Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Nhìn lại truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1965)

                                                                                                               TS. PHẠM THANH HÙNG
                                                                                                                 (Trường Đại học An Giang)

Trang bìa trước Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, nghệ thuật, số Xuân Đinh Dậu, tháng 1-2017






1. Hơn bốn mươi năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, nhưng những công trình nghiên cứu về dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 mới chỉ phần nào đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo bạn đọc cả nước.
Trong hai thập niên 60, 70 của thế kỉ trước, trên miền Bắc, người đọc từng biết đến những bài viết về văn học công khai vùng bị tạm chiếm miền Nam của Đặng Thai Mai, Nguyễn Đức Đàn, Trang Nghị, Trường Lưu, Thạch Phương... đăng trên Tạp chí Văn học. Trong lòng đô thị Sài Gòn trước 1975, các cây bút lí luận - phê bình như Lữ Phương, Vũ Hạnh, Trần Triệu Luật, Nguyễn Trọng Văn, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan đã có nhiều bài viết công khai bênh vực văn hóa, văn nghệ yêu nước tiến bộ, mạnh mẽ chống lại thứ văn hóa, văn nghệ nô dịch, nguỵ dân tộc. Từ sau năm 1975 đến nay, các công trình nghiên cứu của Trần Trọng Đăng Đàn, Lê Đình Kỵ, Trần Hữu Tá, Tầm Vu, Nguyên Thanh, Viễn Phương, Hồ Sĩ Hiệp, Huỳnh Như Phương, Trần Thức, Hoàng Dũng... đã giúp người đọc hiểu thêm về dòng văn học yêu nước trên văn đàn công khai vùng đô thị miền Nam trước 1975. Mặc dù vậy, người đọc vẫn chờ đợi những công trình tập trung nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ trên cả hai phương diện văn học sử và thể loại văn học. Ngay trong giáo trình các trường đại học có chuyên ngành văn học Việt Nam, phần viết về dòng văn học này đến nay vẫn dừng lại ở mức khái lược. Chưa nói đến các sách giáo khoa bậc phổ thông.
Lí giải như thế nào về thực tế đó? Có nhiều nguyên nhân, khách quan lẫn chủ quan.
Trước hết, những ai quan tâm đều dễ dàng thấy rằng cần phải có một độ lùi lịch sử cần thiết cho việc nghiên cứu văn học sử và thể loại văn học. Để hiểu biết thấu đáo chỗ đứng, cách nhìn của nhiều nhà văn trong quá trình dài hoạt động sáng tạo của họ ngay trong lòng đô thị miền Nam trước 1975 với những diễn biến về chính trị - xã hội hết sức phức tạp, không thể một sớm một chiều mà có được. Phải nhìn nhận, đánh giá sao cho khách quan, công bằng tác động xã hội của những tác phẩm yêu nước, cách mạng trước những chiêu bài văn hóa văn nghệ hết sức tinh vi, xảo quyệt cùng chính sách khủng bố, đàn áp khốc liệt của chính quyền Sài Gòn. Phải xem xét sự tiếp nhận của độc giả như thế nào trong mối tương quan với việc đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước, cách mạng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ trong từng thời kì, cả sau khi giai đoạn lịch sử đã trải qua. Bên cạnh những quan điểm thống nhất, tương đồng trong giới nghiên cứu trước và sau 1975, vẫn còn có những chỗ khác nhau trong cách nhìn nhận, đánh giá sự đóng góp của dòng văn học này trong dòng chảy chung của văn học dân tộc. Chưa kể đến những khó khăn trong việc tìm kiếm, tập hợp văn bản tác phẩm, công trình, tài liệu nghiên cứu...
Đó là một số nguyên nhân khiến văn học yêu nước trên văn đàn công khai vùng đô thị miền Nam (1954 - 1975) vẫn chưa được đề cập đầy đủ trong các công trình văn học sử. Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển và thành tựu của truyện ngắn, một thể loại chủ lực trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn đầu (1954 - 1965), sẽ giúp chúng ta có thêm cơ sở minh định những đóng góp của dòng văn học này trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc.
2. Thất bại trong việc gây ảnh hưởng đối với các chính sách của Pháp ở Đông Dương kể từ năm 1950, Mĩ thấy Hiệp định Genève 1954 là cơ hội để hất cẳng lực lượng Pháp còn lại ở miền Nam, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của họ ở Đông Nam Á.
Những năm từ 1954 đến 1959 là giai đoạn diễn ra cuộc “chiến tranh một phía”. Ngay từ đầu, bên cạnh các sách lược về chính trị, quân sự, kinh tế, chính quyền Mĩ và Ngô Đình Diệm đặc biệt chú ý tạo ra ở các vùng đô thị miền Nam một thứ văn hóa chống cộng, văn hóa tâm lí chiến bằng nhiều hình thức, được tô vẽ bằng nhiều ngôn từ khác nhau như “chủ nghĩa duy linh”, “chủ nghĩa nhân vị”, “văn hóa Á Đông tính”, “văn hóa dân tộc tính”... nhằm gây nên sự ảo tưởng về độc lập, tự do, phá hoại tinh thần yêu nước, đè bẹp ý chí đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân, biến cuộc chiến tranh chống ngoại xâm thành cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa “cộng sản” và “quốc gia”. Bên cạnh đó, hệ thống chính quyền miền Nam còn ra sức khủng bố, đàn áp các khuynh hướng văn hóa, văn nghệ tiến bộ, đối lập. Sở Nghiên cứu Chính trị của Ngô Đình Nhu nhanh chóng trấn áp những người tình nghi có hành vi lật đổ. Chỉ tính đến năm 1956, họ đã bỏ tù 20.000 người. Các “trung tâm cải huấn” chật ních người. Trên văn đàn công khai, nhiều cây bút văn xuôi bị bắt trong mấy năm đầu như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Tư Mã Việt, Tô Nguyệt Đình (cùng tháng 10/1955), Lê Vĩnh Hòa (tháng 10/1958)... với tội danh “thân cộng”. Có người thoát được trong cuộc nổi dậy phá khám (Tân Hiệp - Biên Hòa) tìm ra vùng giải phóng như Lý Văn Sâm. Nhưng cũng có người hi sinh như Dương Tử Giang. Thế nhưng, bất chấp sự đàn áp khốc liệt của chính quyền, trong các vùng đô thị miền Nam, ở đâu cũng dấy lên phong trào đấu tranh đòi Mĩ - Diệm thi hành Hiệp định Genève, đòi dân sinh dân chủ, đòi bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trong không khí hết sức ngột ngạt và trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam còn tạm ở vào thế thủ về chiến thuật, cùng với thơ, nhiều truyện ngắn của Lý Văn Sâm (Bách Thảo Sương), Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương (Ánh Phương), Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy), Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh, Lê Văn (Vĩnh Điền), Kiêm Minh, Thẩm Thệ Hà, Ngọc Linh, Lê Hoàng, Nhất Tiếu (Hòa Lạc), Tiêu Kim Thủy (Tô Nguyệt Đình, Nguyễn Bảo Hóa, Thanh Tuyền), Hoàng Văn... đã khéo léo tố cáo sự bất công, tàn bạo, những mâu thuẫn xã hội, phơi bày những nỗi cơ cực của người dân lao động, khơi dậy lòng yêu nước, sự căm ghét chiến tranh xâm lược, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, bày tỏ nguyện vọng thiêng liêng thống nhất đất nước của nhân dân ta. Nhiều tập truyện ngắn hay ra mắt bạn đọc bởi các nhà xuất bản:  Trùng Dương, Văn hữu Á Châu, Ban Mai, Lá Dâu, Sóng Mới, như Biển cỏ miền Tây - Sơn Nam (1956), Chiếc áo thiên thanh - Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Tiêu Kim Thủy, Ngọc Linh (1957), Hoài cố nhân - Võ Hồng (1959)... Hàng loạt truyện ngắn hấp dẫn, có tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tâm hồn được độc giả đô thị nồng nhiệt đón nhận như: Chuông rung trên tháp đổ của Bách Thảo Sương; Mặt trời lên của Lý Văn Sâm; Mái trường sương nắng rêu phong của Thanh Trúc; Chiếc áo thiên thanh, Lúc chiều xuống, Mưa rơi trên sông, Áo vải tim vàng của Lê Vĩnh Hòa; Bức tranh không bán, Vừng trăng bên kia sông, Người chị áo xanh của Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy); Lão Triệu, Tơ vương đến thác, Sắc lụa Trữ La của Viễn Phương; Con chim già sói, Đảng cánh buồm đen, Bác vật xà bông của Sơn Nam; Hoa vông đỏ, Ảo ảnh bờ tre của Bình Nguyên Lộc; Mặt rỗ hoa mè của Tô Nguyệt Đình; Chuột cù phiêu lưu, Ba trâu ba cột của Thanh Tuyền; Bông Cốc anh lính Bắc Phi của Tô Kim Thủy; Bà mẹ Mỹ Tho của Kiêm Minh; Cô gái Cầu Đúc, Bác Quản Nhì của Lê Văn; Hai chậu lan Tố Tâm của Phan Du; Giọt nước mắt trên dương cầm của Vũ Hạnh; Trăng rằm vẫn đẹp của Giang Châu; Tôi không bóc phẩn nữa! của Thiên Giang; Người em ngày trước của Hòa Lạc; Hi sinh của Hoàng Văn; Chuyện cái đồng hồ con ngựa của Lê Thanh Thái; Nắng lên của Nguyễn Lê; Những bước đường của Huỳnh Song Tuyến... Nhiều tuần báo, tạp chí, tạp san, tuần san, nguyệt san, bán nguyệt san yêu nước tiến bộ ở các đô thị, nhất là đô thị trung tâm Sài Gòn, đã công khai đăng tải các sáng tác của các nhà văn trên như Công Lý (Chủ nhiệm Phùng Thị Bút), Hừng Sáng (Nguyễn Linh Chiểu), Duy Tân (Huyền Nhi), Điện Báo (Minh Cảnh), Gió Mới (Trần Văn Sơn), Tân Dân (Nguyễn Đắc Lộc), Nắng Sớm (Nguyễn Thị Mỹ Dung), Vui Sống (Tô Văn Tuấn)... kể cả các tờ báo mà khuynh hướng chính trị không hẳn hoàn toàn tích cực như bán nguyệt san Bách Khoa (Huỳnh Văn Lang), nhật báo Thần Chung, nhật báo Tiếng Chuông (Đinh Văn Khai)... Nổi bật hơn cả là hoạt động của tuần báo Nhân Loại bộ mới có mặt từ tháng 8/1955 với khuynh hướng “Tươi đẹp - Trẻ trung - Lành mạnh” xuất bản mỗi sáng thứ Bảy, Chủ nhiệm Anh Đào (Hoàng Kim Dung), đã qui tụ được rất nhiều cây bút yêu nước lúc bấy giờ. Những nhà văn như Văn Phụng Mỹ, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam, Tiêu Kim Thủy… từng là cây bút chủ lực của tờ báo này.
Thắng lợi của những cuộc đồng khởi từng phần cuối năm 1959 đầu năm 1960 đã chứng tỏ lòng căm thù sục sôi của quần chúng và sự suy yếu, bất lực của bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm ở nông thôn. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp và lãnh đạo đông đảo lực lượng yêu nước đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn. Mĩ tiếp tục đưa cố vấn và vũ khí vào mong vực dậy tinh thần của chính quyền này. Hệ thống ấp chiến lược dựng lên với âm mưu cắt đứt quan hệ giữa nhân dân với lực lượng vũ trang cách mạng. Ở đô thị, đội ngũ nhà văn thân chính cùng với văn hóa, văn nghệ nô dịch được tăng cường. Chế độ kiểm duyệt hết sức gắt gao áp đặt với mọi loại ấn phẩm. Nhiều tòa soạn báo bị đóng cửa hay tạm đình bản chỉ sau một thời gian hoạt động không dài (Công Lý, Hừng Sáng, Duy Tân, Nhân Loại bộ mới, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Gọi Đàn, Mã Thượng...). Nhiều nhà văn bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam (Viễn Phương, Sơn Nam, Vũ Hạnh...). Không ít người thoát tù, rời đô thị ra vùng giải phóng (Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương...). Khuynh hướng văn học yêu nước, cách mạng vùng đô thị miền Nam gặp khó khăn trước những chiến dịch càn quét lớn. Nhưng phong trào chống Mĩ - Diệm những năm 1960 - 1963 vẫn phát triển rất mạnh nhờ vận dụng phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn. “Quốc sách” ấp chiến lược bị phá. Từ nông thôn, phong trào quần chúng nổi dậy nhanh chóng lan vào các đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ; các tỉnh như Quảng Trị, Cà Mau... Những cuộc bãi công của công nhân, bãi thị của chị em tiểu thương, đấu tranh của thương phế binh, của đồng bào phật tử... liên tục nổ ra. Phản ứng của chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ càng làm cho phong trào bùng lên mạnh mẽ. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn.
Để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng, cứu vãn tình hình, Mĩ mưu toan để quân đội thực hiện đảo chính lật đổ chế độ độc tài Diệm - Nhu (01/11/1963). Nhưng liên tiếp hai năm sau đó, chính quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên. Hơn mười cuộc đảo chính và phản đảo chính nối tiếp nhau. Nhiều tập đoàn chính trị vừa dựng lên đã đổ ngay xuống, càng khoét sâu mâu thuẫn nội bộ. Giữa năm 1965, Mĩ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, tiến hành “chiến tranh cục bộ”. Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chuyển sang một giai đoạn mới.
Truyện ngắn yêu nước vùng đô thị miền Nam sau thời gian tạm lắng đã khơi sắc và phát triển mạnh mẽ, nhất là từ cuối năm 1963 trở đi. Vài tờ báo chí tiến bộ có mặt trở lại nhưng chỉ được một thời gian ngắn như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Công Lý. Bên cạnh số khác lần đầu ra mắt bạn đọc như các tuần báo Hồn Trẻ (Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hoanh - Bùi Chánh Thời), Tiểu Thuyết Thứ Năm (Nguyễn Thị Loan), Nắng Mới (Lê Văn Nghiêm), các bán nguyệt san Mai (Hoàng Minh Tuynh), Văn (Nguyễn Đình Vượng)1 đã kịp thời đăng tải những truyện ngắn mới nhất của nhiều nhà văn. Với số lượng hơn hẳn thời kì trước đó, các nhà xuất bản Giao Điểm, Cảo Thơm, Phù Sa, Thời Mới, Hữu Nghị, Lá Bối, Bến Nghé, Việt Hương, Nam Chi Tùng Thư... đã góp sức cho sự ra đời của hàng loạt tập truyện như: Ký thác (1960), Mưa thu nhớ tằm (1965) của Bình Nguyên Lộc; Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964) của Vũ Hạnh; Hương rừng Cà Mau (1962), Vọc nước giỡn trăng (1965), Hai cõi U Minh (1965) của Sơn Nam; Lá vẫn xanh (1962), Vết hằn năm tháng (1965) của Võ Hồng; Một lá thư tình (1963) của Vân Trang... Độc giả thành thị còn đọc được những truyện ngắn hay trên báo chí như Thiếu nữ trong rừng đêm của Cấn Huy Tăng (Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 16/1960); Ai nghe lòng đất quặn đau của Thẩm Thệ Hà (Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 11/1961); Hương máu, Dịch cát, Khóc đầu tri kỉ của Nguyễn Văn Xuân (Bách Khoa các số 91, 93, 95/1960); Bàn tay kẻ đói của Phan Du (Bách Khoa, số 99/1961); Quê chồng của Vân Trang (Mai, số 3/1960); Gốc đại thọ của Vũ Nghi (Mai, số 18/1961); Pá Phao của Trần Hồ (Mai, số 18/1961); Lòng vàng của Thạch Hà (Mai, số 31/1961); Con thằn lằn của Vũ Hạnh (Văn, số 3/1964); Hai cha con, hai lằn mức của Mạc Trần Phong (Công Lý bộ mới, số 2 và 3/1964); 200 đồng bạc nợ của Thanh Kỳ (Công Lý bộ mới, số 12 và 13/1964); Gà và ba tôi, Mẹ và em của Võ Hồng (Văn số 4, số 16/1964)...
Như vậy, truyện ngắn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1965) đã hình thành và phát triển liên tục, mạnh mẽ (tuy có khoảng thời gian ngắn thoái trào cuối 1957 và sau 1960) trong một giai đoạn lịch sử - xã hội nhiều biến động và phức tạp. Đó là giai đoạn từ khi đất nước bị chia cắt, đến khi chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung, chính quyền Sài Gòn lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên, trước khi quân viễn chinh Mĩ lần lượt đổ vào miền Nam, tình thế đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước chuyển sang một giai đoạn khác trước.
Là sản phẩm tinh thần của phong trào đấu tranh, truyện ngắn dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam được viết ra bởi ngòi bút của những nhà văn trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các phong trào yêu nước, cách mạng. Theo thời gian, lực lượng sáng tác ngày càng được qui tụ đông đảo, phong phú và đa dạng. Họ gắn bó với nhau trong một trận tuyến đấu tranh vì sự nghiệp chung của dân tộc. Sau năm 1954, có khá nhiều nhà văn ở lại vùng đô thị miền Nam theo gia đình, hay do sự phân công của tổ chức như Lý Văn Sâm, Viễn Phương, Lưu Nghi, Vũ Hạnh, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Thẩm Thệ Hà, Lê Văn, Kiêm Minh, Tiêu Kim Thủy... Số khác là giới trí thức yêu nước ở vào tình thế mâu thuẫn dân tộc đang diễn ra căng thẳng, bằng ngòi bút họ đã thể hiện một thái độ chính trị đúng đắn là chấp nhận đương đầu với cường quyền bạo lực như Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng.... Tùy thuộc vào diễn biến của tình thế đấu tranh, các nhà văn đã đứng trên lập trường dân tộc, lập trường cách mạng để khơi dậy lòng yêu nước, hoặc sát cánh cùng nhân dân đô thị trong cuộc đấu tranh đó. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và tổ chức, họ vừa viết vừa tìm mọi biện pháp để “lách” qua lưỡi kéo kiểm duyệt, “chế độ Hốt - Cắt - Đục” (từ Nguyễn Ngọc Lan) gắt gao, cùng với sự theo dõi, khủng bố, đàn áp tàn bạo của chính quyền Sài Gòn. Thực tế cho thấy, không phải mọi cây bút đều một mạch thẳng tiến trên con đường tranh đấu đầy chông gai, và không phải cây bút nào cũng khởi đầu bằng ý thức đấu tranh. Có người, có lúc, do tác động của cường quyền và sự chi phối của sinh kế mà dao động, chệch hướng. Phan Du với tập truyện ngắn Cô gái xóm nghèo (Văn hóa Á Châu, Sài Gòn, 1959) là một thí dụ. Nhưng ông đã kịp thức tỉnh. Không ít người trước thực trạng xã hội bất công, tàn bạo đã suy nghĩ, trăn trở và dũng cảm chọn cho mình một hướng đi đúng đắn là “tìm về dân tộc”...  
Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 –1965) đã gắn bó chặt chẽ và phản ánh chân thực, sinh động phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân các đô thị miền Nam vì mục tiêu hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.  
Yêu nước, từ xa xưa đã là cơ sở tư tưởng, tình cảm của nền văn học dân tộc. Tư tưởng yêu nước, lập trường dân tộc từng là cội nguồn của những giá trị tinh thần lớn lao của nhân dân ta. Những giá trị tinh thần ấy tùy vào sự biến đổi thăng trầm của lịch sử - xã hội, thời đại mà có sự thể hiện và kết tinh phù hợp. Làm thế nào có thể viết và phổ biến những sáng tác của mình trong hoàn cảnh ngột ngạt của cuộc đấu tranh không cân sức? Các nhà văn yêu nước trong vùng đô thị miền Nam đã chọn và triệt để khai thác lối viết biểu tượng hai mặt “lòng đỏ vỏ xanh” khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến thực tại xã hội, qua đó khơi dậy tình cảm yêu nước, tinh thần dân tộc. Viễn Phương, Vũ Hạnh, Tô Nguyệt Đình, Văn Phụng Mỹ, Lê Vĩnh Hòa... là những nhà văn tiêu biểu cho bút pháp này.
Ngày 26/10/1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập chế độ “Cộng hòa Việt Nam” ở miền Nam Việt Nam. Đứng trước âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, hơn bao giờ hết, đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là khát vọng lớn lao, là tâm niệm thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước và là nguồn cảm hứng lớn lao trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn lúc này. Bằng câu chuyện mang màu sắc dã sử Trung Hoa, Viễn Phương mộc mạc kể lại nỗi đau khổ dằn vặt của gái trai, dân chúng hai châu Yên Ba và Phượng Dương bên bờ suối Mịch La từng gắn bó thân thiết nhau, qua đó kín đáo nói lên nguyện vọng thống nhất của nhân dân hai miền Nam - Bắc (Tình Yên Phượng - Nhân Loại số 12, 7/1956). Văn Phụng Mỹ có cách nói khác qua câu chuyện tình cảm đời thường trong sáng giữa Phụng và Dung. Chính sự thân thiết gắn bó trở lại của người lớn hai gia đình đã kịp thời nối lại tình thân đôi trẻ (Vừng trăng bên kia sông - Nhân Loại số 70, 6/9/1957). Mang bóng dáng của một câu chuyện lịch sử, Linh Hà lại kể về mối bất hòa đã được giải tỏa, khu rừng mỏng ngăn cách không còn, thay vào đó là sự vươn lên của những đọt trà xanh mơn mởn kết chặt tình mật thiết giữa hai thôn trà ngon nổi tiếng Yên Phụ và Yên Chi (Hương trà Yên Phụ - Nhân Loại số 42, 23/02 - 01/3/1957).
Nhiều truyện tố cáo chế độ thống trị tàn bạo (Úp nôm hồi vọng - Hoài Nghĩa, Tết giữa rừng - Vũ Hạnh), ca ngợi tình nghĩa Bắc Nam (Bên rặng tre già - Lê Vĩnh Hòa), tố cáo tội ác bọn giặc xâm lược (Mưa muộn - Lê Vĩnh Hòa, Con chim già sói - Sơn Nam, Người liệm xác - Phong Sơn, Tuổi thơ - Lê Hoàng, Nắng lên - Nguyễn Lê), nêu cao sự hi sinh cao cả, tình yêu thương giống nòi (Hi sinh, Người Việt đất Việt - Hoàng Văn) lần lượt xuất hiện trên báo chí tiến bộ, vượt qua cặp mắt săm soi nghiệt ngã của chính quyền.
Sự thống trị của chế độ Ngô Đình Diệm đã gây ra biết bao thảm cảnh cho nhân dân miền Nam. Truyện ngắn Lúc chiều xuống của Lê Vĩnh Hòa (Nhân Loại số 32, 30/11/1956-07/12/1956)2 xúc động người đọc về hình ảnh người công nhân khuân vác Ba Nhỏ trong những ngày giáp Tết đang bệnh nặng cũng phải gượng dậy, bước đi trong một thế giới xa lạ giữa những tà áo màu và xe hơi bóng loáng. Do quá gắng sức, anh đã ho ra máu. Song, những bước chân xiêu vẹo của anh vẫn không thể dừng lại được khi chập chờn trước mắt là hình ảnh gia đình với vợ ốm, con đau! Bằng lối viết biểu tượng hai mặt, Úp nôm hồi vọng của Hoài Nghĩa (Nhân Loại số 42, 23/02 - 01/3/1957) đã phản ánh cuộc mưu sinh của những gia đình nông dân lương thiện nghèo khổ, bế tắc, mất hết cả tự do, chỉ vì muốn cải thiện bữa ăn mà phải vĩnh viễn nằm xuống dưới làn đạn của những tên lính lê dương. Cũng với cách viết mượn xa để nói gần như thế, người đọc sung sướng nhận ra ý nghĩa thâm thúy trong câu nói triết lí của tên cướp với hai cậu cháu đi lạc, trong truyện ngắn Tết giữa rừng (tập Vượt thác, 1963) của Vũ Hạnh: “Thực ra sống trong bọn người tự hào là lương thiện như cha con ngươi mới thường xuyên bị mất cướp, còn sống ở trong bọn cướp là chúng ta đây, mới thực an toàn3.
Chủ đề chống chiến tranh xâm lược, chống cường quyền bạo lực còn tìm thấy trong nhiều truyện ngắn khác của Viễn Phương (Nghiệp vương nghiệp bá, Võ An Quân)4, Tiêu Kim Thủy (Ba Viên), Trang Thế Hy (Người chị áo xanh), Linh Hà (Chuyến đò cuối năm), Võ Hồng (Gà và ba tôi)5... Không ít truyện đề cập đến tình cảm thủy chung, lòng trung thành với lí tưởng yêu nước cao đẹp, qua đó nhắc nhở giữ gìn phẩm chất kiên trung của người cách mạng dù phải trải qua gian khổ, hi sinh (Mấy giòng thư cũ - Văn Phụng Mỹ, Lòng tôi như hoa hướng dương - Viễn Phương, Những kẻ bán nước - Lưu Nghi).
Nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa nhân dân với các lực lượng vũ trang cách mạng, tách quân với dân, cá với nước, từ năm 1961, chính quyền Sài Gòn đã nỗ lực thực hiện cái gọi là “quốc sách” ấp chiến lược ở vùng nông thôn. Viết Gốc đại thọ (Mai số 18, 25/3/1961), Chấm nhang đầu xóm (Nhân Loại số 12, 15/4/1959), Vũ Nghi đã kín đáo bày tỏ sự đồng cảm, khẳng định tấm lòng của những người dân bình thường (Cả Hạp, Hai Tạc) không muốn rời xa mảnh đất quê hương, ngôi nhà đầm ấm thân yêu từng lưu giữ biết bao kỉ niệm của gia đình. Nhìn ngôi nhà bị giặc triệt phá chỉ còn là đống gạch ngói vụn, Cả Hạp đau đến liệt giường, liệt chiếu, năm hôm thì lìa đời: “Mắt ông lão trừng trừng nhìn lên đêm tối dày đặc bên ngoài, cố tìm trong không gian lặng lẽ, một điều gì để giải niềm u uất chưa nguôi” (Gốc đại thọ - Vũ Nghi). Câu nói của ông Hai Tạc trước khi tạm rời ngôi nhà của mình đi lánh giặc thật sâu nặng nghĩa tình: “Nhà mình là đầu xóm, phải làm gương cho lối xóm. Phải giữ một chút đèn nhang nơi đây cho vong linh con cùng những kẻ chết vì quê hương chẳng tủi lòng” (Chấm nhang đầu xóm - Vũ Nghi). Đau đớn, uất hận hơn, là cái chết không toàn thây của những người dân lương thiện được miêu tả trong truyện ngắn Pá-Phao của Trần Hồ (Mai, số 18, 25/3/1961). Dù sống cực khổ, không ai trong họ lại muốn bỏ làng ra đi. Nhưng ở cũng không yên. Bọn Tây về làng cướp bóc, bắn giết, đốt sạch nhà cửa. Pá-Keo van lạy đã bị báng súng của chúng nện vào cổ, chết. Pi-Keo vùng chạy đến toan ôm xác chồng thì bị tên Tây đen chụp cổ lôi đi, mặc cho Pi vùng vẫy. Và người đàn bà xinh xắn nhất Vìn-Pêẹc ấy đã chết trong tình trạng “nằm trần truồng dưới đất. Một nhát dao rạch toang làn da bụng trắng, ruột nghiêng ra đổ xuống đất; bốn năm lổ thủng trên ngực còn rỏ từng giọt máu lên hơi. Mắt Pi trợn trừng trừng, môi mím chặt, đau đớn và uất hận”...
Làm cho li gián, ngờ vực lẫn nhau trong hàng ngũ những người yêu nước luôn là sách lược đối phó của kẻ xâm lược. Bởi chúng rất sợ sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Chiếc cáng điều của Nguyễn Văn Xuân (Mai, số 2, 25/7/1960)6 nói đến cái chết của cụ Tán vì sự đa nghi của cụ Hường, trong bối cảnh phong trào Cần Vương kháng Pháp ở Quảng Nam cuối thế kỉ XIX. Dụng ý của câu chuyện về đề tài lịch sử ấy khá rõ. Cũng với cách mượn xưa để nói nay, Ngày mưa đầu mùa (tập Hương rừng Cà Mau, 1962)7 của Sơn Nam đã khéo léo vạch trần âm mưu trên, dù thời gian là năm 1946, không gian là làng Đông Yên nào đó ở miền Tây Nam Bộ. Ở truyện Ba con cáo (tập Kí thác, 1960)8, Bình Nguyên Lộc lại phản ánh thực trạng xã hội miền Nam không thiếu những kẻ “vơi cạn hết chất người”, phản bội nhau để sống. Trong hoàn cảnh gay go, quyết liệt của cuộc đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn, giữ gìn “chất ngọc tượng trưng cho sự kiên quyết bảo vệ lẽ phải và lòng thiết tha yêu mến nhân dân9 là vô cùng quan trọng, trong cái nhìn của Vũ Hạnh. Điều đó có một sức mạnh cổ vũ thật lớn lao đối với các lực lượng yêu nước tham gia đấu tranh lúc bấy giờ. Chất ngọc là truyện ngắn vừa mang màu sắc huyền thoại, vừa có ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng đã xây dựng thật ấn tượng nhân vật Sầm Hiệu không khuất phục cường quyền, dù chết cũng khẳng định quyết tâm: “Nay quan hại dân, thì quan là đồ phản tặc, ta quyết chống lại10. Cái chết của Sầm Hiệu dưới lưỡi gươm bạo tàn của quan Tổng trấn Trầm Chính Hiệp chỉ là sự vỡ tan của khối ngọc lưu ly. Nhưng sự vỡ tan ấy đã mở ra chu trình phân thân và hóa thân diệu kì, khi trăm muôn “mảnh hồng ngọc lưu ly lại có bóng hình Sầm Hiệu11. Và bao nhiêu mảnh ngọc ấy đã được truyền đi khắp dân gian. Chính nghĩa thuộc về nhân dân. “Chất ngọc Sầm Hiệu” vĩnh viễn bất tử trong tâm hồn và tình cảm của nhân dân!
Phục vụ chủ trương xây dựng một nền văn hóa thực dân kiểu mới, ngụy dân tộc, chính quyền Sài Gòn bằng nhiều phương sách khác nhau đã kiên trì tạo ra một đội ngũ nhà văn thân chính đông đảo: Kỳ Văn Nguyên, Đỗ Thúc Vịnh, Võ Phiến, Chu Tử, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo... Trước thực tế đó, điều tâm niệm của những nhà văn yêu nước là luôn xác định cho mình một lập trường, quan điểm dân tộc đúng đắn, quyết không vì quyền lợi riêng tư mà bẻ cong ngòi bút, hoặc ngây thơ dễ dàng bị lừa bịp, khuynh đảo. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa bao giờ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và phức tạp. Là cơ sở cách mạng nội thành được cấp trên chỉ định “đóng vai một người quốc gia có đôi chút tiến bộ12 hoạt động đơn tuyến và công khai chống văn hóa nô dịch giữa lòng đô thị Sài Gòn trước 1975, Vũ Hạnh bằng hình tượng nghệ thuật đã đề cập những vấn đề trên qua truyện ngắn nổi tiếng của mình: Bút máu 13. Tác phẩm có giá trị như một tuyên ngôn nghệ thuật, lần đầu tiên ra đời trên văn đàn công khai miền Nam, đã đề cập đến trách nhiệm nặng nề của người cầm bút chân chính trước vận mệnh của đất nước và cuộc sống của nhân dân. 
Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1965) còn phê phán những tác hại của lối sống thực dụng chạy theo lợi ích vật chất; những tư tưởng tiêu cực, lệ thuộc, vọng ngoại, quay lưng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sắc lụa Trữ La của Ánh Phương (bút danh khác của Viễn Phương) đăng trên Nhân Loại số 40, tháng 2/1957, đã kịp thời đả phá chủ trương của chính quyền miền Nam ào ạt đưa hàng hóa Mĩ vào, khiến  nhiều ngành hàng nội hóa truyền thống bị phá sản, điêu tàn. Vàng tháp Hời của Vũ Hạnh là câu chuyện về lòng tham của con người trong cuộc tìm vàng ở khu tháp cổ Đồng Dương (Thăng Bình - Quảng Nam). Nhưng vàng ngọc đâu chẳng thấy, rốt cuộc “chỉ là gạch vụn hoang tàn (...) chỉ là hố sâu chen chúc những loài cỏ dại14. Ra đời trong phong trào đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ văn hóa dân tộc trước sự xâm lăng ồ ạt của văn hóa ngoại lai, những truyện ngắn trên đã có tác động lớn lao đối với xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Nó thật sự là tiếng nói tố cáo, là lời cảm thông, kêu gọi, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân vùng đô thị miền Nam đứng lên, là vũ khí, công cụ đấu tranh xã hội hiệu quả trên trận tuyến văn học nghệ thuật. Chính cảm hứng yêu nước và tinh thần dân tộc đã tạo nên sức mạnh lôi cuốn của thể loại. Nhiều tác phẩm đạt được chất lượng nghệ thuật cao và khá cao, vượt qua qui luật sàng lọc nghiệt ngã của thời gian để tồn tại. Một số tập truyện đã được tái bản, trước và sau khi đất nước thống nhất.
Do phải sáng tác trong hoàn cảnh hết sức ngột ngạt, luôn bị theo dõi, truy bức, nhất là những người từng là cán bộ kháng chiến cũ thời chống Pháp, gia đình có người thân tập kết ra Bắc, hay bản thân nhiều lần vào tù ra khám vì bị qui có tư tưởng chống đối, là “phần tử thân cộng”,… các nhà văn yêu nước thường chọn lối viết biểu tượng hai mặt. Đó là dùng xa để chỉ gần, mượn xưa để nói nay, tạo dựng bối cảnh lịch sử, giả sử, thần tiên, ma quái, sử dụng các biện pháp ẩn dụ, biểu tượng, tượng trưng để vượt qua chế độ kiểm duyệt gắt gao nhằm khéo léo công kích vào chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ và bộ máy của chính quyền Sài Gòn. Để nguỵ trang, Viễn Phương, Vũ Hạnh thường xây dựng những không gian nghệ thuật xa lạ, cổ kính như châu Yên Ba, châu Phượng Dương, suối Mịch La trong Tình Yên Phượng, suối Phượng, thác Đà Đao, Mai thôn trong Tiếng trúc Tiêu Lang, Trữ La thôn trong Sắc lụa Trữ La, Kiết Lâm thôn, Bạch đầu sơn trong Bạch đầu sơn, chùa Thông, dòng Linh Giang trong Oan tình, Mân Châu, núi Hoa Dương trong Bút máu, đất Hào Dương, thôn Trà Lý, núi Hào Sơn trong Chất ngọc... Các nhà văn như Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy, Sơn Nam, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng thường chọn không gian đời thường quen thuộc với cuộc sống mình đã trải qua (nông thôn miền Tây hay miền Đông Nam Bộ, Trung Bộ, các đô thị Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt...). Không gian núi rừng Tây Nguyên, nơi từng có thời gian gắn bó, được Vũ Hạnh khai thác trong khá nhiều truyện ngắn đường rừng. Nhưng dù xây dựng không gian nào đi nữa, thời gian câu chuyện thường là quá khứ, lắm khi xa xôi, hoặc chỉ có tính chất phiếm định. Có truyện quay ngược đến thời thượng cổ (Nghiệp vương nghiệp bá), hay đời nhà Tần (Bạch đầu sơn). Có truyện đề cập thời Đông Chu liệt quốc (Võ An Quân)… Nhiều nhất là không gian thời kì kháng chiến chống Pháp. Song, để tăng tác dụng tư tưởng - thẩm mĩ, các tác giả thường khi ít quan tâm đến thời điểm và không gian cụ thể. Nhiều nhân vật có tính danh và thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội phong kiến như Lương Sinh, Lý tiểu thơ, Tổng trấn họ Lý (Bút máu), Sầm Hiệu, Chúc Anh, Lý Thiên Vương, Tổng trấn Trầm Chính Hiệp (Chất ngọc), Hàng Phùng, Tức Thị, Tống Khương Vương (Tiếng trúc Tiêu Lang), Điền Quân, Y Lang, Chúa công, Quốc vương, Tướng công (Sắc lụa Trữ La)... Khéo léo qua mắt chính quyền Sài Gòn như thế, nhưng nhiều nhà văn đã không thoát khỏi cảnh bắt bớ, giam cầm, tra tấn. Vũ Hạnh kể lại từ  năm 1957 đến 1975, khi cộng tác với tạp chí Bách Khoa, ông đã lần lượt vào tù cả thảy 4 lần15. Có truyện viết xong nhà văn đành gác lại chưa thể đăng vì chiến dịch bố ráp rất “rát” của chính quyền. Phần đầu truyện ngắn Con thằn lằn (1964), Vũ Hạnh có viết: “Đoản thiên này, tác giả đã viết xong từ trước ngày cuộc khởi nghĩa 1 tháng 11 thành công (ý nói 01/11/1963 – P.T.H). Nhưng phải đợi đến nay mới có hoàn cảnh thuận tiện để ra mắt bạn đọc 16.
Lối hành văn, cách sử dụng ngôn từ phải sao cho phù hợp với nội dung truyện: có sắc thái cổ kính, trang trọng (truyện lịch sử, truyện dã sử); huyền thoại, hư huyễn (truyện thần tiên, ma quái, truyện dã sử, truyện đường rừng); mộc mạc, chất phác (truyện về nông thôn đồng bằng, miền núi); trau chuốt, bóng bẩy (truyện viết về xã hội thị thành, truyện tình cảm, tâm tình)... Và cũng tùy thuộc vào phong cách của mỗi nhà văn: Viễn Phương thiên về lối viết mộc mạc, chân tình; Vũ Hạnh thường chọn cách viết trang trọng, cổ kính, câu văn xuôi pha biền ngẫu; Sơn Nam có lối viết thẳng tuột, giản dị, bình dân; Bình Nguyên Lộc với câu văn nhiều giọng điệu, dung dị, đậm chất tùy bút; Lê Vĩnh Hòa ngắn gọn, trong sáng, thường kết hợp trữ tình và trào lộng; Võ Hồng tinh tế, trau chuốt; Nguyễn Văn Xuân tâm huyết, trầm tĩnh, giàu cảm hứng lịch sử; Trang Thế Hy thiết tha, lắng đọng.... Giọng kể nhìn chung đa dạng, hiện đại. Tùy thuộc vào cốt truyện, kết cấu truyện mà nhà văn chọn điểm nhìn trần thuật theo tác giả hoặc nhân vật, có kết hợp đối thoại với độc thoại nội tâm, đôi khi có cả lời của độc giả do nhà văn dự kiến, những đoạn trữ tình ngoại đề của người kể đan xen vào câu chuyện... 
3. Tóm lại, truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 – 1965) đã hình thành và phát triển liên tục, mạnh mẽ (tuy có lúc thoái trào) trong một giai đoạn lịch sử - xã hội nhiều biến động và phức tạp. Đó là giai đoạn từ khi đất nước bị chia cắt đến trước khi quân viễn chinh Mĩ ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam, tình thế đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn khác. Trong hơn mười năm ấy và cả những năm sau đó, Mĩ và chính quyền Sài Gòn do họ dựng lên đã thực thi chính sách thống trị tàn bạo về mọi phương diện nhằm hiện thực hóa mưu đồ xâm lược, chiếm đóng lâu dài miền Nam, phá hoại ý chí chiến đấu, làm tiêu tan nguyện vọng độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Bất chấp sự khủng bố, đàn áp của Mĩ và chính quyền Sài Gòn trên mặt trận văn hóa văn nghệ, truyện ngắn vẫn liên tục được sáng tác bởi ngòi bút của những nhà văn yêu nước, cách mạng, sát cánh cùng nhân dân đô thị trên trận tuyến đấu tranh. Là một trong những sản phẩm tinh thần ra đời trong cuộc đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn, truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 –1965) chính là tiếng nói yêu nước chống ngoại xâm, chống bạo lực, cường quyền thông qua hình tượng nghệ thuật của nhân dân các đô thị miền Nam, vì mục tiêu hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Mục tiêu đấu tranh ấy đã từng là tình cảm, khát vọng lớn lao, là tâm niệm thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước và là nguồn cảm hứng dồi dào được thể hiện đậm nét, liên tục trong những sáng tác của các nhà văn. Sức mạnh lôi cuốn, hấp dẫn người đọc ở những truyện ngắn hay, chính là cảm hứng yêu nước và tinh thần dân tộc dạt dào. Vượt qua qui luật sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, nhiều truyện ngắn, tập truyện ngắn đến nay vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong tình cảm, tâm hồn người đọc. Khá nhiều nhà văn đã khẳng định phong cách của mình và tiếp tục có nhiều cống hiến trong giai đoạn sau. 
Thực tiễn đời sống văn học đòi hỏi cần phải mạnh mẽ, cấp bách hơn nữa trong việc nghiên cứu và đánh giá đúng mức sự đóng góp của dòng văn học yêu nước trên văn đàn công khai vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 197517 nói riêng, văn học miền Nam nói chung, trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Trên tinh thần đó, bài viết về truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954 - 1965) hi vọng góp một phần nhỏ giúp độc giả có thêm tài liệu để tìm hiểu, nghiên cứu về dòng văn học này.                                          
___________________         
       
Chú thích:
1 Bán nguyệt san Văn, Quản nhiệm Nguyễn Đình Vượng, số 1 ra ngày 01/01/1964, không hẳn là tờ báo tiến bộ nhưng các tác giả như Vũ Hạnh, Võ Hồng, Sơn Nam... lúc bấy giờ đều có đăng một số truyện ngắn của mình.
2 Xem thêm: Lê Vĩnh Hòa tuyển tập (1986), NXB Tổng hợp Hậu Giang - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
3 Vũ Hạnh (2003), Vượt thác, NXB Trẻ - Báo Giáo dục - Sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 44.
4 Các truyện ngắn của Viễn Phương đăng trên tuần báo Nhân Loại bộ mới những năm 1956, 1957 (như Lão Triệu, Tơ vương đến thác, Tình Yên phượng, Tiếng trúc Tiêu Lang, Nghiệp vương nghiệp bá, Oan tình, Bạch đầu sơn, Sắc lụa Trữ La, Hương tình ma, Võ An Quân) đã được in lại trong tập truyện ngắn Sắc lụa Trữ La, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
5 Xem thêm: Tuyển tập Võ Hồng (2003), NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm Nghiên cứu quốc học.
6 Xem thêm: Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân (2002), NXB Đà Nẵng.
7 Xem thêm: Sơn Nam (2004), Hương rừng Cà Mau, NXB Trẻ - Thành phố Hồ Chí Minh.
8 Xem thêm: Tuyển tập Bình Nguyên Lộc I, II, III, IV (2002), NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh.
9, 10, 11, 13 Vũ Hạnh (1964), Chất ngọc, NXB Cảo Thơm, Sài Gòn, tr. 130, 125, 129, 9-30.
12, 15 Vũ Hạnh, Một chặng đường bút mực (hồi kí), bản đánh máy, tr. 1-2.
14 Vũ Hạnh (1964), Mùa xuân trên đỉnh non cao, NXB Cảo Thơm, Sài Gòn, tr. 176. 
16 Văn, số 3, ngày 01/02/1964, Sài Gòn, tr. 137-152.
17 Một số công trình tập hợp, nghiên cứu về dòng văn học này được đánh giá cao như:
Nhiều tác giả (1986), Mùa xuân chim én bay về, NXB Cửu Long.
Nhiều tác giả (1997), Văn học yêu nước tiến bộ – cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954 – 1975, NXB Văn nghệ – Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật – Trung tâm Thông tin Triển lãm thuộc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1998), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Tập II: Văn học – Báo chí – Giáo dục), NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
                 Trần Thức (chủ biên) (2005), Viết trên đường tranh đấu, NXB Thuận Hóa.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét