ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP NGỮ VĂN
Ở ĐẠI HỌC TRONG THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
Phạm Thanh Hùng Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Email: pthung@agu.edu.vn
Article History Received: 20/02/2020 Accepted: 16/3/2020 Published: 20/5/2020
Keywords Industrial Revolution 4.0, higher education, teaching and learning Literature, online training.
|
ABSTRACT The era of interconnected universal things, together with the digital transformation to higher education, has boosted teaching and learning activities to constantly change to meet the needs of social reality. This article proposes a number of positive and proactive solutions for teaching and learning Philology at universities. It is expected that these solutions will contribute to improving the quality of teaching and learning of Philology at universities nowadays. |
1. Mở đầu
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang diễn ra nhanh chóng làm thay đổi hệ sinh thái học tập của các cấp học nói chung, đại học nói riêng. Tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã giúp nền giáo dục các quốc gia, tùy theo sự phát triển, chuyển sang một kỉ nguyên mới, đó là kỉ nguyên vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT). Từ đó, dạy học trở thành hoạt động tương tác nhiều chiều thông qua internet kết nối vạn vật. Giáo viên và học sinh, giảng viên và sinh viên đang dần trở thành những “công dân số”; trường đại học vươn tầm “đại học số”. Khuôn viên trường đại học không còn đóng khung trong một hình thái không gian vật lí, mà là một hệ sinh thái mở, không giới hạn bởi không gian và thời gian.
Từ những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ, giảng dạy và học tập Ngữ văn trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 tất yếu phải có những đổi thay phù hợp. Qua bài viết, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập Ngữ văn ở đại học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trước yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn xã hội Việt Nam thế kỉ XXI.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Giảng dạy và học tập đại học trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0
2.1.1. Mô hình đại học 4.0 - nền tảng của dạy học thế kỉ XXI
Giáo dục trong thời đại 4.0 đang đặt ra cho hệ thống trường đại học ở nước ta những thách thức to lớn. Trước hết, đó là sự thay đổi về môi trường giảng dạy và học tập phù hợp với sự phát triển của công nghệ số. Người dạy, người học trong môi trường ấy phải luôn sáng tạo để vượt qua những thách thức, đáp ứng đòi hỏi không ngừng nâng cao của thực tiễn, đồng thời tránh được nguy cơ bị đào thải. Giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng trở thành một hệ sinh thái mà nhờ nó mọi người có thể cùng học tập mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị được kết nối, tạo ra sản phẩm bằng kiến thức và năng lực đổi mới, sáng tạo riêng của mỗi cá nhân. Kiến thức, kĩ năng, tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường, phong cách khoa học, tính năng động, hiệu quả và chất lượng theo qui chuẩn quốc tế,… là những căn cứ để đánh giá giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo theo mô hình đại học 4.0.
Một trong những đổi thay đáng kể nhất trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI, đó là giảng dạy và học tập trực tuyến - một phương thức giáo dục hiệu quả nhất trong môi trường đại học, nói rộng hơn là trong hệ sinh thái giáo dục 4.0. Ở nước ta, FUNiX là trường đại học trực tuyến đầu tiên được thành lập năm 2015 với hơn 1.000 sinh viên theo học. Theo đó, từ nền tảng internet và thiết bị công nghệ, sinh viên đã chủ động lựa chọn học phần, bài giảng; giảng viên thích hợp để có thể tự học tập, trải nghiệm, kết nối, tương tác mọi lúc, mọi nơi theo nhu cầu bản thân. Lợi ích của việc học tập trực tuyến là sinh viên chủ động sắp xếp thời gian, hệ thống kiến thức thường xuyên được cập nhật, nguồn tài liệu tham khảo phong phú, đồng thời không chịu sự giới hạn của không gian và thời gian như ở môi trường lớp học truyền thống. Học viện Apax Franklin (Hà Nội) đã ứng dụng phương pháp kết hợp “ba trong một” (Facetime - Apptime - Teamtime) ở bậc học phổ thông để phát triển năng lực học sinh thông qua tương tác ở mọi thời điểm. Mô hình “Lớp học thông minh” (Smart School) tại trường Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Thái Nguyên đã giúp việc tiếp thu kiến thức trở nên hấp dẫn và thú vị, thúc đẩy nhu cầu giao tiếp hai chiều giữa giảng viên và sinh viên. Mô hình này bao gồm giảng dạy tương tác (Interactive teaching) với các thiết bị thông minh, quản lí học tập (Class management) kết hợp với phương pháp học tập theo nhóm (Team-based learning)…
Giảng dạy và học tập trực tuyến là cơ chế hoạt động chủ đạo trong hệ sinh thái đại học không ngừng đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, gắn chặt với doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Đào tạo trực tuyến không hạn chế về quy mô, số lượng, phù hợp với mọi môi trường, hoàn cảnh của một xã hội học tập hiện đại. Từ mô hình đào tạo những gì trường có, đến mô hình chỉ đào tạo những gì thị trường cần, đó là định hướng phát triển bền vững của một trường đại học 4.0 - nền tảng của dạy học thế kỉ XXI.
Từ đó, mô hình đại học 4.0 đặt ra những yêu cầu, mục tiêu đối với người học là không ngừng chủ động, tích cực tích lũy tri thức và vận dụng kiến thức khoa học - công nghệ, kĩ thuật vào thực tiễn; phát huy năng lực sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin trong học tập và hoạt động nghề nghiệp sau khi ra trường; luôn luôn khơi nguồn những ý tưởng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; rèn luyện và phát huy những kĩ năng mềm…
2.1.2. Giảng dạy và học tập đại học ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam hiện nay có lợi thế từ sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh (Smartphone) và mạng internet. Theo thống kê, tính đến hết năm 2018, số lượng người sử dụng internet đạt 64 triệu người, chiếm tỉ lệ 67% dân số; và có thể đến hết năm 2020 lọt vào top 10 nước có tỉ lệ người tiếp cận internet cao nhất thế giới với 80% dân số. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời tổ chức các hội nghị, đồng thời ban hành các văn bản liên quan đến sự nghiệp giáo dục như: Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Ban Chấp hành Trung ương, 2019); Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Đề án Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030; Chiến lược Phát triển tổng thể GDĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống GDĐH… Những sự quan tâm trên đã tạo điều kiện cho giáo dục nước ta trong những năm gần đây có được những chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp học, nhất là đại học.
Mặc dù vậy, cũng phải thấy rằng GDĐH Việt Nam đang có phần tụt hậu, và sự tụt hậu này tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước ta, đó là chất lượng đầu ra nguồn nhân lực được đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến quý II năm 2018, số lao động có trình độ đại học chưa có việc làm khoảng 126,9 ngàn người, dù trên thực tế thị trường lao động rất cần người lao động có trình độ đại học, thậm chí trên đại học. Thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê cho thấy có gần 94% sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường cần phải được đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp/ nhà tuyển dụng. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng cần phải đổi mới đào tạo, xem đây là yêu cầu sống còn của GDĐH để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời khẳng định chất lượng, tên tuổi của nơi đào tạo là các trường đại học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Trước hết, đó là do trong một thời gian dài, việc xác định mục tiêu của nền giáo dục, trong đó có GDĐH, chưa được chú trọng đúng mức và phù hợp với thực tiễn phong phú của đời sống. Trong khi đó, gắn liền với một triết lí giáo dục được công bố rộng rãi đến toàn dân, nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới từ lâu đều đã xác định mục tiêu giáo dục rất thực tế, từ mục tiêu của nền giáo dục quốc gia đến mục tiêu của từng trường đại học cụ thể. Đây là vấn đề mà mãi đến những thập niên gần đây, GDĐH nước ta mới thật sự chú ý. Kế đến phải kể, trải qua một thời gian dài với nhiều lần thay đổi nhưng nội dung chương trình GDĐH nhìn chung vẫn mang tính hàn lâm, nặng lí thuyết, nhẹ thực hành, chưa sát hợp với thực tiễn thời đại, chưa gắn kết với mục tiêu tìm kiếm việc làm của người học. Về phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học, GDĐH ở nước ta vẫn còn lạc hậu do chưa tiếp cận với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học có tính phổ biến và tiên tiến trên thế giới; vị trí, vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của người học chưa thực sự được quan tâm; ít có sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trên tinh thần khai thác, phân tích, tổng hợp, triển khai thực hành nội dung dạy học; còn coi trọng việc cung cấp kiến thức lí thuyết cho sinh viên một cách thụ động; cấu trúc chương trình chưa gắn với những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn ngành nghề; đào tạo theo tín chỉ nhưng vẫn chưa thoát khỏi quan niệm niên chế; việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ trong dạy học vẫn còn nhiều hạn chế…
Những nguyên nhân trên đây đã dẫn đến chất lượng GDĐH ngày càng giảm sút, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của đất nước. Do đó, cần thiết phải có những giải pháp, biện pháp khắc phục phù hợp nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng GDĐH nói chung, dạy và học các học phần chuyên ngành nói riêng, nhanh chóng hội nhập với giáo dục quốc tế.
2.2. Một số giải pháp trong giảng dạy và học tập Ngữ văn ở đại học thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0
Những thành tựu đột phá từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong những thập niên gần đây về internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), blockchain, robot thông minh, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới và cảm biến, công nghệ sinh học, thực tế ảo,… hứa hẹn ngày càng đem lại nhiều tiện ích làm thay đổi căn bản chất lượng đời sống xã hội loài người. Trên nền tảng của cuộc cách mạng ấy, khoa học giáo dục đã và đang phát triển với một nhịp độ nhanh chóng chưa từng có, bên cạnh thách thức vô cùng to lớn là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tế của thời đại cách mạng và đời sống xã hội. Chính vì thế, việc giảng dạy và học tập ở đại học trong vài thập niên trở lại đây, từng bước đã có những đổi thay căn bản và toàn diện theo sự thay đổi chung của KT-XH ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế chung đó.
Ngữ văn là một ngành khoa học xã hội - nhân văn có tính ứng dụng cao trong thực tiễn đời sống. Bản thân sinh viên hằng ngày đều phải sử dụng ngôn ngữ gồm tiếng nói và chữ viết để biểu đạt tư duy. Thêm nữa, văn chương còn giúp họ mở rộng chân trời tri thức về mọi phương diện của đời sống và con người, hình thành và phát triển nhân cách, phẩm chất, năng lực cá nhân. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nội dung và phương thức đào tạo ngành Ngữ văn trình độ đại học cần thiết phải đổi mới sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhằm cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ cao và sẵn sàng hội nhập. Muốn vậy:
Một là, cần xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Ngữ văn ở đại học theo hướng thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển năng lực cá nhân. Điều đó có nghĩa là từ mục tiêu dạy học chủ yếu trang bị kiến thức chuyển sang hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực người học, nhất là năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ và các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; từ nội dung chương trình có tính hàn lâm, xa rời thực tiễn sang tinh giản, chọn lọc, tích hợp, đáp ứng yêu cầu ứng dụng vào thực tiễn, học đi đôi với hành và hội nhập quốc tế; từ phương pháp truyền thụ một chiều, hoạt động dạy của giảng viên là trung tâm, sinh viên tiếp thu thụ động sang tổ chức hoạt động học tập cho sinh viên, đồng nghĩa với việc sinh viên chủ động, tự lực trong học tập và khởi nghiệp theo sự hướng dẫn, hỗ trợ của giảng viên trong quá trình tìm kiếm tri thức Ngữ văn. Hình thức dạy học từ chủ yếu ở lớp học truyền thống sang đa dạng hóa các hình thức dạy học, kết hợp cả trong và ngoài lớp học như gắn với di sản, bảo tàng, địa chỉ văn hóa - lịch sử, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, “bếp núc” của nhà văn, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,…; kết hợp giữa tập thể lớp học với nhóm nhỏ, giữa cá nhân với lớp học. Ngoài ra, kiểm tra và đánh giá từ chỗ ghi nhớ kiến thức sang kiểm tra và đánh giá năng lực, sự vận dụng, sáng tạo của sinh viên vào thực tiễn; từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập sang kết hợp đánh giá sự tiến bộ của sinh viên trong quá trình học tập, nhất là việc tự học tập, cả thường xuyên và định kì.
Hai là, vận dụng thành tựu của khoa học - công nghệ, áp dụng các mô hình học và thi trực tuyến, dần dần tiếp cận với các mô hình học tập tiên tiến trên thế giới như Blended learning (Dạy học kết hợp), Flipped classroom (Lớp học đảo ngược), E-learning (Hệ thống quản lí qua mạng), B-learning (Kết hợp học tập trên lớp với học tập qua mạng máy tính và tự học) trong dạy học Ngữ văn nhằm tăng cường tính tương tác giữa người học và người dạy; sử dụng các phần mềm hỗ trợ như Kahoot, Google classroom,… trong dạy học tiếng Việt, chấm bài, nhận xét đánh giá, chống sao chép văn bản, giao bài tập, kiểm tra bài, cung cấp tài liệu, nhận phản hồi, tạo trò chơi học tập, thiết kế bộ câu hỏi và đánh giá kết quả trực tuyến, xây dựng lớp học ảo,… Trong thời đại hiện nay, đào tạo trực tuyến là một trong những cách thức giảng dạy của đại học số, đại học thông minh - là xu thế của hội nhập giáo dục toàn cầu. Tất nhiên, đây là một thực tế chứa đựng nhiều cơ hội lẫn thách thức không nhỏ. Chẳng hạn, cần kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch số hóa bài giảng của các học phần Ngữ văn dạy học trực tuyến; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các trường, các trung tâm thông tin - thư viện trong nước và quốc tế, tạo ra một không gian phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học chuyên ngành Ngữ văn,…
Ba là, có được một chiến lược giảng dạy và học tập Ngữ văn phù hợp với sự thay đổi mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với giảng viên, đó là sự cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, phát vấn, gợi mở,… kết hợp với việc vận dụng những phương pháp dạy học mới, tích cực như “bàn tay nặn bột” (“hand-spraying method”), dạy học giải quyết vấn đề, dạy học trò chơi, dạy học đóng vai, dạy học tình huống, dạy học định hướng hành động, dạy học tích hợp, dạy học dự án, dạy học trải nghiệm sáng tạo,… và các kĩ thuật dạy học như động não, ổ bi, bể cá, khăn trải bàn, sơ đồ tư duy,…(Phạm Thanh Hùng, 2019, tr. 47). Đối với sinh viên, học tập Ngữ văn phải trở thành một quá trình tự thân nhận thức và cảm thụ qua sự hướng dẫn, tổ chức, nhận xét, đánh giá của giảng viên. Bản thân sinh viên cần chú trọng tự đào tạo những kĩ năng mới thiết thực phục vụ việc học tập Ngữ văn như: tìm kiếm thông tin, ngữ liệu/văn bản (tác phẩm thơ, văn xuôi,…); cập nhật các phần mềm ứng dụng; điều tra, khảo sát, thu thập và xử lí dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học; sử dụng các thiết bị công nghệ; làm việc nhóm; tư duy phản biện, giải quyết vấn đề; thiết kế nội dung trình bày; tạo ra sản phẩm từ quá trình học tập; quảng bá, tiếp thị sản phẩm nghiên cứu…Từ đó, những lần/đợt kiến tập, thực tập, thực tế, điền dã, báo cáo, trình bày tham luận, thuyết trình, tập giảng, nghiên cứu khoa học, công bố và chuyển giao sản phẩm,… là những cơ hội quí giá mà sinh viên cần tranh thủ để rèn luyện, trau dồi các kĩ năng trên.
Bốn là, sử dụng thuần thục “chìa khóa” ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) và tin học để mở ra kho tàng tri thức nhân loại, trong đó có Ngữ văn cùng những kiến thức khác có liên quan. Thực tế cho thấy, trong thời đại ngày nay, ưu thế về ngoại ngữ sẽ giúp người học tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ trên internet, với bài giảng, công trình khoa học, tài liệu sách báo, tạp chí nước ngoài đa dạng, kết nối với bạn bè quốc tế trong giao tiếp, giao lưu, trao đổi văn hóa, học thuật nhằm tiếp thu nguồn tri thức phong phú của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Với sinh viên Ngữ văn, việc tiếp cận thông tin trực tiếp về các tác giả, tác phẩm, lí thuyết văn học hiện đại, các học thuyết, tư tưởng, các nền tảng văn hóa khác nhau,… là rất quan trọng trong quá trình trang bị kiến thức ở đại học, cũng như vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn đời sống. Biết sử dụng thành thạo ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và tin học còn giúp người học có điều kiện thuận lợi để công bố các sản phẩm khoa học, kết nối tạo nhóm nghiên cứu khoa học, tìm kiếm thông tin tuyển dụng cho nhiều vị trí việc làm hấp dẫn phù hợp với năng lực và ngành nghề được đào tạo của bản thân. Trong xu thế liên kết đa quốc gia giữa các công ty, tập đoàn, viện, trường, trung tâm,… như hiện nay, việc nắm bắt ngoại ngữ và tin học là một lợi thế không nhỏ tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho người lao động và nhà tuyển dụng.
Năm là, trau dồi các kĩ năng mềm bên cạnh kiến thức, trình độ chuyên môn Ngữ văn được đào tạo trong trường đại học. Đó là các kĩ năng làm việc nhóm, chọn cộng sự (partner), sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp, trình bày, điều khiển, tổ chức, quản lý thời gian,… được đúc kết trong suốt quá trình thực tiễn và kinh nghiệm học tập, làm việc. Đây hiện là vấn đề rất yếu và thiếu của đa số sinh viên nước ta. Các kì thực tập, thực hành nghề nghiệp chính là cơ hội tốt để sinh viên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, làm quen với môi trường làm việc năng động nhưng cũng nhiều áp lực sau khi ra trường. Thực tiễn đã chứng minh, kiến thức chuyên ngành tiếp nhận được trong suốt thời gian học tập đại học chủ yếu vẫn là nền tảng lí thuyết, chưa đủ để sinh viên có thể làm tốt những công việc được giao trong thời gian trước và sau khi ra trường. Do vậy, việc thường xuyên trau dồi các kĩ năng mềm quyết định đến 75% sự thành công của con người, giúp sinh viên tạo ra những giá trị mới cho bản thân, cơ hội cho nghề nghiệp, đồng thời là thước đo năng lực và hiệu quả trong công việc. Thông thường, khi đánh giá một ứng viên tiềm năng nào đó, nhà tuyển dụng thường coi trọng kĩ năng mềm hơn là kĩ năng cứng, giá trị thật của bản thân hơn là bằng cấp.
Sáu là, tư duy phản biện (Critical thinking), kĩ năng sáng tạo (Creative skill), kĩ năng tự học (Self - learning skill) và học tập suốt đời (Lifelong self- learning skill) của sinh viên. Tư duy phản biện giúp con người thể hiện được chính kiến, lập trường, suy nghĩ, bản sắc của riêng mình, không nhầm lẫn với ai khác. Ngược lại, người không có tư duy phản biện chỉ biết học tập và làm việc như một robot đã lập trình sẵn, không chịu khó suy nghĩ để nói lên quan điểm, lập trường, ý kiến cá nhân mà mình cho là có thể hiểu khác/có cách giải quyết khác. Tư duy phản biện rất cần cho sinh viên trong học tập Ngữ văn để phân tích, nhận xét, đánh giá, bình luận, bàn bạc các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành như lịch sử/thời đại văn học, các lí thuyết/quan niệm về văn học/tác giả/tác phẩm, các giá trị/thành tựu văn học, các quan niệm về ngôn ngữ, về ngữ dụng học,… từ đó, ứng dụng vào trong quá trình làm việc/nghiên cứu/công tác sau này. Với kĩ năng sáng tạo, sinh viên phải không ngừng phát hiện ra các khía cạnh/phương diện mới của vấn đề, tạo ra cái mới/cách giải quyết mới hiệu quả cao hơn… Tư duy phản biện và kĩ năng sáng tạo tác động tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Kĩ năng tự học và học tập suốt đời giúp sinh viên có được tâm thế tích cực, chủ động và năng lực thích ứng trong mọi hoàn cảnh với xu thế không ngừng đổi mới và sáng tạo của đời sống. Chính nội dung chương trình và các hoạt động ngoại khóa - trải nghiệm xây dựng trong chương trình sẽ giúp sinh viên phát triển bản thân một cách toàn diện, đồng thời hình thành tư duy khởi nghiệp cho sinh viên.
3. Kết luận
Đổi mới giảng dạy và học tập đại học nói chung, Ngữ văn nói riêng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu của thế kỉ XXI, của thời đại giáo dục hiện nay. Trước những thành tựu mạnh mẽ, đầy bất ngờ và thú vị đang diễn ra từng ngày, từng giờ của khoa học và công nghệ, các trường đại học với tư cách là những trung tâm văn hóa, khoa học và công nghệ cần đi đầu trong giảng dạy và học tập, phù hợp với xu hướng quốc tế hóa và hội nhập toàn cầu hiện nay. Dạy và học Ngữ văn cũng không nằm ngoài quĩ đạo chung đó.
Đổi mới giảng dạy và học tập Ngữ văn không chỉ mở rộng chân trời tri thức trong lĩnh vực chuyên môn, mà quan trọng hơn là chung tay tạo ra những “sản phẩm” đầu ra con người tri thức đáp ứng chuẩn mực hội nhập quốc tế, có năng lực tiếp tục học tập, nghiên cứu và làm việc trong cả môi trường trong và ngoài nước, cống hiến cho đất nước và nhân dân những thành quả cụ thể, thiết thực.
Tài liệu tham khảo
American Council on Education (Nguyễn Vạn Phú dịch, 2004). Tổng quan về hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng của Mĩ. NXB Thanh niên.
Ban Chấp hành Trung ương (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Truy cập từ http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2792019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-chu-dong-tham-gia-cuoc-cach-mang-cong-5715
Đặng Thành Hưng (2010). Nhận diện và đánh giá kĩ năng. Tạp chí Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 61, 23-26.
Lê Hải Yến (2008). Dạy và học cách tư duy. NXB Đại học Sư phạm.
Phạm Minh Hạc - Trần Kiều - Đặng Bá Lãm - Nghiêm Đình Vỳ (2002). Giáo dục thế giới đi vào thế kỉ XXI. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Phạm Thanh Hùng (2019). Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh trung học. Tạp chí Dạy và Học ngày nay, 1-2, 46-50.
Trần Khánh Đức (2014). Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỉ XXI. NXB Giáo dục Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét