NĂNG LỰC VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC
CỦA GIẢNG VIÊN SƯ PHẠM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU GIÁO DỤC 4.0
Phạm Thanh Hùng
Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
ABSTRACT
In order to meet the requirements of fundamental and comprehensive renovation of Vietnamese education, the competency and capacity development solutions for pedagogical teachers always remains a critical issue due to its direct affects and the efficiency and quality of that innovation. Through theoretical and practical research, the article deeply explains and analyzes the required competencies, and at the same time, proposes some solutions to improve the capacity of pedagogical teachers. It is hoped that the mentioned solutions will be getting more popular and vivid in pedagogical universities / multidisciplinary universities with pedagogical faculties in our country.
Keywords: Improve capacity, professional capacity, scientific research capacity, capacity to develop personal qualities and professional values, pedagogical university teachers.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi nhiều hệ sinh thái xã hội, giáo dục quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn. Chưa bao giờ năng lực của người dạy và người học được đề cập nhiều như hiện nay, bởi nó gắn liền với tiền đề và hệ quả của sự nghiệp giáo dục. Riêng đối với các trường đại học sư phạm, năng lực và các giải pháp nâng cao năng lực của giảng viên có một ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nước ta hiện nay. Trong hệ sinh thái đại học 4.0, giảng viên sư phạm có nhiều cơ hội để đổi mới và sáng tạo, tồn tại song hành là những thách thức từ thực tiễn mà họ cần phải vượt qua để tránh được nguy cơ phải đào thải, đồng thời đảm bảo việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng đến mục tiêu đào tạo ra những nhà giáo dục, những giáo viên, giảng viên cho tương lai phát triển của sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thực tế đó đòi hỏi giảng viên sư phạm không ngừng trau dồi và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, tổ chức hoạt động dạy - học và giáo dục, phát triển phẩm chất cá nhân và giá trị nghề nghiệp nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của xã hội và thời đại.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Vấn đề năng lực và chuẩn năng lực giảng viên sư phạm thế kỉ XXI
2.1.1. Năng lực và chuẩn năng lực giảng viên đại học
Có nhiều cách hiểu về năng lực (Capacité, F.; Capacity/Competency, E.). Theo Tự điển Việt Nam, năng lực là: “Sức làm ra, phát ra của con người, con vật, máy móc, v.v…” [1]. Giải thích của Từ điển tiếng Việt thì năng lực là: “Khả năng làm việc tốt, nhờ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn” [2]. Từ điển Bách khoa Việt Nam xem: “Năng lực là đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo - tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn - một hay một số dạng hoạt động nào đó.” [3]. Tựu trung có thể hiểu một cách khái quát, năng lực là tổ hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lí cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một lĩnh vực hoạt động cụ thể; là sức mạnh tiềm tàng của con người trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Vì vậy, năng lực của con người bao giờ cũng gắn liền với khả năng/kĩ năng giải quyết vấn đề, với hoạt động thực tiễn. Nói cách khác, năng lực vừa là tiền đề, vừa là kết quả của hoạt động. Năng lực giúp cho hoạt động đạt được hiệu quả như mong đợi, đồng thời năng lực cũng được thể hiện, phát triển ngay trong quá trình hoạt động ấy.
Các yếu tố cấu thành của năng lực thường được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập gồm việc sở hữu kiến thức (Knowledge), kĩ năng (Skills), thái độ (Attitude)/phẩm chất (Quality) mà con người cần có để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cụ thể. Trong phần đầu Báo cáo nghiên cứu Chuẩn năng lực giảng viên Chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (Professional Oriented Higher Education, viết tắt là POHE) thuộc Dự án giáo dục Việt Nam - Hà Lan (giai đoạn 2) do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, mã số: NICHE/VNM-103, có sự tham gia của 8 trường đại học gồm: Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nội dung giải thích khái niệm năng lực “là sự kết hợp kiến thức, kĩ năng và thái độ để thực hiện một nhiệm vụ nghề nghiệp cụ thể” [4]. Vì thế, mô hình ASK (viết tắt chữ đầu tiếng Anh của ba yếu tố trên) hiện là mô hình năng lực được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Điều đó còn có nghĩa là năng lực không chỉ được xác định ở khả năng biết và hiểu cái gì (know-what), mà còn phải biết làm như thế nào (know-how) đối với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Sự phát triển của khoa học giáo dục, nhất là trong thế kỉ XXI, khi có sự tác động mạnh mẽ từ thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển không ngừng năng lực người dạy nói chung, năng lực giảng viên các trường đại học nói riêng. Trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục thời đại 4.0, năng lực của giảng viên đại học đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Vì vậy, trước khi đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực giảng viên sư phạm, người viết muốn đề cập đến chuẩn đánh giá năng lực giảng viên đại học.
Trong Báo cáo nghiên cứu Chuẩn năng lực giảng viên giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp - ứng dụng nói trên, các nhà khoa học giáo dục đã thống nhất xác định ra 5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí. Ở đó, tiêu chuẩn được hiểu là “mức độ yêu cầu và điều kiện mà các giảng viên đại học phải đáp ứng để được công nhận đạt chuẩn giảng viên POHE”, và tiêu chí là “qui định về những yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một nội dung cụ thể của tiêu chuẩn” [4]. Năm tiêu chuẩn năng lực giảng viên POHE đó là: Năng lực chuyên môn; Năng lực dạy học; Năng lực phát triển và hướng dẫn sử dụng chương trình đào tạo; Năng lực quan hệ với thế giới nghề nghiệp và năng lực phát triển nghề nghiệp; Năng lực nghiên cứu khoa học ứng dụng. Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, có thể xem đây là những tiêu chuẩn không thể thiếu của một giảng viên đại học, bất luận trường đại học đó đã xác lập chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng. Đồng thời với từng tiêu chuẩn, bản báo cáo cũng đã qui định một cách cụ thể, rõ ràng những yêu cầu và điều kiện cần đạt của giảng viên. Theo đó:
1. Năng lực chuyên môn với 3 tiêu chí là: Kiến thức chuyên môn, Kĩ năng chuyên môn, Thái độ, đạo đức nghề nghiệp;
2. Năng lực dạy học có 5 tiêu chí là: Am hiểu người học và hỗ trợ phát triển năng lực người học, Xây dựng mục tiêu, kế hoạch dạy học, tài liệu dạy học, Sử dụng phương pháp, phương tiện dạy học, Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, Xây dựng môi trường học tập;
3. Năng lực phát triển và hướng dẫn sử dụng chương trình đào tạo có 2 tiêu chí: Phát triển chương trình đào tạo POHE, Thực hiện chương trình đào tạo POHE;
4. Năng lực quan hệ với thế giới nghề nghiệp và năng lực phát triển nghề nghiệp có 2 tiêu chí: Năng lực quan hệ với thế giới nghề nghiệp, Năng lực phát triển nghề nghiệp;
5. Năng lực nghiên cứu khoa học ứng dụng với 2 tiêu chí còn lại là: Thực hiện nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu, Hướng dẫn sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Để đạt được những tiêu chuẩn trên, giảng viên đại học phải là người đi đầu trong đổi mới chương trình và phương pháp dạy học, gắn chất lượng giảng dạy và học tập với thị trường lao động, là chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn và nghiên cứu ứng dụng, đại diện nhà trường khi làm việc với thế giới nghề nghiệp,... Mặc dù vậy, tùy vào đặc trưng mỗi trường và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo mà tiêu chuẩn giảng viên đại học cũng có những khác biệt. Chẳng hạn, chiến lược giáo dục của các trường theo định hướng nghiên cứu, thì ngoài hoạt động giảng dạy, trường sẽ chú trọng nhiều vào các thành quả nghiên cứu của giảng viên như đề tài, bài báo khoa học, công bố quốc tế, trao đổi/giao lưu học thuật,… Các trường theo định hướng ứng dụng sẽ tập trung nhiều vào các sản phẩm triển khai/ứng dụng từ thành tựu nghiên cứu để phục vụ nhu cầu xã hội hay các bên có liên quan.
2.1.2 Chuẩn năng lực giảng viên sư phạm thế kỉ XXI
Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 [5], đã xác định 4 tiêu chuẩn của nhà giáo các cấp đó là: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp. Từ các tiêu chuẩn chung của nhà giáo các cấp được qui định trong Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản qui định riêng về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông các cấp (Xem Qui định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) [6]. Tháng 2/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu Dự thảo 2 Qui định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, ban hành kèm theo Thông tư số: …/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (chưa ban hành chính thức) [7]. Theo đó, Dự thảo Qui định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm bao gồm 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Năm tiêu chuẩn đó là: Phẩm chất nghề nghiệp; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Năng lực nghiên cứu khoa học; Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; Năng lực phát triển quan hệ xã hội. Dự thảo này là kết quả tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, các giảng viên sư phạm, các nhà quản lí giáo dục, các sinh viên và cựu sinh viên… Dự thảo cũng là kết quả của việc đúc rút kinh nghiệm từ nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trong xây dựng chuẩn giảng viên, đồng thời kết hợp với thực tiễn để cụ thể hóa các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với đặc trưng của nền giáo dục Việt Nam. Có thể xem đây là Chuẩn năng lực giảng viên sư phạm ở nước ta thế kỉ XXI.
Có 3 mục đích của việc ban hành chuẩn nghề nghiệp, đó là:
“- Chuẩn nhằm giúp giảng viên tự đánh giá được năng lực nghề nghiệp bản thân từ đó xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng, phát triển.
- Chuẩn là một trong những công cụ để cơ sở đào tạo giáo viên đánh giá được năng lực nghề nghiệp giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho giảng viên và xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng giảng viên.
- Chuẩn là một trong những khung tham chiếu để cơ quan có thẩm quyền đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo giáo viên và tham khảo trong xây dựng chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực, góp phần chuẩn hóa đội ngũ giảng viên” [7].Như vậy, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên đại học nói chung, giảng viên sư phạm nói riêng đều cần phải có những tiêu chuẩn và tiêu chí nghề nghiệp có tính chất đặc trưng phù hợp. Chẳng hạn, Phẩm chất nhà giáo/Phẩm chất nghề nghiệp là tiêu chuẩn đầu tiên của người thầy dạy ở các cấp học phổ thông/đại học, kèm theo đó là các tiêu chí về đạo đức, phong cách/phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Tiêu chuẩn và những tiêu chí đã nêu cho thấy, dù người thầy trong xã hội hiện đại vẫn không tách rời khỏi truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Mỗi thầy/cô giáo là tấm gương về đạo đức để học sinh/sinh viên noi theo. Tất nhiên, mỗi ngành nghề đều có những yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí riêng về đạo đức nghề nghiệp, nhưng với người thầy (cả thầy giáo và thầy thuốc), phẩm chất về đạo đức, lối sống phải được đặt lên hàng đầu, vì đối tượng tác động của họ không ai khác chính là con người thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
Bên cạnh phẩm chất nghề nghiệp thì Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ có thể xem là tiêu chuẩn song hành phản ánh yêu cầu, điều kiện về nghề nghiệp mà giảng viên cần đáp ứng để đạt chuẩn giảng viên. Tiêu chuẩn này sẽ được cụ thể hóa bằng tiêu chí về các trình độ cần đạt được theo qui định như: Chuyên môn; nghiệp vụ sư phạm; ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin; thiết kế và tổ chức dạy học; đánh giá kết quả dạy học; phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tư vấn, hỗ trợ người học. Dễ dàng nhận thấy, yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên sư phạm thế kỉ XXI đã khác nhiều so với các giai đoạn trước đó, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chưa diễn ra. Đó là người giảng viên sư phạm phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; thường xuyên tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Hơn nữa, khi dạy học trực tuyến ngày càng trở thành hoạt động chủ đạo trong hệ sinh thái đại học không ngừng đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp thì việc sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trở thành yêu cầu không thể thiếu đối với giảng viên.
Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai hoạt động cơ bản, quan trọng nhất đan xen, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển năng lực nghề nghiệp giảng viên, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đại học và sự kì vọng của xã hội. Vì vậy, tiêu chuẩn Năng lực nghiên cứu khoa học đòi hỏi giảng viên sư phạm cần thực hiện thành công đề tài, dự án và hướng dẫn nghiên cứu khoa học; chuyển giao kết quả nghiên cứu trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đăng tải các kết quả nghiên cứu, xuất bản nguồn học liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp phát triển và hoàn thiện các kĩ năng, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên mà còn góp phần thiết thực nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, đóng góp vào thành quả nghiên cứu và phát triển của khoa học giáo dục nước nhà.
Những năng lực trên chỉ có thể được phát huy mạnh mẽ trong một môi trường giáo dục dân chủ. Do đó, Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ là tiêu chuẩn kế tiếp cần có ở mỗi giảng viên sư phạm thế kỉ XXI. Giảng viên cần tích cực thực hiện qui chế dân chủ cơ sở, nhiệt tình tham gia tạo dựng môi trường học tập, nghiên cứu dân chủ, khi đó hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu,… của nhà trường chắc chắn sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp. Thực hiện đầy đủ qui chế dân chủ cơ sở là thực hiện đúng vai trò được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được thụ hưởng của giảng viên trong mọi hoạt động của nhà trường. Bởi lẽ trường đại học, nơi được xem là trung tâm văn hóa và học thuật của một địa phương/khu vực/quốc gia/quốc tế, không thể thiếu môi trường dân chủ để phát triển. Vì vậy, giảng viên rất cần có năng lực tạo dựng môi trường học tập và nghiên cứu thân thiện, bình đẳng, hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo ở nơi đơn vị mình đang công tác.
Ngoài ra, giảng viên thế kỉ XXI nói chung và giảng viên sư phạm nói riêng còn cần phải có Năng lực phát triển quan hệ xã hội, thể hiện qua các hoạt động tích cực phát triển các mối quan hệ xã hội với các bên liên quan thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng giáo viên, phát triển nhà trường, đổi mới giáo dục phổ thông. Yêu cầu của tiêu chuẩn cuối này là, giảng viên cần phát triển quan hệ với các tổ chức xã hội và cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục phổ thông, phát triển quan hệ với các tổ chức xã hội, với giáo viên và người học, thúc đẩy hoạt động đào tạo, đổi mới giáo dục phổ thông và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, giảng viên còn cần phải phát triển quan hệ với cộng đồng nghề nghiệp như phát triển quan hệ với giới khoa học chuyên ngành, hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp...
So sánh 5 tiêu chuẩn của giảng viên sư phạm trong Dự thảo Qui định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm (02/2018, gọi tắt là Dự thảo Chuẩn giảng viên) với 5 tiêu chuẩn trong Qui định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Qui định Chuẩn giáo viên), người đọc có thể thấy rõ yêu cầu cao hơn của giảng viên sư phạm so với giáo viên phổ thông, đặc biệt là tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn 3: Năng lực nghiên cứu khoa học. Đây chính là sự khác nhau giữa người thầy giảng dạy ở hai bậc học khác nhau: phổ thông và đại học (ứng dụng/nghiên cứu)/sau đại học. Trong tiêu chuẩn 2 của Dự thảo Chuẩn giảng viên: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ có tất cả 8 tiêu chí, trong khi Qui định Chuẩn giáo viên ở tiêu chuẩn 2: Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ chỉ có 5 tiêu chí. Sự khác nhau ở chỗ, ngoài việc đạt trình độ ngoại ngữ và tin học theo qui định, giảng viên sư phạm phải sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng được công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Về những tiêu chí này, tiêu chuẩn 5 trong Qui định Chuẩn giáo viên ở mức độ đạt chỉ yêu cầu có thể sử dụng được từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ, sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản, thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục và quản lí học sinh. Ở mức độ tốt, đó là có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học, giáo dục.
Cũng cần nói thêm, bất kì một trường đại học nào dù theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng thì đào tạo và nghiên cứu khoa học đều được xem là hai nhiệm vụ cơ bản, có tính chất chiến lược của nhà trường. Đó cũng là nội dung cốt lõi để chỉ ra sự khác nhau giữa giảng dạy phổ thông và đại học. Do vậy, mỗi giảng viên của trường đại học đều có hai nhiệm vụ chính, đó là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học tạo cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo. Mặt khác, hoạt động giảng dạy, đào tạo phản ánh kết quả nghiên cứu khoa học của một giảng viên. Thực tiễn giáo dục đại học từ lâu đã chứng minh mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động tương hỗ nhau giữa giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn của xã hội, đặc biệt là cung cấp cho đất nước một đội ngũ trí thức tốt nghiệp từ trường đại học mạnh về chuyên môn và vững về nghiệp vụ.
2.2. Đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực của giảng viên sư phạm đáp ứng yêu cầu giáo dục 4.0
Nội dung các văn bản Chuẩn nghề nghiệp giảng viên và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã lí giải, phân tích trên đây cho thấy tính thiết thực của việc ban hành các văn bản đó từ phía bộ chủ quản nhằm đánh giá ngày càng chính xác và đầy đủ sự cống hiến của thầy, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục qua từng giai đoạn khác nhau. Từ đó, mỗi thầy, cô giáo cần tự vạch ra cho mình một lộ trình phát triển năng lực nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tương xứng với trọng trách được xã hội giao phó. Riêng đối với giảng viên sư phạm, những giải pháp nào sẽ giúp nâng cao năng lực, nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là giáo dục 4.0) đang diễn ra?
2.2.1. Giảng viên sư phạm cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, nhân cách
Đặc thù của các trường đại học sư phạm/khoa sư phạm trong một số trường đại học đa ngành là đào tạo sinh viên sau khi ra trường phần lớn sẽ trở thành thầy, cô giáo ở các trường phổ thông. Đó là những người không chỉ dạy chữ (kiến thức chuyên môn), mà còn dạy người (đạo đức làm người). Do tính đặc thù đó, giảng viên sư phạm - thầy của những người thầy trong tương lai - cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, nhân cách để sinh viên của họ noi theo không chỉ trong thời gian theo học ở trường, mà cả trong hoạt động nghề nghiệp sau này. Bởi, bên cạnh nhiều mối quan hệ xã hội khác của con người, tình nghĩa thầy - trò, xưa nay vẫn là quan hệ đạo đức được mọi người Việt Nam thừa nhận, tôn vinh. Chính vì vậy, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, nhân cách giảng viên sư phạm còn là yêu cầu của nghề nghiệp. Hay nói ngắn gọn, đó là phẩm chất nghề nghiệp cần có ở người giảng viên sư phạm.
Từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 16/2008/QĐ- BGDĐT ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó nội dung của các Điều 3, 4, 5 và 6 là: Phẩm chất chính trị của người thầy; Đạo đức nghề nghiệp; Lối sống, tác phong; Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo. Ngày 07 tháng 05 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc Tăng cường công tác quản lý nâng cao đạo đức nhà giáo. Những văn bản trên đây đã cho thấy mối quan tâm của Bộ và cả xã hội từ trước đến nay về tầm quan trọng của vấn đề đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp ở người thầy.
Tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, nhân cách của giảng viên sư phạm không chỉ đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp mà còn xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Karl Marx cũng cho rằng: Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Chính vì thế, người thầy nói chung, giảng viên sư phạm nói riêng cần phải tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng phụng sự Tổ Quốc và nhân dân với lương tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đó cũng chính là đạo đức, nhân cách của người trí thức, giảng viên cách mạng, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương sáng về tâm huyết và tận tụy với nghề nghiệp để sinh viên noi theo.
2.2.2. Giảng viên sư phạm cần say mê tự học, tự nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, hiệu quả giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học
Tự học, tự nghiên cứu là quá trình cập nhật, bổ sung, đào sâu, nâng cao tri thức chuyên môn, phương pháp, kĩ năng dạy học, giáo dục và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đáp ứng cao nhất yêu cầu của nhiệm vụ và nhu cầu xã hội. Tự học, tự nghiên cứu chính là chìa khóa để giảng viên sư phạm mở cánh cửa vào kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại. Đây là hoạt động cần được kết hợp thường xuyên trong quá trình phát triển năng lực nghề nghiệp của giảng viên sư phạm. Nói cách khác, tự học, tự nghiên cứu phải trở thành nhu cầu tự thân của giảng viên và giảng viên sư phạm. Tự học còn là cầu nối giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học có mối quan hệ sâu sắc và tác động mạnh mẽ lẫn nhau trong quá trình phát triển năng lực nghề nghiệp của giảng viên sư phạm. Thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học luôn nảy sinh những vấn đề rất cần giảng viên sư phạm phát hiện và giải quyết, cả phương diện lí thuyết lẫn thực hành. Có như thế, việc giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm mới luôn xuất phát từ những đòi hỏi cấp thiết, nóng hổi của cuộc sống. Hiệu quả giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học từ đó càng không ngừng được nâng cao. Năng lực nghề nghiệp, trong đó có năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức hoạt động giảng dạy, đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học mới ngày một thêm khẳng định với sinh viên, đồng nghiệp và xã hội.
Tự học, tự nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên sư phạm nhất thiết phải gắn với tư duy giải quyết những vấn đề/đề tài nảy sinh từ thực tế dạy học, đào tạo, từ những tìm hiểu, khám phá hiện thực đời sống tự nhiên, xã hội và con người, cho đến những đổi thay, phát triển của thành tựu khoa học và công nghệ, trong đó không thể thiếu khoa học giáo dục. Bởi vì, mục tiêu lớn nhất của giáo dục là phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên và giảng viên. Những tư duy đó thật cần thiết với mỗi nhà nghiên cứu, mỗi giảng viên sư phạm. Có thể nói, ở môi trường giáo dục đại học thời đại 4.0, thành tựu trong giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm chính là thước đo niềm tin, sự kì vọng của nhà trường, đồng nghiệp, sinh viên và xã hội.
2.2.3. Giảng viên sư phạm cần giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin, nắm vững và vận dụng sáng tạo các lí thuyết về phương pháp dạy học tích cực, chủ động vào thực tiễn giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học
Giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin, làm chủ công nghệ, giảng viên sư phạm sẽ tạo cho mình sự tự do và sáng tạo trong giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhờ có mạng Internet tạo nên một “thế giới phẳng” ở thời đại ngày nay, sự liên kết giữa con người với nhau đã trở nên dễ dàng và thuận lợi biết bao. Tuy nhiên, chính rào cản về sự bất đồng ngôn ngữ đã khiến sự liên kết, giao lưu, trao đổi, tìm hiểu, đàm thoại trực tiếp gặp ít nhiều khó khăn, trở ngại. Vì vậy, để có thể khỏa lấp sự bất đồng đó, mặc dù ngày nay nhiều phần mềm phiên dịch đã được tạo ra, giảng viên sư phạm cần phải giỏi ngoại ngữ để có thể trực tiếp đàm thoại với đồng nghiệp nước ngoài trong hội thảo, hội nghị hay tìm hiểu, chia sẻ, trao đổi nhau các nguồn thông tin, tài liệu, hoặc công bố thành quả nghiên cứu,… trên không gian mạng. Không chỉ thế, công nghệ thông tin ngoài việc phục vụ cho hoạt động giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu, còn là cầu nối để giảng viên sư phạm tăng cường năng lực ngoại ngữ, bởi ngôn ngữ công nghệ thông tin đa phần là ngoại ngữ, thường là tiếng Anh. Sự tương tác giữa năng lực ngoại ngữ với việc tìm hiểu, khám phá, vận dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học sẽ giúp giảng viên sư phạm chẳng những nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng công nghệ thông tin, mà cả phương diện truyền thông nữa. Đây chính là chìa khóa mở ra kho tàng mênh mông của tri thức nhân loại thuộc các lĩnh vực chuyên môn và nghiệp vụ, phục vụ đắc lực cho hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm.
Internet còn là “lãnh địa” để giảng viên sư phạm cập nhật các lí thuyết về phương pháp dạy học tiên tiến từ nguồn học liệu mở (Open source learning materials) của nhiều trang mạng (website) khác nhau, đặc biệt là nguồn tài liệu nội sinh của các trường đại học hay nguồn học liệu từ các tạp chí khoa học chuyên ngành nổi tiếng trên thế giới. Chẳng hạn, các lí thuyết dạy học hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, tình huống, đồ án/dự án, đóng vai, trải nghiệm, mô phỏng, thực nghiệm, thuyết trình, seminar,… Bên cạnh đó, sách dịch và các tài liệu, giáo trình biên soạn trong nước về phương pháp dạy học cũng là một nguồn tài liệu phong phú không thể thiếu được. Lý thuyết được thể nghiệm qua thực tiễn mới đủ độ xác tín và gia tăng giá trị khoa học. Từ thực tiễn giảng dạy, giảng viên sư phạm có thể vận dụng một cách sáng tạo các phương pháp dạy học mới, tích cực, chủ động, đồng thời cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống để nâng cao chất lượng học tập của sinh viên một cách hệ thống. Chất lượng giảng dạy và đào tạo cũng từ đó không ngừng được nâng cao.
2.2.4. Giảng viên sư phạm cần xem trọng mối quan hệ cộng đồng/xã hội, lấy phục vụ cộng đồng/xã hội làm cơ sở thiết kế chương trình đào tạo, nội dung, kế hoạch dạy học; sẵn sàng hợp tác với đồng nghiệp và các chuyên gia khác trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đào tạo; thường xuyên cải tiến và phát triển chương trình đào tạo một cách hiệu quả theo định hướng quốc tế
Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã từng chỉ ra bốn mục tiêu giáo dục của thế kỉ XXI là: Học để hiểu (Learning to know), Học để làm (Learning to do), Học để tự khẳng định mình (Learning to be) và Học để chung sống (Learning to live together). Các mục tiêu trên đã cho thấy rằng, cuối cùng của sự học là để cùng chung sống, sống với cộng đồng, với xã hội. Sự học chỉ có ý nghĩa khi mục tiêu của nó hướng về cộng đồng, về xã hội. Chính vì lẽ đó, ở trường đại học, giảng viên sư phạm cần phải xem trọng mối quan hệ với cộng đồng/xã hội, lấy phục vụ cộng đồng/xã hội làm cơ sở thiết kết chương trình đào tạo, nội dung và kế hoạch giảng dạy. Thông thường, một chương trình đào tạo tốt phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí luận/lí thuyết và thực tiễn/thực hành, nhằm đạt được chuẩn đầu ra, thực hiện mục tiêu và nguyên lí giáo dục. Chất lượng đào tạo từ các trường đại học sư phạm và trường đại học đa ngành có khoa sư phạm trong nhiều năm qua cho thấy, tính hàn lâm, duy lí, xem trọng lí thuyết, coi nhẹ thực hành trong chương trình đào tạo vẫn còn nặng nề. Kết quả là sự thích nghi của sinh viên sư phạm mới ra trường trong một môi trường xã hội ngày càng biến đổi mạnh mẽ vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều sinh viên không tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng/làm việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo. Số lượng này tăng dần qua các năm. Tất nhiên, chúng ta cũng cần quan niệm thông thoáng rằng, sinh viên đào tạo từ trường sư phạm không nhất thiết tất cả đều cần đứng lớp để giảng dạy. Họ có thể làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau. Cơ quan, đơn vị, trụ sở có thể thuộc quyền quản lí của Nhà nước, tư nhân hay các thành phần kinh tế khác. Miễn sao, họ có thể sử dụng những kiến thức chuyên môn đã học tập được ở nhà trường vận dụng vào nghiệp vụ được phân công. Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến tháng 4 năm 2018, đã có khoảng 40.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp [8]. Còn theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, từ thời điểm trên đến hết năm 2020, số liệu về thất nghiệp trên có thể tăng hơn 70.000 người! Tuy vậy, cũng chính các nhà nghiên cứu về xã hội này đã đưa ra một lí do quan trọng là, sinh viên thất nghiệp cần nhìn lại mình. Nếu mình thực sự giỏi, thì không lí do gì lại không tìm được việc làm. Từ đó, một vấn đề thiết yếu cần được đặt ra và triển khai mạnh mẽ là: Chương trình đào tạo, nội dung, kế hoạch dạy học phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn ngành nghề mà xã hội đòi hỏi; đồng thời, nhà trường cùng đội ngũ giảng viên phải xem trọng nội dung rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp, xem sự cọ xát của người học với những đòi hỏi của nghề nghiệp sau khi ra trường làm thước đo chất lượng đào tạo. Bản thân sinh viên cũng phải ra sức tích lũy kiến thức lí thuyết và rèn luyện nghề nghiệp thông qua thực tập/thực hành/thực nghiệm một cách tích cực, chủ động, sáng tạo thì mới thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội đặt ra. Nghĩa là, chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm từ các trường là rất quan trọng và có ý nghĩa đối với các bên liên quan.
Chính vì những lí do trên, vấn đề hợp tác giữa đồng nghiệp/các chuyên gia trong và ngoài nước trong giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học, thường xuyên cải tiến, phát triển chương trình đào tạo một cách hiệu quả nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy - học, chuẩn đầu ra của sinh viên là vấn đề căn cơ, có tính chất “sống còn” của các trường đại học sư phạm và các trường đại học đa ngành có khoa sư phạm. Thật vậy, trong một môi trường không gian số ngày càng rộng mở, việc liên kết, hợp tác trong giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học đã trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết giữa các đơn vị/tập thể/nhóm/tổ/cá nhân với nhau. Toàn cầu hóa trong giáo dục là cơ hội đồng thời là thách thức đối với nền giáo dục của mọi quốc gia. Các trường đại học sẽ đánh giá tương lai của trường họ trên số lượng sinh viên theo học và trên sự phát triển của các chương trình đào tạo được kiểm định, cấp bằng. Từ đó, các nhà quản lí và giảng viên sẽ hoạch định trọng tâm công việc theo định hướng quốc gia/khu vực/toàn cầu. Có như thế, chất lượng đầu ra của sinh viên mới ngày càng tiệm cận với chuẩn đầu ra của sinh viên các trường đại học được kiểm định và xếp hạng tốt của quốc gia/khu vực/thế giới.
3. KẾT LUẬN
Năng lực và phát triển năng lực giảng viên đại học nói chung, giảng viên sư phạm nói riêng là vấn đề cấp thiết đặt ra từ yêu cầu thực tiễn, và cần có giải pháp để sớm thực hiện một cách bền vững, lâu dài. Trước những đổi thay không ngừng, thậm chí đột biến tạo nên những thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học giáo dục cùng đội ngũ giảng viên sư phạm cần đề xuất và thực hiện kịp thời những giải pháp căn cốt về năng lực giảng viên nhằm đưa ngành sư phạm trở lại quỹ đạo của nó là một ngành hấp dẫn, không chỉ vì sứ mạng tự thân mà còn ở tính tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học giáo dục.
Như một nguyên lí từ bao đời nay, sự phát triển của bất kì quốc gia, dân tộc nào cũng đều tựa vào một nền tảng, một đòn bẩy vững chắc, đó là giáo dục. Gắn liền với giáo dục, vai trò của người thầy ở tất cả các cấp học, bậc học là vô cùng quan trọng. Việc đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực giảng viên sư phạm trước yêu cầu, đòi hỏi từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể chưa thật đầy đủ, nhưng đây là những nội dung không thể thiếu được ở mỗi giảng viên trước thực tiễn phong phú, đa dạng của nền giáo dục phát triển trong trạng thái bình thường mới, với những sự kiện hay biến động ảnh hưởng đến toàn xã hội có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nơi đâu. Càng chiêm nghiệm, càng nhận ra tính khoa học và tính thực tiễn mạnh mẽ trong câu nói của vị lãnh tụ nổi tiếng đất nước Nam Phi, Nelson Mandela: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tu thư Khai Trí (1971), Từ điển Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, tr. 573.
2. Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (2014), Từ điển tiếng Việt, Nxb Lao động – Xã hội, tr. 416.
3. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2003), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 3, Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội, tr. 41.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Báo cáo nghiên cứu Chuẩn năng lực giảng viên giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp, tr. 3. Nguồn: https://egov.hufi.edu.vn/thong-tin-giang-day/chuan-nang-luc-giang-vien-giao-duc-dai-hoc-dinh-huong-nghe-nghiep-183.html.
5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Giáo dục. Nguồn: https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Qui định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (Ban hàng kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), tr. 3. Nguồn: https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-20-2018-tt-bgddt-chuan-nghe-nghiep-giao-vien-co-so-giao-duc-pho-thong-166608-d1.html.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2/2018), Qui định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm (Ban hành kèm theo Thông tư số …/TT-BGDĐT ngày … tháng … năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Dự thảo 2). Nguồn: https://moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDT/Attachments/1371/Du%20thao%20Thong%20tu%20quy%20dinh%20chuan%20GVSP%20T2_2018.pdf.
8. Báo Lao động (Ngày 05/5/2019), Vì sao quá nhiều cử nhân sư phạm thất nghiệp? Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/vi-sao-qua-nhieu-cu-nhan-su-pham-that-nghiep-731421.ldo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét