Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

PHÁC THẢO CHÂN DUNG MỘT SỐ NHÀ VĂN DÒNG VĂN HỌC YÊU NƯỚC ĐÔ THỊ MIỀN NAM (1954-1975)

TS Phạm Thanh Hùng 
(Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang)


Bài đã đăng trên Tạp chí Lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật, 2-2018
  
1.   Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, độc giả miền Nam và cả nước đã lần lượt chứng kiến sự ra đi của nhiều cây bút nổi tiếng thuộc dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1975). Dẫu biết rằng sinh tử là qui luật tự nhiên, nhưng sự từ biệt thế giới này của những nhà văn như Viễn Phương (01/5/1928 - 21/12/2005), Nguyễn Văn Xuân (10/5/1921 - 04/7/2007), Sơn Nam (11/12/1926 - 13/8/2008), Thẩm Thệ Hà (09/3/1923 - 20/6/2009) và gần đây nhất là Trang Thế Hy (29/10/1924 - 08/12/2015) vẫn để lại trong tâm thức nhiều thế hệ độc giả những khoảng trống hụt hẫng… Trong phạm vi bài viết, người viết mong đem đến cho người đọc một số nét phác thảo về những chân dung văn học vừa nêu.
2.   Cũng như nhiều cây bút miền Nam khác, nét chung lớn nhất ở các nhà văn tên tuổi trên chính là tấm lòng yêu nước nồng nàn được trui rèn từ thực tế gắn bó máu thịt với cuộc sống và ý thức cách mạng. Vì vậy, khi Tổ Quốc đặt trước những thử thách khốc liệt, các nhà văn ấy đã mạnh dạn dùng ngòi bút của mình để sống và chiến đấu như những người chiến sĩ. Có điều khác, trận địa chính của họ là trận địa văn hóa, văn học. Dù trực tiếp tham gia cách mạng, nếm trải những năm tháng toàn dân kháng chiến gian khổ, hay vì lẽ nào khác phải ở lại thành trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, hoặc sống và hoạt động trong sự kềm kẹp, bắt bớ, giam cầm gắt gao của chính quyền Sài Gòn, người đọc đều có thể nhận ra ở họ một tình cảm gắn bó sâu nặng với mảnh đất, con người miền Nam, một tiếng nói chống cường quyền, áp bức, bất công mỗi lúc mỗi thêm khéo léo, mạnh mẽ, thấm đẫm trong từng trang văn, dòng thơ.
Với Viễn Phương, sau những năm tháng vừa cầm súng, vừa cầm bút sáng tác thơ in trên tờ Tiếng súng kháng địch - tờ báo duy nhất của khu 9 Nam Bộ thời chín năm chống thực dân Pháp - cho đến khi cuộc kháng chiến thắng lợi, là thời gian ông được tổ chức phân công về Sài Gòn tiếp tục hoạt động. Ở địa bàn mới đô thị, Viễn Phương dùng ngòi bút tiếp tục làm thơ, viết truyện đăng trên một số tờ báo tiến bộ lúc bấy giờ như Nhân Loại, Hừng Sáng, Công Lý… nhằm mục đích chống xâm lược, áp bức bất công, đấu tranh thống nhất đất nước. Đáng chú ý sau trường ca Chiến thắng hòa bình (1953) (đạt giải Nhì thơ, Giải thưởng Cửu Long), là sự xuất hiện của tập truyện ngắn Chiếc áo thiên thanh (in chung với Lê Vĩnh Hòa, Tiêu Kim Thủy, Ngọc Linh - 1957) và nhiều truyện ngắn khác đăng báo như Lão Triệu, Tình Yên Phượng, Tiếng trúc Tiêu Lang, Sắc lụa Trữ La, Hương tình ma, Võ An Quân…, sau này đã được in lại trong tập Sắc lụa Trữ La (1988). Chủ đề chung của chùm truyện ngắn khá đa dạng này là lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm, đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất của đất nước, quyết tâm bảo vệ hàng nội hóa. Không lâu sau đó là những năm tháng ông nếm trải ngục tù cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Bài thơ Chúc thọ dưới mồ viết năm 1960 nhân kỉ niệm ngày sinh Bác Hồ (19/5), khi Viễn Phương bị giam cầm ở nhà tù Phú Lợi, đã được nhiều chiến sĩ cách mạng thuộc lòng và truyền nhau ra đến tận Côn Đảo.
Ra tù, để tiếp tục hoạt động cách mạng, nhà văn phải rời đô thành, bám trụ chiến đấu nơi vùng đất ác liệt Củ Chi, vùng tam giác sắt ven Sài Gòn. Đó là quãng thời gian ông thu thập rất nhiều chất liệu sống để nhanh chóng có được những trang viết bi hùng trong các tập: Không có đâu như ở miền Nam (thơ, 1965, in cùng Lê Anh Xuân), Anh hùng mìn gạt (truyện kí, 1968), Quê hương địa đạo (truyện và kí, 1981), Sắc lụa Trữ La (truyện ngắn, 1988), Ngàn say mây trắng (truyện và kí, 1998), Miền sông nước (truyện và kí, 1999),… Ở những tác phẩm trên đây, nhân vật được nói đến nhiều nhất là nhân dân. Chính họ đã làm nên những “mùa lúa dưới bom”, “mùa hoa trong lòng đất”, “những sự tích đất thép” để tồn tại và chiến đấu chống lại những trận càn dữ dội như muốn “bóc vỏ trái đất” của kẻ thù, để đến đích cuối cùng là đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975. Đọc Viễn Phương, người đọc càng thấu hiểu hơn đất nước, con người, văn hóa Việt Nam - cội nguồn lí giải những chiến thắng chống xâm lược lẫy lừng đã qua - như ông đã viết: “Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng/ Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước/ Người đang sống nhớ thương người đã khuất/ Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời/ Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng/ Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người.” (Văn bia Đời đời ghi nhớ khắc tại Đền Tưởng niệm Bến Dược – Củ Chi). Phải chăng “Không có gì cao diệu ở đây, chỉ là lòng chân thành làm cảm động lòng người”, và “Dụng công ở lòng mà phát tiết ra lời, khi đạt được thì như thiên nhiên, như hóa công”1?
            Tôi còn nhớ rất rõ một ngày tháng 8-2005, đến thăm ông trên giường bệnh tại nhà riêng số 40A đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP. Hồ Chí Minh. Dù bệnh tình chuyển nặng, ông vẫn đau đáu về những dự định chưa thành. Cảm động làm sao khi ông kí tặng tôi tập thơ cuối cùng của một đời thơ: Gió lay hương quỳnh (2005)! Lời thơ man mác, day dứt nhưng rất mực thuần hậu, không chút khoa ngôn, nhất là khi ông viết về mẹ, về vợ, về những người đã khuất, những đồng đội, đồng chí, đồng bào: “Hôm nay viết bài thơ dâng mẹ/ Nhuận bút con cầm không mua nổi nén nhang thơm/ Nhưng hơn vạn thức hương ngào ngạt/ Xin dâng mẹ nén hương lòng, xin dâng mẹ trái tim con.” (Bài thơ dâng mẹ). Và: “Em tôi ra đi/ Trời chưa bình minh/ Long lanh áo trắng/ Một vườn sương xanh/ Em tôi về đâu?/ Ơi mây ơi sao!/ Chân trời thì rộng…/ Bầu trời thì cao…/ (…) Lẽ nào mãi mãi/ Muôn sau.. ngàn sau/ Em thành nước mắt/ Anh thành thương đau???” (Bài thơ tình cuối cùng). Đúng như lời nhận xét của Trần Thanh Đạm: “Các bạn thơ của anh, các bạn đọc thơ của anh làm sao có thể thờ ơ với những câu thơ hồng được mài ra từ một trái tim son như vậy?”2.            
Mới đó mà đã hơn mười năm trời ông rời xa chúng ta!
Không vào chiến khu sau thời gian hoạt động nội thành Sài Gòn như Viễn Phương, nhưng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, nhà văn thế hệ tiền chiến Thẩm Thệ Hà đã từng tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu đất nước độc lập. Từ năm 1945 đến năm 1952, ông hoạt động trong Ban Điệp báo Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định sát cánh cùng với Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Nam Quốc Cang… và từ năm 1953 đến năm 1975, trong Ban Văn - Báo - Giáo Sài Gòn, bám trụ lâu dài trên vùng đất trung tâm đầu não này. Trong lòng Sài Gòn tạm chiếm đầy hiểm nguy luôn rình rập, với danh nghĩa một giáo sư trung học, ông đã tham gia giảng dạy nhiều trường trung học công lập và tư thục, nhất là các trường tư, trong suốt một thời gian dài từ 1952 đến 1975. Nhờ vỏ bọc kín đáo và hợp pháp này, Thẩm Thệ Hà có điều kiện hoạt động bền bỉ và hiệu quả trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Năm 1949, cùng với Vũ Anh Khanh, ông sáng lập Nhà xuất bản Tân Việt Nam nổi tiếng vì đã xuất bản nhiều tác phẩm cổ vũ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Trong thời kì chống Mĩ, ông cùng với cây bút Tô Nguyệt Đình (tức Nguyễn Bảo Hóa) sáng lập Nhà xuất bản Lá Dâu (1965) làm cơ sở xuất bản những tác phẩm yêu nước, ủng hộ phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước của nhân dân Sài Gòn.
Cũng như Viễn Phương, thành tựu văn học của Thẩm Thệ Hà ở cả hai mảng thơ và văn xuôi. Nhưng để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả trong lòng người đọc là những tiểu thuyết và truyện ngắn. Ông là tác giả của bảy quyển tiểu thuyết được bạn đọc đương thời yêu chuộng và hoan nghênh như Vó ngựa cầu thu (Tân Việt, 1949), Gió biên thùy (Tân Việt, 1949), Người yêu nước (Tân Việt Nam, 1949), Lưu động (1950), Đời tươi thắm (Lá Dâu, 1956), Hoa trinh nữ (Sống Mới, 1957), Bạc áo hào hoa (Miền Nam, 1969), cùng nhiều truyện ngắn đăng báo như Ai nghe lòng đất quặn đau, Thằng đưa đám... Về chính luận, Thẩm Thệ Hà có tác phẩm Việt Nam trên đường cách mạng tân văn hóa (Tân Việt Nam, 1950). Là một nhà giáo thông thạo ngoại ngữ, Thẩm Thệ Hà còn tham gia dịch những tác phẩm như Mũi tên đen (The Black Arrow, tiểu thuyết của R.L. Stevenson) (Sống Mới, 1965), Con đường cứu nước (Maroussia, tiểu thuyết của P.J. Stahl) (Nam Việt, 1947), 1001 truyện ngắn hay nhất thế giới (Sống Mới, 1969), cùng 14 cuốn truyện thiếu nhi như Bài học thương nhau, Con chim xanh, Tiểu anh hùng, Tàn giấc mơ tiên, Thần điểu và Hoa Hồng, Thiên tài lạc lối… do các nhà xuất bản Sách Hồng, Sống Mới, Tuổi Thơ, Khai Trí lần lượt ấn hành từ năm 1968 đến 1971. Sau năm 1975, ông viết cho các báo và tạp chí như: Văn, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Bách khoa, Văn học, Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, Hoa cảnh, Nguyệt san Giác ngộ, Sài Gòn giải phóng thứ Bảy.
Đọc lại những tiểu thuyết của Thẩm Thệ Hà, người đọc có thể nhận ra chủ đề tập trung và nhất quán, đó là sự trăn trở tìm đến với lý tưởng cứu nước của nhiều thanh niên, trong bối cảnh miền Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Người yêu nước được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện những trăn trở đó của nhà văn. Thời gian qua đi, độc giả có thể nhận ra những nhược điểm về phương diện xây dựng hình tượng nghệ thuật, cách thức trần thuật…, nhưng những nhân vật chính của truyện như Vũ, Bão, Phượng vẫn còn nguyên đó sức hấp dẫn với người đọc, nhất là thanh niên, về những con người trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, luôn nghĩ đến trách nhiệm của mình trước vận mệnh Tổ Quốc và nhân dân.
Trước đây, đến thăm nhà văn vào lúc tuổi già sức yếu trong căn nhà nhỏ ở một hẻm nhỏ đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP. Hồ Chí Minh, tôi càng hiểu hơn nếp sống thanh bạch, giản dị của một nhà giáo, “một cây bút khả kính” (Trần Hữu Tá), một “người yêu nước”, một trong những tình báo cách mạng kiên cường đã từng sống và hoạt động bí mật ngay giữa lòng Sài Gòn tạm chiếm đầy hiểm nguy; càng thêm khâm phục tấm lòng nặng tình với đất nước và dân tộc khi hằng ngày ông vẫn cần mẫn đọc và viết, dù đôi mắt từ lâu đã mờ nhòe! Ông ra đi để lại niềm tiếc thương của biết bao bạn đọc yêu quí ông qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ hào hùng.
Viết thêm về một số nhà văn khác trong dòng văn học yêu nước vùng đô thị miền Nam (1954-1975), tôi càng nhận ra sự mất mát cùng những khoảng trống mà các nhà văn này đã để lại.
Với Nguyễn Văn Xuân, từ lâu ông được độc giả xem là cuốn tự điển sống, một loại “văn bản gốc” của Quảng Nam, Đà Nẵng. Quê hương ông xưa là vùng đất của Dinh trấn Quảng Nam, thủ phủ của xứ Đàng Trong. Từ trước năm 1945, Nguyễn Văn Xuân đã cầm bút sáng tác. Ngày giỗ cha (26/6/1943) và Ngày cuối năm trên đảo (1/1945) đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy là những truyện ngắn sớm được bạn đọc biết đến. Ông còn gửi đăng nhiều truyện ngắn trên các tờ báo chí khác như Bạn Dân, Thế Giới, Mới, Văn Lang… ở Hà Nội và từng được giải thưởng. Những năm 60 của thế kỉ trước, tiểu thuyết Bão rừng (Trùng Dương, 1957) và quyển khảo luận Khi những lưu dân trở lại (Thời Mới, 1969) đã gây nên tiếng vang trong đời sống văn học miền Nam. Những tờ báo chí ở Sài Gòn như Bách Khoa, Mai, Văn, Tin Văn, Tân Văn… cũng đăng nhiều truyện ngắn và bài phê bình văn học của ông. Hai tập Hương máu (Trường Sơn, 1969) và Dịch cát (Trí Đăng, 1973) là tập hợp những truyện ngắn đăng báo trước đó. Những tác phẩm khác như Phong trào Duy Tân, Ngô Đình Diệm - ông là ai? (đã thất lạc bản thảo), Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc còn cho thấy những đóng góp xuất sắc của ông trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử và văn học. Ngoài ra, ông còn ra sức nghiên cứu nghệ thuật tuồng, góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc. Bên cạnh lao động văn chương, Nguyễn Văn Xuân còn là một nhà giáo tâm huyết từng giảng dạy nhiều năm ở một số trường trung học và đại học ở Đà Nẵng và Huế. Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu văn hóa, lịch sử địa phương, sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, cộng tác với rất nhiều báo chí trong Nam, ngoài Bắc. Năm 2003, ông được trao giải A về Văn học nghệ thuật với tiểu thuyết lịch sử Kỳ nữ họ Tống viết về cuộc đời nhân vật nữ Tống Thị, vợ của Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ (…-1631), con trai trưởng chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635). Tác phẩm đã cung cấp cho người đọc những tư liệu chính sử cùng nhiều điều lý thú về đất và người Điện Bàn nói riêng, Quảng Nam nói chung.
Thật không nhiều những nhà văn say sưa với lịch sử địa phương như Nguyễn Văn Xuân. Hương máu là tập truyện ngắn đã tái hiện sinh động hiện thực chiến đấu anh dũng và đau thương của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX ở ba tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, cùng tên tuổi những lãnh tụ Nghĩa Hội như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Hồ Học, Tú Bính… Phong trào Duy Tân là biên khảo lịch sử công phu và đầy tâm huyết của nhà văn về sự xuất hiện của một phong trào nổi lên hàng đầu trong các cuộc vận động Tân Văn hóa, Tân Sinh hoạt đầu thế kỉ XX. Khởi phát từ đất Quảng, nó được phát động rầm rộ sang các tỉnh miền Trung khác và lan ra cả nước. Phong trào ấy nêu cao dân quyền, chủ trương phát triển ngành nghề, đẩy mạnh khai hoang, tăng gia sản xuất, khuếch trương thương mại, cải cách giáo dục, lấy quốc ngữ làm chuyên ngữ, đề cao khoa học tiên tiến. Qua các tác phẩm trên, Nguyễn Văn Xuân không chỉ góp phần làm sống lại diện mạo của những phong trào yêu nước nổi bật trong quá khứ, mà còn giúp cho thế hệ sau những bài học rút ra từ những thành công hay thất bại của người xưa để thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Một nhà văn tuổi vào xế chiều vẫn khôn nguôi ôm ấp những công trình nghiên cứu văn hóa - lịch sử đòi hỏi nhiều công sức. Thế nhưng, cuộc sống thường nhật của một lão ông ngoài tám mươi vẫn là trụ cột lao động chính của gia đình, thật chẳng dễ dàng chút nào! Và rồi, ông cũng đã ra đi…
Gắn bó máu thịt với vùng đất và con người như Nguyễn văn Xuân, với hơn nửa thế kỉ sáng tác, văn chương của “nhà Nam Bộ học” Sơn Nam không chỉ đem lại sự giải trí hấp dẫn mà còn là những trang khảo cứu, khám phá rất có giá trị về vùng đất mới và con người phương Nam. Nghe nhà văn nói về sinh quán, bút hiệu của mình thật thú vị. Vốn cha mẹ đặt tên cho ông là Phạm Minh Tài, nhưng làng xã xưa kia ghi lộn “i” thành “y”. Ông sinh ra ở làng Đông Thái, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang), một nơi có nhiều người dân Khmer sinh sống. Lúc nhỏ, mẹ ông không đủ sữa, nên đã gửi ông bú nhờ một bà mẹ Khmer tốt bụng. Lớn lên viết văn, để nhớ ơn bà, ông đặt bút hiệu từ tên một họ lớn của người Khmer: “Sơn”; còn “Nam” là để nhắc nhớ người phương Nam, Nam Bộ.
Tương tự Nguyễn Văn Xuân với xứ Quảng, độc giả từ lâu đã xem Sơn Nam như một pho tự điển sống về con người và văn hóa Nam Bộ. Cả hai ông có thể xem là những đại biểu ưu tú nhất của hai vùng văn hóa: văn hóa duyên hải Nam Trung Bộ và văn hóa Nam Bộ. Đam mê nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa dân gian, bước chân Sơn Nam đã đi khắp mọi miền đất Nam Bộ, tận mắt nhìn thấy bao tính cách con người từng được văn chương yêu nước giai đoạn trước khắc họa: khẳng khái, ngoan cường, trọng nghĩa nhân, giàu tinh thần dân tộc. Sau khi tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn xứ ủy Nam Bộ, từ năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo Nhân Loại, Công Lý, Ánh Sáng, Tiếng Chuông, Lẽ Sống... Năm 1960 - 1961, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về văn hóa Nam Bộ đến cuối đời.
Dùng ngòi bút khéo léo tác động vào tình cảm yêu nước, tinh thần dân tộc ở người đọc, Sơn Nam thường kể chuyện khẩn hoang, chống điền chủ, chống thực dân Pháp, từ đó, kín đáo gợi lên những vấn đề bức xúc của xã hội miền Nam trước đây. Đúng như tâm nguyện của ông: “Viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác!”. Những chất liệu đời sống có được từ cả một cuộc đời rong ruổi cảm nhận, sưu tầm, tích lũy không chỉ được ông sử dụng trong sáng tạo văn chương mà còn được dùng trong các khảo cứu chuyên sâu, hay miêu tả các hiện tượng văn hóa đặc sắc, độc đáo. Cuộc đời Sơn Nam chính là bài học mẫu mực về sự tích tụ văn hóa cho quá trình sáng tạo nghệ thuật lâu dài. Sự nghiệp văn chương đồ sộ của ông để lại với nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, biên khảo, bút kí, hồi kí. Hàng loạt tác phẩm như: Hương rừng Cà Mau, Chim quyên xuống đất, Hình bóng cũ, Vọc nước giỡn trăng, Vạch một chân trời, Biển cỏ miền Tây, Bà chúa Hòn, Ngôi nhà mặt tiền, Một mảnh tình riêng, Dạo chơi... cùng các công trình: Chuyện xưa tích cũ, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn, Đất Gia Ðịnh xưa, Bến Nghé xưa, Thiên Ðịa hội và cuộc Minh Tân, Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam, Người Sài Gòn, Cá tính miền Nam... đã đưa tên tuổi Sơn Nam vượt ra ngoài biên giới đất nước. Còn nhớ truyện ngắn Mùa len trâu của ông từng được chuyển thể tác phẩm điện ảnh cùng tên do Nguyễn Võ Nghiêm Minh đạo diễn, đã gây tiếng vang, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải Bông Sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XV, 2007; giải Đặc biệt của Ban Giám khảo trẻ tại Liên hoan phim Locarno, Thụy Sĩ, 2004; giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) của Liên hoan phim Amiens, Pháp, 2004; giải Đặc biệt của Liên hoan phim Amazonas, Brazil, 2004; giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cape Town, Nam Phi, 2005… Bộ phim là bức tranh chân thực về vẻ đẹp của đất và người phương Nam những thập niên đầu thế kỉ XX.
Có thể nói, muốn tìm hiểu “văn hóa miệt vườn” Nam Bộ không thể không đọc Sơn Nam. Văn chương của ông cũng như con người ông vậy: một giọng văn thẳng tuột, bình dân, nhưng uyên bác, thân tình. Nhiều lần tiếp xúc, nhất là lần đầu, tôi cũng như nhiều bạn đọc khác rất ấn tượng về vẻ mộc mạc, giản dị, thanh bạch, nhân nghĩa, thấm đẫm văn hóa vùng đất đã hun đúc nên văn tài của ông. Những ngày bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ rồi ngồi xe lăn đối với “Ông già đi bộ”, “Ông già Ba Tri”, “Ông già Nam Bộ”, “Nhà văn chân đất” thật bức bối, buồn bã. Kể từ đó, ông không thể thực hiện được nữa thói quen mỗi sáng bắt xe ôm từ một con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh để đến Nhà Truyền thống P.7, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, nhâm nhi li cà phê đen ở cái quán đối diện bên kia đường, bắt đầu cho một ngày giao lưu, học hỏi, thâm nhập thực tế và viết lách. Ở cái tuổi ngoài tám mươi, vóc dáng hom hem, sức khỏe mong manh, cuối cùng ông đành phải chịu thua số phận. Sơn Nam mất đi là một tổn thất lớn lao cho văn học miền Nam và cả nước.
Cách nay gần hai năm, ngày 08/12/2015, độc giả tiếp tục chứng kiến sự ra đi vì tuổi già sức yếu của một cây bút giản dị, uyên bác mà thâm trầm, “cây cổ thụ của văn học Nam Bộ” (Ngô Thảo) thời kì hiện đại - Trang Thế Hy3. Ông là nhà văn gốc Châu Thành, Bến Tre, sinh ngày 29/10/1924, từng tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945 tại quê hương. Sau năm 1954, ông hoạt động “nằm vùng” ngay trong lòng thành phố Sài Gòn bị địch chiếm đóng với đủ các vỏ bọc nghề nghiệp khác nhau từ phụ xe, soát vé xe đò, thủ kho, đến dạy kèm học trò, thư ký hãng buôn, kế toán, sửa bản in... Năm 1962, do có người khai báo, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam. Năm 1964, ông thoát li vào vùng kháng chiến sau gần mười năm sống lăn lộn trong những xóm lao động nghèo. Sau ngày đất nước thống nhất, ông sinh hoạt văn nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, làm biên tập viên báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1992, rời Sài Gòn “đi chỗ khác chơi” (cách nói của ông), Trang Thế Hy lui về ẩn cư ở quê nhà xã Hữu Định (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho đến khi qua đời.
Tác phẩm chính của Trang Thế Hy gồm các tập: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Anh Thơm râu rồng (in chung, 1965), Mưa ấm (1981, 2014), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989, 2011), Tiếng khóc và tiếng hát (1993, 2014), Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001, 2014), Truyện ngắn Trang Thế Hy (2006)…, trước sau tập hợp khoảng 65 truyện ngắn. Ngoài ra, ông còn có một tập thơ in ở tuổi 85: Đắng và Ngọt (2009, 2014), hai tiểu thuyết: Hoa tình chỉ nở một lần, Nét buồn bạc mệnh. Trang Thế Hy từng được Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng, tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 cho tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát, tặng thưởng loại A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2001 cho tập truyện Nợ nước mắt.
Hơn năm mươi năm cầm bút, số lượng sáng tác ấy của Trang Thế Hy quả là không nhiều. Tuy vậy, trong lĩnh vực sáng tạo văn chương, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tên tuổi Trang Thế Hy vẫn được đông đảo độc giả biết đến và đánh giá cao. Có lẽ, những nhân vật mà người đọc khó có thể quên được khi tiếp nhận những truyện ngắn của ông, đó là Hứa Lệ Mai (Nguồn cảm mới), Bông (Áo lụa giồng), anh Thơm (Anh Thơm râu rồng), chị Ba Hường (Nợ nước mắt)…
Nói về Trang Thế Hy là nói về một tài năng và nhân cách Nam Bộ độc đáo. Ở ông, sự nhất quán giữa con người và trang viết, giữa nhân cách và tài năng, giữa những vấn đề của cuộc sống nhân sinh và ý thức về sứ mệnh của người nghệ sĩ luôn là nỗi niềm đau đáu, suốt cuộc đời ông mải lo nghĩ. Nhà văn từng tự nhủ: “Bắt đầu viết (cũng như trong cuộc đời), ngồi trước trang giấy, tôi luôn căn dặn mình rằng, đừng giả vờ yêu mến những gì mà mình không yêu mến hoặc chưa kịp yêu mến”4; “phải lắng nghe cho được ngôn ngữ lặng thầm của những người đau khổ biết nói mà làm thinh không nói”, và “người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”5. Chính quan niệm nghệ thuật đó đã hướng ngòi bút của ông đến thế giới của những con người nghèo khổ, bất hạnh, nhưng có nhiều phẩm chất đáng quý trọng, một tấm lòng tri âm của ông đối với những kiếp đời thống khổ, đáng thương.
Từ tập truyện ngắn đầu tiên và duy nhất Nắng đẹp miền quê ngoại (1964) xuất bản trong lòng đô thị Sài Gòn trước khi ra vùng giải phóng đến Nợ nước mắt (2014) - một trong ba tập truyện được Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, in mừng thọ ông 90 tuổi - người đọc có thể tìm thấy từ những câu chuyện bình dị trong đời thường cũng như trong cuộc sống đấu tranh là những nhân cách đẹp đẽ không hề đổi thay trong nghịch cảnh, là đạo lí thủy chung, tấm lòng hướng thiện cần có ở mỗi người, là triết lí sống cao đẹp mà bình dị dựa vào nhân nghĩa, là những trăn trở về nhân cách của người cầm bút, là khát vọng sáng tạo chân chính của người nghệ sĩ… Nguyên Ngọc đã ngợi ca chân dung cô gái Hứa Lệ Mai trinh trắng mà mãnh liệt trong truyện ngắn Nguồn cảm mới “hiện lên sáng tỏa như một liệt nữ… những liệt nữ ở chốn bùn đen”6, còn Trần Hữu Tá thì xem truyện ngắn Tiếng hát và tiếng khóc “có thể coi như một tuyên ngôn nghệ thuật của ông”7. Cứ thế, dù viết về đề tài gì, bất luận người đọc thuộc tầng lớp nào, cũng đều rút ra được từ tác phẩm của Trang Thế Hy những bài học quí giá và tinh tế từ cuộc sống. Độc giả yêu mến ông không chỉ vì sự sắc sảo, thâm trầm, khẳng khái của một cá tính, một phong cách, mà còn ở sự uyên bác, tài hoa, tỉ mẩn của một ngòi bút luôn nêu cao tính nghiêm cẩn và dụng công.
3.   “Thế hệ vàng” của dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1975) đã ghi nhận sự có mặt nhiều cây bút nổi tiếng như Sơn Nam, Vũ Hạnh, Bình Nguyên Lộc, Tô Nguyệt Đình, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Trang Thế Hy… Hầu hết trong số họ, lần lượt đã trở thành “người thiên cổ”!
Là dòng văn học có nhiều đóng góp, được khẳng định qua thời gian, văn học yêu nước đô thị miền Nam (1954-1975) đã cùng với văn học cách mạng miền Bắc và văn học giải phóng miền Nam làm nên bức tranh chung của văn học Việt Nam trong ba thập niên khói lửa chiến tranh chống xâm lược. Sự ra đi của nhiều nhà văn tên tuổi trong mấy năm gần đây, càng thôi thúc những ai có tâm huyết với văn học miền Nam trước năm 1975 cần sớm có được nhiều hơn nữa những công trình nghiên cứu về thành tựu của dòng văn học này, góp phần làm cho diện mạo của văn học Việt Nam trở nên sáng rõ và toàn diện hơn. 
________________
               Chú thích:       
1, 2 Trần Thanh Đạm, “Lời bạt: Những câu thơ hồng mài ra từ một trái tim son”, Gió lay hương quỳnh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr. 201-202, 203.
3 Ngoài bút danh Trang Thế Hy, nhà văn còn có các bút danh khác như: Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Minh Phẩm, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm, Song Diệp, Phạm Võ.
4 Cao Xuân Sơn (tuyển chọn), Đi chỗ khác chơi, Tài liệu lưu hành nội bộ mừng nhà văn Trang Thế Hy 80 tuổi, 2004, tr. 37.
5 Trang Thế Hy, “Tiếng hát và tiếng khóc”, Truyện ngắn Trang Thế Hy, NXB Văn hóa Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, 2006, tr. 450. 
6 Nguyên Ngọc, “Người hiền của văn chương Nam Bộ”, Truyện ngắn Trang Thế Hy, NXB Văn hóa Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, 2006, tr. 9. 
7 Trần Hữu Tá, “Trang Thế Hy”, Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội, 2004, tr. 1768.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét