không nhỏ trong sứ mạng giáo dục học sinh, thực hiện mục tiêu chung của nền giáo dục. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực đã cho thấy cách tiếp cận phù hợp của giáo dục nước ta với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Bài viết sẽ phân tích làm rõ việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học như thế nào, nhằm góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của nước ta hiện nay.
Từ khóa: Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phát triển năng lực, môn Ngữ văn, học sinh trung học
Abstract
CHANGING TEACHING METHODOLOGY AND EVALUATING RESULTS OF
LEARNING THE LANGUAGE AND LITERATURE, ACCORDING TO THE ORIENTATION IN CAPACITY DEVELOPMENT OF HIGH SCHOOL STUDENTS
Historically, Language and Literature and other subjects at high schools have significantly contributed in the mission of educating students, achieving the common goal of education. In particular, in recent years, the innovation of teaching methods and the assessment based on the orientation in capacity development have shown the appropriate approach of education of our country and the advanced education in the world.
This article will analyze the innovation of teaching methods and assessment of learning outcomes of Language and Literature according to the orientation in development capacity of high school students, in order to contribute to the fundamental renewal and comprehensive education and training of our country.
Keywords: Changing teaching methodology, evaluating results, capacity development, the Language and Literature, high school students

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

DẠY HỌC TÍCH HỢP MÔN NGỮ VĂN ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU PHÁT HUY PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC HỌC SINH PHỔ THÔNG


Integrative Literature teaching satisifies the purpose of developing calibre and capacity of students

                                                                             TS Phạm Thanh Hùng - Trường Đại học An Giang

Abstract: Integrative and differential teaching is one of the core issues of educational methods, which is emphasized and clarified in the General Education Program (July 2017) as well as the renovated Draft Curriculum for general education in Literature (January 01, 1818). This article represents the integrative teaching and how to integrate teaching in Literature, as to promote the quality and capacity of students at secondary schools and high schools. This issue is getting attention and contributing opinions of people from all strata of society, especially teachers, before the official course syllabus and textbooks are compiled.
Keywords: Integration, internal intergration, multi-disciplinary intergration, inter-disciplinary intergration, cross-disciplinary integration, Draft Curriculum for general education in Literature.
Tóm tắt: Dạy học tích hợp và phân hóa là một trong những vấn đề cốt lõi về phương pháp giáo dục được nhấn mạnh và làm rõ thêm trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (tháng 7/2017) cũng như Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (tháng 01/2018) đổi mới. Bài viết đề cập khái quát nội dung dạy học tích hợp và dạy học tích hợp môn Ngữ văn như thế nào nhằm đáp ứng mục tiêu phát huy phẩm chất và năng lực học sinh bậc phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông), một vấn đề đang nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, nhất là các nhà giáo, trước khi chương trình các môn học chính thức thông qua và sách giáo khoa biên soạn mới được đưa vào áp dụng.
Từ khóa: Tích hợp, tích hợp nội môn, đa môn, liên môn, xuyên môn, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

PHÁC THẢO CHÂN DUNG MỘT SỐ NHÀ VĂN DÒNG VĂN HỌC YÊU NƯỚC ĐÔ THỊ MIỀN NAM (1954-1975)

TS Phạm Thanh Hùng 
(Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang)


Bài đã đăng trên Tạp chí Lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật, 2-2018
  
1.   Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, độc giả miền Nam và cả nước đã lần lượt chứng kiến sự ra đi của nhiều cây bút nổi tiếng thuộc dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1975). Dẫu biết rằng sinh tử là qui luật tự nhiên, nhưng sự từ biệt thế giới này của những nhà văn như Viễn Phương (01/5/1928 - 21/12/2005), Nguyễn Văn Xuân (10/5/1921 - 04/7/2007), Sơn Nam (11/12/1926 - 13/8/2008), Thẩm Thệ Hà (09/3/1923 - 20/6/2009) và gần đây nhất là Trang Thế Hy (29/10/1924 - 08/12/2015) vẫn để lại trong tâm thức nhiều thế hệ độc giả những khoảng trống hụt hẫng… Trong phạm vi bài viết, người viết mong đem đến cho người đọc một số nét phác thảo về những chân dung văn học vừa nêu.

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Hội thảo Khoa học: NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC, NGÔN NGỮ VÀ DẠY – HỌC NGỮ VĂN

                                    KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/2017

Vào lúc 7g30' ngày 18/11/2017, tại P. Chuyên đề 3 - Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang, Hội thảo Khoa học: NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC, NGÔN NGỮ VÀ DẠY – HỌC NGỮ VĂN sẽ được tổ chức.
Trân trọng mời Quý Thầy, Cô và các bạn sinh viên Ngữ Văn quan tâm đến dự.

    
 

                                                                           ***
Trích Lời nói đầu Kỷ yếu: "Từ khi thành lập đến nay, Bộ môn Ngữ Văn luôn đi đầu trong nghiên cứu khoa học của Khoa Sư phạm - Trường Đại học An Giang. Với lực lượng giảng viên vừa có trình độ cao đạt chuẩn và thâm niên kinh nghiệm, vừa có nhiều cán bộ giảng viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết và năng lực, thành quả nghiên cứu khoa học của Bộ môn trong những năm qua thật đáng khích lệ. Hằng năm, Bộ môn đều có các đề tài nghiên cứu cấp trường, các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có mã số, các bài tham luận, bài báo cáo tại các hội thảo quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Bộ môn cũng thường xuyên tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề để các giảng viên trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy.
Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp Khoa NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC, NGÔN NGỮ VÀ DẠY – HỌC NGỮ VĂN, tháng 11/2017, tập hợp các bài nghiên cứu về chủ đề trên của các giảng viên thuộc Bộ môn Ngữ Văn, Bộ môn Giáo dục Tiểu học và Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn – Trường Đại học An Giang, nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017. Hy vọng các bài viết sẽ mang đến cho quý đồng nghiệp những nội dung hữu ích về văn học, ngôn ngữ và dạy - học Ngữ Văn trong nhà trường.
Chúng tôi rất mong nhận được những góp ý về các vấn đề học thuật được đặt ra ở Hội thảo và trong tập Kỷ yếu này" (Ban Biên tập).

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Nhìn lại truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1965)

                                                                                                               TS. PHẠM THANH HÙNG
                                                                                                                 (Trường Đại học An Giang)

Trang bìa trước Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, nghệ thuật, số Xuân Đinh Dậu, tháng 1-2017