Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

VŨ HẠNH, NHÀ VĂN - NHÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA LỊCH DUYỆT, TÂM HUYẾT VÀ TÀI NĂNG


                                                                                                                   TS. Phạm Thanh Hùng
                                                                                                                (Trường Đại học An Giang)

            Được dịp đối thoại với nhà văn, nhà hoạt động văn hóa Vũ Hạnh, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự lịch duyệt, tấm lòng nhiệt thành và tài năng toát ra từ con người ông. Với phong thái nhanh nhẹn, sự hóm hỉnh, sôi nổi, chân tình trong trò chuyện, ông như trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi vượt quá cửu tuần của mình. Cách nay gần hai năm, sáng ngày 31/7/2015, trong buổi lễ mừng nhà văn Vũ Hạnh thượng thọ 90 tuổi do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, một nữ hội viên giấu tên đã xúc cảm đọc bốn câu thơ, trong đó có nhắc đến một số trong nhiều tác phẩm có giá trị của ông:
Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngày Vượt thác
Bút máu chưa khô tim vẫn rực Lửa rừng
Chín mươi mùa xuân - Một chặng đường bút mực
Chất ngọc dâng đời giá trị sống của cha ông
.(1)
            Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926, trong một gia đình trí thức Nho học yêu nước. Quê gốc của ông ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh ông là một nhà nho, nổi tiếng giàu có một thời, từng tham gia chống Pháp trong phong trào Duy Tân ở Trung kì. Từ xưa, đất và người Quảng Nam được xem là “địa linh nhân kiệt”, là một trong những nơi tiêu biểu về truyền thống văn hóa, yêu nước và hiếu học của nhân dân ta. Ông là cháu ngoại của một trong “Ngũ phụng tề phi”(2) đất Quảng Nam, Tiến sĩ Phan Quang. Nhưng chiến tranh cùng nghịch cảnh gia đình đã khiến tuổi thơ ông phải lăn lộn trong những tháng năm khổ cực. Là người đi nhiều, từng gắn bó với biết bao vùng đất và con người khác nhau, trải qua nhiều chế độ xã hội, vốn sống của ông nhờ vậy rất dồi dào, phong phú. Sự lịch duyệt, từng trải là một trong những lí do chính giải thích vì sao nhà văn có được sự đa dạng trong đề tài, thể loại và bút pháp sáng tác.
            Thuở nhỏ ông học ở quê, lớn lên theo học ban Tú tài ở Huế, sớm yêu thích văn chương. Được trực tiếp theo học những người thầy tài năng và nhân cách lớn như Cao Xuân Huy, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Đoàn Phú Tứ… tinh thần phản kháng thực dân đế quốc cùng niềm say mê cầm bút trong ông như được tiếp thêm sức mạnh. Gần gũi và chứng kiến bao cảnh đời lớn nhỏ khác nhau, từ thời đi học ông đã bắt đầu ghi lại những cảm xúc của mình bằng thơ và gửi đăng trên báo Sông Hương (Huế, 1944). Thi đậu tú tài I, chuẩn bị thi tú tài II thì Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), từ Huế ông bỏ học theo đường biển về quê gia nhập Mặt trận Việt Minh, hoạt động trong Đội Võ trang tuyên truyền và tham gia khởi nghĩa ở địa phương. Kháng chiến chống Pháp, ông thành lập và làm trưởng đoàn kiêm soạn giả, đạo diễn, diễn viên chính Đoàn Kịch kháng chiến Thăng Bình, sáng tác các kịch bản như Người chủ tiệm, Một giấc chiêm bao, Thưa biết rồi ạ! và trở thành giáo viên dạy Việt văn ở các trường trung học Quế Châu, Thăng Bình, Phan Châu Trinh. Từ năm 1953 đến ngày hòa bình lập lại (1954), ông tham gia Đoàn Văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V phục vụ chiến trường Tây Nguyên. Những năm tháng cực kì gian khổ cùng đoàn đã tích lũy cho ông vốn sống quí báu để sau này bắt tay vào viết mảng truyện “đường rừng” (như truyện ngắn Cái Tết giữa rừng, các truyện dài Lửa rừng hay Truyện nàng Y Kla, Cô gái Xà Niêng…). Giữa năm 1955, ông bị chính quyền địa phương bắt giam vào nhà lao quận Thăng Bình vì hai tội trạng: “lãnh đạo cuộc biểu tình đòi hiệp thương hai miền Nam Bắc và tổ chức làm giấy tờ để một số cán bộ ở lại miền Nam có phương tiện hợp pháp mà đi lại”(3). Trong hồi kí Một chặng đường bút mực, nhà văn đã có kể:
Sau mấy tháng chịu tra tấn khá ác liệt, tôi bị còng tay đưa ra lao xá Hội An để chờ ngày an trí tại Côn Đảo. Lợi dụng sự mâu thuẫn gay gắt giữa quận trưởng và chi trưởng công an Thăng Bình, tôi được tự do vào cuối năm 1956, vội chạy gấp vào Sài Gòn chọn báo chí làm phương tiện để tiếp tục đấu tranh. Kế hoạch thoát khỏi lao tù lần này, tôi đã thuật lại trong hồi kí Cái tết nhớ đời đăng trên đặc san Công an Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1999. (4)
Vào Sài Gòn, sau khoảng một năm tiếp xúc với báo chí ở đây qua các bút hiệu Minh Hữu, Nguyên Phủ... ông chọn Bách Khoa, một tạp chí tập trung nhiều trí thức lớn của chế độ được xem là đứng đắn và uy tín nhất, làm mảnh đất chính và dành nhiều tâm huyết cho việc thể hiện ngòi bút của mình. Người đọc thời kì này dần quen thuộc với những truyện của nhà văn có bút danh Vũ Hạnh(5) như: Giọt nước mắt trên dương cầm, Miếng thịt vịt, Một chuyến xe, Tiếng khóc dưới chân pháo đài, Bút máu, Một cái tết trong rừng, Mối thù của Khoan Ray, Ổ ong rừng, Người nữ tỳ, Cuôi ba-dùm, Mùa xuân trên đỉnh non cao, Lòng suối, Con Tư Diêm... Bên cạnh đó, nhiều bài tiểu luận, phê bình văn học kí bút danh Cô Phương Thảo(6) đã kịp thời phê phán hầu hết những cây bút nòng cốt của chế độ cũ như Vũ Khắc Khoan với Thành Cát Tư Hãn, Đỗ Thúc Vịnh với Dì Mơ, Mặc Đỗ với Siu cô nương, Nhất Linh với Dòng sông Thanh Thủy, Ngô Duy Cần với Thuật yêu đương... ; ở mục “Điểm sách” có đề cập đến Cô gái xóm nghèo của Phan Du, Kí thác của Bình Nguyên Lộc..., chưa kể những bài tổng kết tình hình văn học hằng năm đã gián tiếp giúp cho vùng giải phóng có thêm cái nhìn tổng quát về hoạt động văn nghệ nội thành.
Cần nói thêm về Bút máu, truyện ngắn tâm đắc và rất nổi tiếng được nhà văn viết xong tháng 12/1958, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa số 49, ra ngày 15/01/1959. Thật bất ngờ, không bao lâu sau khi Sài Gòn đăng tải, ngoài Bắc in lại truyện này. Tác phẩm theo lời tác giả, là một tuyên ngôn, trước hết với chính mình, đồng thời để phản ứng lại đội ngũ bồi bút đông đảo thời bấy giờ. Trong truyện, hình tượng Lương Sinh đã gây nên ấn tượng thật mạnh mẽ đối với tâm hồn và tình cảm người đọc. Đó là một danh sĩ tài hoa, căn tạng vốn yếu đuối, thường sống trong ảo tưởng, mê sắc đẹp, say vật chất, thích khen tặng, bị quan Tổng trấn họ Lí ở địa phương lợi dụng để tán dương “công đức” của y. Thời gian qua đi, Sinh cứ ngỡ mình làm việc phải, nhưng thật ra là chưa phân biệt được rõ ràng giả, chân, thiện, ác. Lúc lâm bệnh nặng, “ngoài nỗi bệnh tật giày vò, Sinh còn bị nỗi băn khoăn sáng tạo hành hạ”. Song, vừa cầm bút thì nghiên mực bỗng nhiên đỏ tươi sắc máu, thử chấm bút vào lăn tròn đưa lên thì từng giọt, từng giọt thắm hồng nhỏ xuống như rỉ chảy từ tim... Khiếp đảm, sững sờ, tâm thần thác loạn! Đến khi tận mắt chứng kiến thảm trạng cuộc sống đói rách, tiêu điều của những người nông dân cùng nỗi uất hận của bao sinh linh, Sinh mới vỡ lẽ, lòng hối hận khôn cùng! Thật đúng như lời người cậu đã từng chỉ dạy chàng, khi chứng kiến cảnh cháu mình lâm trọng bệnh:
- Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác nhưng mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi. Làm cho người gái lớn lên băn khoăn sầu muộn, làm cho trai trẻ đang hăng khinh bạc, hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên ái tình, khêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đau khổ tha nhân, hát trên bi cảnh đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lí, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo? Tội ác văn chương xưa nay nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy Thiên Sơn?(7)
            Thiết nghĩ, những lời trên đây không chỉ dành riêng cho tác giả luôn tự thức tỉnh mình, mà còn xứng đáng là lời tâm niệm thường xuyên về thiên chức cao quí của người cầm bút ở mọi thời, mọi lúc.
Vừa dạy học tư để kiếm sống, vừa tích cực hoạt động cách mạng ở nội thành bằng ngòi bút, năm 1960, ông gia nhập Hội Nhà báo yêu nước của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với bí danh Hoàng Thanh Kỳ(8). Hăm hở chào mừng sự ra đời của Mặt trận, bằng sự dũng cảm của một ngòi bút sống và viết trong lòng địch, đồng thời phải “lách” cho được sự kiểm duyệt gắt gao của chế độ Ngô Đình Diệm, ông mượn bối cảnh núi rừng Tây Nguyên viết một truyện đăng nhiều kì trên tuần báo Mai ngay từ số 1, ra ngày 10/7/1960, nói lên tinh thần bất khuất của các dân tộc đoàn kết chống xâm lược và giành thắng lợi cuối cùng. Đó là truyện dài Lửa rừng hay Truyện nàng Y Kla mà hơn mười năm sau mới in thành sách và đã tái bản nhiều lần.
Theo chỉ thị của cấp trên phải hoạt động đấu tranh trong nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nội thành, ông gia nhập Trung tâm Văn Bút (Pen Club), một tổ chức có hệ thống quốc tế, từ những ngày đầu mới thành lập ở Sài Gòn. Nhiều lần ông diễn thuyết ở Trung tâm. Đa số các bài thuyết trình này đều đăng trên tạp chí Bách Khoa.
 Ở miền Nam, những năm cuối thời Ngô Đình Diệm, trước thực trạng thị trường sách “võ hiệp kì tình” mang đậm tính cách cá nhân chủ nghĩa, tuyên truyền cho bạo lực, hoang đường xâm nhập ngày càng nhiều vào đời sống tâm hồn giới trẻ, ông lấy bút danh Hoàng Thiên Lý viết một số truyện võ hiệp đăng trên tờ tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy và nhật báo Đất Tổ để phản ứng lại. Có thể kể ra đây những truyện như Bốn bể anh hùng, Anh hùng mặt sắt, Nữ hiệp kén chồng, Kiếm đao ba thước, Giang hồ ngàn năm...
Năm 1964, sau khi Diệm - Nhu bị lật đổ và bị giết (01/11/1963), chính phủ quân nhân Sài Gòn có triệu tập một cuộc họp các nhân vật đại biểu cho giới văn hóa để nghe Giáo sư Phạm Đình Ái, đại diện Văn phòng Phó Thủ tướng, trình bày Đề án tổ chức Đại hội Văn hóa và thành lập Viện Văn hóa Việt Nam. Chỉ mười ngày sau đó, trên tờ Bách Khoa số 178, ra ngày 01/6/1964, Vũ Hạnh đã viết một bài tiểu luận dài 17 trang “Vài nhận xét về đề án văn hóa của Giáo sư Phạm Đình Ái” nhằm đánh đổ đề án trên, đồng thời xóa tan quan điểm chỉ huy văn hóa và ý đồ lập Viện Văn hóa Việt Nam của chính quyền Sài Gòn. Xin dẫn một đoạn trong bài:
Quan niệm văn hóa chỉ huy và Viện Văn hóa đặt dưới Hội đồng Giám hộ gồm các Tổng Bộ trưởng là một lầm lẫn nguy hại. Sau khi chỉ trích văn hóa hiện thời thiếu hẳn tính chất tranh đấu vì không có một hướng đi, giáo sư họ Phạm nhận thấy cần phải chỉ huy văn hóa. Ông có an ủi chúng ta rằng chỉ huy này “chắc chắn là sẽ khác nhiều lề lối lãnh đạo độc đoán, chỉ dê nói nai, trong các nước độc tài phát-xít, dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa”.
Nghe nói như thế những người đa cảm có thể xúc động vì lời hứa hẹn có vẻ ngon lành. Nhưng người văn hóa, vốn thường đa nghi, có thể nhân đấy mà đặt vấn đề tìm hiểu. Và trong tìm hiểu, họ thấy quan niệm giáo sư còn những sai lầm.
 Bài tiểu luận tiếp tục chỉ ra năm lẽ sai lầm của người soạn thảo đề án. Cuối cùng, tác giả bài viết kết luận:
Tóm lại, giáo sư đã không nắm vững tình hình, lại không có một quan niệm cụ thể, sát đúng về bản chất văn hóa cùng những yêu cầu của xã hội ta, nên chỉ phác họa được những sai lầm. (9)
Tháng 3/1965, đế quốc Mĩ leo thang chiến tranh, bắt đầu ào ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Tháng 5/1965, theo lời khuyên và sự chỉ đạo của cấp trên, ông gấp rút hoàn thành quyển Người Việt cao quí chỉ trong một tuần lễ với tên tác giả là A. Pazzi, một cái tên Ý (âm đọc nghe tựa như “bất di”, ý nói bất di bất dịch, không thay đổi lập trường) để dễ dàng vượt qua lưỡi kéo kiểm duyệt và cũng để sự ca ngợi của người ngoại quốc đối với ta trở nên dễ nghe hơn. Tác phẩm gián tiếp đánh Mĩ này đã ngợi ca những đặc trưng về ngoại hình, tính cách và phẩm chất của con người Việt Nam như: “Đôi mắt và nụ cười của người Việt”, “Một căn bản tinh thần quí giá của người Việt Nam: óc thiết thực”, “Vẻ uyển chuyển và nét tế nhị của người Việt”, “Ý thức luân lí của người Việt”, “Tinh thần bất khuất của người dân Việt”. Do kịp thời thức tỉnh mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, nên lập tức tác phẩm đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt và rộng rãi của công chúng độc giả. Chỉ trong vài năm, sách đã được tái bản liên tiếp đến trên mười lần. Trong nhà lao, nhiều bạn tù cũng đã chuyền tay nhau đọc. Dưới đây là một đoạn viết về Nguyễn Đình Chiểu:
Người ta kể chuyện một nhà thơ Việt ở tại miền Nam là Nguyễn Đình Chiểu, mặc dầu vừa mù vừa điếc, vẫn đem sức tàn làm thơ chống giặc và viết sách để truyền bá luân lí, đạo đức cho dân tộc mình. Chính nhà thơ ấy, trong lúc đói nghèo, tàn tật, vẫn không chịu nhận món tiền do bọn thực dân tặng cấp. Đặc biệt hơn nữa là suốt quãng đời khốn đốn của mình, ông Nguyễn Đình Chiểu chỉ giặt quần áo bằng thứ nước tro chứ không chịu dùng xà phòng mà ông cho là thứ sản phẩm của giặc. Ông cũng không chịu đi trên con đường quốc lộ mà ông cho là công trình xây đắp của bọn thực dân, và phải băng đồng lội ruộng thật là vất vả, mỗi khi xê dịch. Đấy là một câu chuyện thực nói lên ý thức luân lí cố chấp của một sĩ phu, nhưng xét cho cùng, trong đó có cái lí tưởng căm thù những kẻ xâm lược hết sức sâu xa, hết sức cảm động và cũng hết sức lớn lao, trở thành một sự khuyến cáo khó lòng phai nhạt đối với bao nhiêu thế hệ đến sau. Những thứ tinh thần cứng rắn như thế không thể đem ra phẩm bình hời hợt bằng một con mắt bàng quan, và xem là một thái độ bảo thủ lỗi thời.(10)
Cùng năm này, hưởng ứng miền Bắc kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, ông cho in thành sách những bài viết và bài diễn thuyết về Truyện Kiều của Nguyễn Du trong quyển Đọc lại Truyện Kiều như: “Hai nàng Thúy Kiều”, “Đôi mắt nàng Vân, nàng Kiều”, “Đứa con nàng Kiều”, “Từ Hải, sự lỡ tay của thiên tài”, “Tính cách phi thường trong con người bình thường Thúy Kiều”, “Khách viễn phương, người là ai?”, “Những khuôn mặt tình yêu trong Truyện Kiều”, “Trường hợp hai Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh”. Quyển tiểu luận đã đưa ra nhiều nhận xét đánh giá xác đáng, giàu chất suy nghĩ của tác giả, chẳng hạn khi so sánh mối liên hệ giữa Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Vấn đề chính yếu là giá trị nghệ thuật, là khả năng sáng tạo. Từ những chất liệu sần sùi, thô vụng, Nguyễn Du đã làm nên một kiệt tác, và trên dặm dài bất tử của Người, thỉnh thoảng chúng ta nghe nhắc đến một tác giả - Thanh Tâm Tài Tử - và một tác phẩm – Kim Vân Kiều truyện. Không có Nguyễn Du, tác giả và tác phẩm ấy từ lâu đã bị vùi trong băng tuyết thời gian.(11)
Khép lại trang sách cuối cùng, người đọc thật sự đã tìm thấy thêm nhiều điều thú vị, hấp dẫn về một tác phẩm cổ điển của dân tộc ta, qua sự cảm thụ tinh tế của một ngòi bút phê bình tài hoa.
Ngoài việc gia nhập Trung tâm Văn Bút như đã đề cập ở trên, Vũ Hạnh còn giữ vai trò cốt cán trong Hội đồng Bảo vệ Thanh Thiếu Nhi và có chân trong Hội Bạn Trẻ Việt Nam, với cơ quan ngôn luận là tờ Hồn Trẻ. Thời gian này, ngoài viết bài đăng báo, ông lần lượt cho ra đời những tác phẩm hưởng ứng sinh hoạt của các tổ chức này như Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn
Năm 1966, ông được bầu làm Tổng Thư kí Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc, một tổ chức của những người yêu nước, tiến bộ được thành lập từ hàng trăm hội, đoàn văn hóa, văn nghệ nhằm mục đích đấu tranh gìn giữ các giá trị, bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam trước những hiện tượng văn hóa có hại, những khuynh hướng văn nghệ suy đồi, lai căn. Hoạt động của lực lượng ngay từ đầu đã có được một khí thế thật lớn lao, khiến các cơ quan bảo vệ chế độ hoang mang, và phải một thời gian sau chúng mới nghĩ ra cách đánh phá. Trên tờ Tin Văn, cơ quan ngôn luận công khai của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định do Nguyễn Ngọc Lương làm Chủ nhiệm, một tờ báo được sự ủng hộ của đông đảo trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh lúc bấy giờ, Vũ Hạnh viết Chín điểm trong văn nghệ. Sau đó, khi in thành sách, tác phẩm được đổi thành Tìm hiểu văn nghệ. Trong bối cảnh hoạt động văn học nghệ thuật mang đậm màu sắc thực dân mới ở xã hội miền Nam lúc bấy giờ, Tìm hiểu văn nghệ đã có một tác dụng đáng kể trong việc phổ biến quan điểm văn nghệ cách mạng và phê phán những hiện tượng văn nghệ tiêu cực của chế độ Sài Gòn. Cũng trên tờ Tin Văn, nhà văn lần lượt cho đăng truyện dài Lối xóm phản ánh đời sống xã hội bị tha hóa nặng nề từ khi Mĩ đưa quân sang, về sau truyện được trích đoạn in thành sách với nhan đề Người chồng thời đại.
Không để yên trước những hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc, chính quyền đã chỉ đạo cho công an, mật vụ theo dõi, bám sát, khủng bố tinh thần người đứng đầu, đồng thời cho mở chiến dịch vu cáo trên báo chí bởi ngòi bút thân chính Chu Tử. Đối phó với chúng, anh em trí thức, quần chúng sinh viên tiến bộ đã nhiệt tình ủng hộ và ra sức bảo vệ không chỉ cá nhân Vũ Hạnh, mà qua đó còn bảo vệ chính nghĩa của lực lượng. Truyện dài Cú đấm đăng trên nhật báo Tin Sáng (sau này in lại có tên là Tính sổ cuộc đời) được ông xây dựng từ nguyên mẫu có thật của một người bạn dạy học, đồng thời là một võ sĩ quyền Anh có hạng đã âm thầm, tự nguyện bảo vệ ông trong những cuộc họp do lực lượng tổ chức.
Khiếp sợ trước sự ủng hộ tích cực của đông đảo trí thức, sinh viên tiến bộ, kẻ địch đã bắt ông đưa vào trại giam Tân Hiệp cùng một số thành viên nòng cốt của lực lượng hòng phá hỏng tổ chức. Lần an trí này kéo dài trong ba năm chẵn. Nhờ sự vận động tích cực của Trung tâm Văn Bút và cũng do có sự mâu thuẫn gay gắt giữa những lãnh đạo chóp bu của chính quyền là Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, nên để tranh thủ quần chúng trí thức, năm 1970, họ đã trả tự do cho ông và vài người khác nữa.
Trong thời gian ở tù, được nghe kể câu chuyện thực tế từ bạn tù người dân tộc là Y Bang Ni-ê, sau khi ra tù, ông phát triển và nâng cao thêm để viết thành tiểu thuyết Cô gái Xà Niêng, ấn hành năm 1971. Cùng năm này, từ sự chỉ đạo của Khu ủy và những tác động tích cực do quyển Người Việt cao quí đem lại, Vũ Hạnh viết tiếp chủ đề về con người Sài Gòn. Tùy bút - tiểu luận Con người Sài Gòn ra đời, ban đầu định đăng dài ngày trên nhật báo Đại Dân Tộc, nhưng chỉ được vài chục kì, còn đang dở dang thì tác giả bị bắt vào tù lần thứ tư.
Rồi một lần nữa ông được ra khỏi nhà tù. Trước chủ trương của chính quyền Sài Gòn định bán công hóa các trường tư thục, Vũ Hạnh viết một phóng sự khá dài Trường tư hai mặt đăng trên nhật báo Dân Chủ. Tiếp tục đề cập đến mảng đề tài giáo dục, truyện Ngôi trường đi xuống đã nêu lên thực trạng suy đồi trong nền giáo dục miền Nam đương thời. 
Năm 1971, chính quyền Sài Gòn phát động phong trào “Về nguồn” kêu gọi mọi người quay về với những giá trị truyền thống của dân tộc. Đứng trước những hoạt động núp dưới chiêu bài văn hóa dân tộc nhưng thực chất là phi dân tộc, đầu cơ, ngụy tạo văn hóa, chỉ có lợi cho chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mĩ, ông viết bài “Văn hóa và mạo hóa” thuyết trình tại trụ sở Trung tâm Văn Bút - số 107 Đoàn Thị Điểm, Sài Gòn - sáng Chủ nhật 25/7/1971. Sau khi phân tích một cách sâu sắc những hoạt động mạo danh văn hóa có tác dụng nguy hại làm phá sản tinh thần dân tộc, tạo điều kiện tốt cho các thứ phế thải, rác rến của văn hóa ngoại lai xâm nhập, ông đã chỉ ra hai giải pháp phù hợp với hoạt động văn hóa lúc bấy giờ, đó là vừa tách rời, vừa phối hợp hoạt động văn hóa với hoạt động sinh kế. Bài thuyết trình có sức thuyết phục cao này sau đó đã được đăng lại trên tạp chí Bách Khoa số 350 và 351, tháng 8/1971.
Để góp thêm tiếng nói chống Mĩ, thời gian này Vũ Hạnh còn bắt tay vào dịch tập hồi kí Chuyện đời tôi của Charlie Chaplin, tác phẩm chứa đựng nhiều nỗi bất bình của ông vua hề với xã hội Mĩ, xứ sở của đạo đức giả mà ông đã từng sống và chiêm nghiệm.
Nhìn lại suốt thời kì chống Mĩ, Vũ Hạnh là cơ sở nội thành Sài Gòn với  nhiệm vụ chống văn hóa địch công khai trên văn đàn. Cấp trên chỉ định ông “đóng vai một người quốc gia có đôi chút tiến bộ(12). Để bảo vệ ông và bảo vệ tổ chức, ông được hoạt động đơn tuyến dưới sự lãnh đạo của Khu ủy ở vùng giải phóng, thông qua một cán bộ hoạt động bán công khai. Thỉnh thoảng, ông mới ra mật khu để học tập tình hình trong vài ngày. Từ 1957 đến 1975, chỉ riêng quá trình cộng tác với tạp chí Bách Khoa, vì những hoạt động “đã làm trên yêu cầu của Đảng(13) trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, bốn lần Vũ Hạnh lần lượt bị bỏ tù và tra tấn. Bị chế độ Sài Gòn bắt giam cả thảy năm lần (có lần bị giam đến ba năm), nhưng do ông công khai đấu tranh hợp pháp, lại đơn tuyến, nên chúng chỉ tập trung theo kiểu an trí chứ không đưa ra xét xử. Và tùy theo tình hình đấu tranh của quần chúng bên ngoài, nhiều lần kẻ địch buộc phải trả tự do cho ông.
Dù hoạt động trong sự kiềm kẹp chặt chẽ của kẻ thù, Vũ Hạnh luôn là một cây bút văn xuôi sung sức. Để giữ vững hoạt động đấu tranh văn hóa, văn học công khai của mình, ông thường dùng bút pháp biểu tượng, tượng trưng - mà ông gọi là “cổ điển” - để nói chuyện thực tại xã hội miền Nam bấy giờ. Lấy xưa để nói nay, tùy nội dung mà có một thể loại, một cách viết tương ứng - đó là vài biểu hiện nổi bật của phong cách văn xuôi Vũ Hạnh.
Thời kì chống Mĩ, ông là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận - phê bình văn học, xã hội - giáo dục được đăng tải trên báo chí, sau được tập hợp in thành sách. Đó là Vượt thác (tập truyện ngắn, 1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (tập truyện ngắn, 1964), Chất ngọc (tập truyện ngắn, 1964), Người Việt cao quí (tiểu luận, 1965 - sau Hiệp định Paris 1973 được đổi tên là Người Việt kì diệu), Đọc lại Truyện Kiều (tiều luận, 1966), Ngôi trường đi xuống (truyện dài, 1966), Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn (tiểu luận, 1966), Tìm hiểu văn nghệ (tiểu luận, 1970), Bút máu (tập truyện ngắn, 1971), Cú đấm (truyện dài, 1972), Người chồng thời đại (tập truyện ngắn, 1972), Lửa rừng hay Truyện nàng Y Kla (truyện dài, 1972), Con chó hào hùng (truyện dài, 1974), Cô gái Xà Niêng (truyện dài, 1974), Những người còn lại (truyện dài, 1974).
Cũng như nhiều nhà văn khác, sau ngày đất nước thống nhất, đề tài Vũ Hạnh thường chọn là cuộc sống đời thường với những vấn đề mới nảy sinh cần phải được lí giải và giải quyết. Những thành công trên phương diện bút pháp, thể loại, sự đa dạng ở đề tài, ngôi kể, giọng điệu vẫn tiếp tục phát huy trong những sáng tác của ông giai đoạn này như: Ăn Tết với một người điên (tập truyện ngắn, 1985), Cái Tết khó quên (hồi kí, 1990), Sông nước mênh mông (tập truyện ngắn, 1995), Hắc cẩu đại tặc (tập truyện, 1995), Một chặng đường bút mực (hồi kí, 2000), Vũ Hạnh tuyển tập (hai tập, 2015).   
Từ sau 30/4/1975, ông đã được bầu giữ các cương vị Tổng Thư kí Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Lí luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2007, Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2015.
Vũ Hạnh là một nhà văn, nhà hoạt động văn hóa không biết mệt mỏi. Trên lĩnh vực đấu tranh văn hóa ở nội thành Sài Gòn trước đây, những gì ông làm đã tích cực thực hiện những chủ trương của Cách mạng đề ra trong thời kì chống Mĩ, cứu nước. Sau 1975, không chỉ tiếp tục sáng tác, Vũ Hạnh còn có những đóng góp đáng kể trong công tác lãnh đạo văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tình cảm, tâm hồn người đọc. Nhận xét về những đóng góp của ông trước 1975 với tư cách nhà văn, nhà hoạt động văn hóa, Trần Hữu Tá trong Từ điển Văn học bộ mới, có viết:
Trong dòng văn học yêu nước cách mạng phát triển trong vùng thành thị miền Nam (1954 – 75), Vũ Hạnh là một trong những cây bút nổi tiếng đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc Mĩ trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng.(14)
__________________
Chú thích:

(1) Xem thêm: Hoàng Thủy (2015), “Nhà văn Vũ Hạnh - nhân chứng sống của lịch sử”, http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2015/8/392400/, ngày 09/8/2015.

(2)  “Ngũ phụng tề phi”: chỉ năm người đỗ đại khoa năm Mậu Tuất 1898 (Thành Thái thứ 10), gồm ba tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn) và hai phó bảng (Ngô Truân, Dương Hiển Tiến). Ngoài ra, Quảng Nam còn là quê hương của “Khai khoa tiến sĩ lục tỉnh”, “Tứ hổ Trung kì”, “Tứ hùng”, “Tứ kiệt”, “Ngũ tử đăng khoa”, “Phụ tử đăng khoa”...

(3) Vũ Hạnh (2015), Hồi kí “Cái Tết khó quên”, Vũ Hạnh tuyển tập, Tập 1, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 37.

(4), (12), (13) Vũ Hạnh (2015), Hồi kí “Một chặng đường bút mực”, Vũ Hạnh tuyển tập, Tập 1, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 13, 13, 36.

(5), 6), (8Trong hồi kí “Chọn một bút danh để vào làng báo”, nhà văn cho biết bút danh Vũ Hạnh là do ông mượn tên của một người bạn tù có nhân cách tuyệt vời đã từng chung sống ở nhà lao Hội An với rất nhiều kỉ niệm – Võ Hạnh, rồi đổi “Võ” ra “Vũ” để tăng thêm phần trách nhiệm cho ngòi bút của mình. Hơn nữa, lúc bấy giờ cũng có nhiều cây bút di cư từ Bắc vào Nam mang họ “Vũ” như Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan..., nên trong điệu cuồng vũ ấy, ông cũng muốn cùng “vũ” với họ xem sao.

Cũng trong hồi kí trên, ông còn cho biết bút danh Cô Phương Thảo là đặt theo tên con gái của ông, “vì nghĩ rằng những đối tượng phê bình bị người phụ nữ chê trách vẫn ít giận hơn là bị đồng giới tấn công”.

Được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam giới thiệu là người phụ trách báo chí nội thành, nên ông cần phải chọn một cái tên để gửi vào mật khu. Nghĩ đến hai lần đi tù trước đó, cũng mong có được sự thuận lợi sau này, ông bèn chọn bí danh là Hoàng Lục Kỳ (xuất phát từ tiếng Anh “lucky” có nghĩa là may mắn). Nhưng ông Vũ Tùng phụ trách tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cho rằng “Lục Kỳ” không được dễ nghe, nên đã đổi lại thành Hoàng Thanh Kỳ. “Và nhà báo Hoàng Thanh Kỳ có lẽ chỉ được xuất hiện rất là trang trọng mỗi một lần thôi, là lần Mặt trận ra đời”.

Xem thêm: Vũ Hạnh tuyển tập, Tập 1, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 57, 58, 59.

(7) Vũ Hạnh (2007), Bút máu, NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 15.

(9) Vũ Hạnh (2015), Vũ Hạnh tuyển tập, Tập 2, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 655- 663.

(10) Vũ Hạnh (2001), Người Việt cao quí, NXB Mũi Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 69-70.

(11) Vũ Hạnh (1987), Đọc lại Truyện Kiều, NXB Tổng hợp Nghĩa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 19.

          (14Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (Chủ biên) (2004), Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế Giới, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 2024.


Bài viết đã được đăng trên tạp chí Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật, số 56, 4-2017, tr. 15-22. 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét