TS. Phạm Thanh Hùng
Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 05 tháng 5 năm 1935, tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Năm 1942, gia đình cha mẹ dời đến ở thành phố Cần Thơ. Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy mới lên mười, bước đầu ông đã có được ý thức về một chế độ mới, một chính quyền mới, do có nhiều người trong gia đình tham gia cướp chính quyền. Năm 1947, ông bỏ học tham gia công tác ở Ty Thông tin kháng chiến tỉnh Rạch Giá, sau đó, về Chi hội Văn nghệ Nam Bộ. Tác phẩm đầu tay của ông ra đời trong thời gian này là tập truyện ngắn Biển động (gồm 8 truyện ) viết về đề tài chiến tranh du kích, được giải thưởng Cửu Long, 1952. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và trở nên quen thuộc với người đọc qua tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện, viết năm 1957. Cũng năm đó, ông được kết nạp hội viên đợt đầu tiên khi Hội Nhà văn được thành lập và chuyển công tác về Hội.
Năm 1962, ông trở về miền Nam tham gia chống Mĩ, cứu nước với bút danh Anh Đức. Những tác phẩm chính của thời kì này là: Bức thư Cà Mau (tập truyện ngắn, 1960), Hòn Đất (tiểu thuyết, 1966) – hai tác phẩm này đã được tặng giải chính thức Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965, Giấc mơ ông lão vườn chim (tập truyện ngắn, 1968). Trong suốt 13 năm ở chiến trường chống Mĩ, nhiệm vụ chủ yếu của Anh Đức là sáng tác, đồng thời phụ trách ngành Văn, nhiều năm liền là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ giải phóng của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam.
Sau 1975, ông cho in tiểu thuyết Đứa con của đất, Hai mươi truyện ngắn, tập truyện Miền sóng vỗ, Tuyển tập Anh Đức (2 tập).
Nhà văn Anh Đức cũng đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo văn nghệ như : Ủy viên thường vụ và Ủy viên Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2, 3 ; đại biểu Quốc hội khoá 7. Hiện ông là Phó Tổng thư kí Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 6, Phó Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn chủ tịch và Đảng Đoàn Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn và Kiến thức ngày nay.
Anh Đức được độc giả cả nước biết đến như một nhà văn của đất nước và con người phương Nam. Thành công quan trọng trong hầu hết các sáng tác của ông là đã xây dựng được những tính cách điển hình về những người phụ nữ và nông dân Nam Bộ anh hùng. Đặc biệt, đó là hàng loạt chân dung phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi khác nhau, kiên cường bất khuất trong đấu tranh xã hội, giàu tình cảm yêu thương, đảm đang, trung hậu trong đời sống gia đình, tình nghĩa, thủy chung trong quan hệ bà con, hàng xóm.
Tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện kể lại câu chuyện tác giả quen chị Tư Hậu trong hoàn cảnh hai người cùng nằm viện. Chị Tư Hậu bị lao hạch cấp tính. Đó là một người phụ nữ còn trẻ, giàu nghị lực. Chị đã kể cho tác giả nghe về cuộc đời mình.
Là một cô gái mồ côi nghèo khổ, lớn lên, chị Tư Hậu lấy anh Tư Khoa và về Bãi Sao, thuộc tỉnh Châu Thành, quê của anh Khoa, để sống. Chị bị tên Tôma, đồn trưởng đồn Hiệp Hưng làm nhục trong một trận càn, sau ngày chị sinh đứa con gái chưa được bao lâu. Thương con, thương chồng, thương cha chồng, chị cắn răng chịu đựng, tiếp tục sống nuôi con, nuôi cha. Tư Khoa về thăm nhà an ủi, khuyến khích và tỏ tình nghĩa đằm thắm với vợ. Tin dữ đến với chị khi chồng hi sinh khiến chị bàng hoàng tưởng như không sống nổi. Chị Ba Dương, bí thư phụ nữ huyện, an ủi, từng bước dìu dắt chị trên đường công tác, đã giúp cho Tư Hậu hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp về sự hi sinh của anh Khoa. Chị cũng đã chỉ cho Tư Hậu con đường phải đi tới trong những ngày này để trả thù cho chồng. Cha chồng bị giặc sát hại. Đau thương chồng chất, nhưng chị không gục ngã. Chị được kết nạp Đảng ngay trong một đợt chống càn ác liệt. Bọn giặc, do tên phó đồn trưởng Tư Bửu bày mưu, đã bắt hai con của chị là Ngọc Thủy và thằng Nhã, để buộc chị đầu hàng. Đau khổ khi thấy con bị hành hạ, đầy đoạ, chị đã sai lầm viết thư cho giặc dù khẳng định mình sẽ không ra hàng và đề nghị bọn giặc tha, giết tùy chúng, chứ đừng đánh đập chúng nó tội nghiệp. Chị Ba Dương đã kịp thời vạch rõ tác hại, Tư Hậu rất hối hận. Vừa lúc ấy, huyện đã bố trí cứu hai cháu đưa về vùng du kích, và mẹ con lại được sum họp.
Hòa bình lập lại, chị Tư Hậu và hai con đi tập kết. Các cháu được đưa sang Liên xô học tập. Chị Tư Hậu trở thành một công nhân dệt giỏi. Bệnh lao hạch bột phát, chị phải vào viện. Được sự chăm sóc nhiệt tình của cả đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, chị đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Cuộc sống đầm ấm, yêu thương mà chị đã quên mình vì nó đang chờ đón chị.
Một chuyện chép ở bệnh viện đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ dịu hiền , giàu lòng yêu thương và đức hi sinh, rất kiên cường trong cuộc sống gia đình và trong công tác cách mạng.
Trong số những nhân vật phụ nữ được nhà văn Anh Đức chăm sóc nhiều nhất phải kể trước hết là chị Sứ, nhân vật chính trong tiểu thuyết Hòn Đất của ông. Câu chuyện kể lại cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân và dân vùng Hòn Đất. Tại đấy, trên một ngàn quân địch với những phương tiện đầy đủ đã bỏ cuộc sau ngót mười ngày đụng với mười một người của ta, trong đó có hai em bé 7 tuổi, 13 tuổi và ba phụ nữ… Chị là một trong ba người phụ nữ ấy, là con đẻ của đất Hòn và là "niềm hãnh diện của xóm làng". Ở chị Sứ, tình yêu quê hương gắn liền với tình yêu thương những người thân, bà con hàng xóm láng giềng, yêu thương đồng chí, đồng bào. Nổi lên trên hết trong những phẩm chất tốt đẹp của chị là tấm lòng vị tha, sống vì người mình yêu thương. Dù rất yêu thương con, nhưng trước tình cảnh suy kiệt của anh em đồng chí bị thương, chị đã trút nửa ca nước cuối cùng dành riêng cho con để nấu cháo. Nhiều lần trong hang thiếu nước, chị đi ra suối Lươn để lấy. Bị địch bắt, không lúc nào mà chị không nghĩ đến anh em, đến con (Thúy). Địch định lợi dụng tình cảm của chị, đưa chị micro để chị gọi anh em trong hang ra hàng. Nhanh trí, chị đã dùng micro để dặn anh em trong hang đừng uống nước suối có thuốc độc, đừng đầu hàng giặc và hỏi tin con. Vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp của đời sống tinh thần bên trong đã được nhà văn thể hiện một cách sinh động trong những trang miêu tả "suối tóc" của Sứ, "suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con gái, vừa mượt vừa dày, gồm muôn sợi bền chặt rủ từ đỉnh đầu bất khuất đó, rủ chấm xuống sát đôi gót chân bất khuất đó". Suối tóc ấy luôn thoảng hương bưởi, gợi cho chị tình yêu của anh San, sự săn sóc của mẹ. Cũng suối tóc ấy, thằng Xăm chém ba nhát không đứt. Đó chính là biểu hiện sinh động sức mạnh tinh thần của người phụ nữ miền Nam, của người chiến sĩ trong "đội quân tóc dài" dám thách thức trước súng gươm của kẻ thù.
Ngoài vẻ đẹp của chị Sứ, tác phẩm còn xây dựng thành công một số hình ảnh phụ nữ khác như Má Sáu (mẹ của chị), Quyên (em gái chị), bà Cà Xợi (mẹ thằng trung úy Xăm), cô Cà Mỵ, chị Hai Thép, thím Ba Ú,…Tất cả đều hiện lên những nét đẹp tương ứng với vai trò tích cực của họ trong tác phẩm.
Nhân vật nữ trong truyện ngắn của Anh Đức không chỉ kiên cường trong đấu tranh cách mạng, mà còn dịu dàng, đôn hậu trong tình yêu. Quế trong truyện ngắn Khói là một cô gái mồ côi cả bố lẫn mẹ, sống với bà. Những năm bọn ác ôn lộng hành, du kích phải ở dưới hầm, gia đình nuôi Hựu ở hầm nhà. Quế đem cơm cho anh, vá áo cho anh. Tình yêu giữa hai người nảy nở. Một lần, Quế đang ở dưới hầm với người yêu, chỉa của địch từ trên hầm đâm xuống trúng vai. Quế bình tĩnh rút khăn sọc quàng cổ vuốt sạch máu nơi mũi chỉa, gan góc bặm chặt môi lại chịu đau đớn không hề khóc, dù máu ra chảy nóng cả ngực Hựu. Vậy mà, một lần khác, Quế đã khóc khi nhìn thấy người yêu sống cực khổ, chịu đựng.
Câu chuyện về cô gái sao lại mang tên là Khói? Vì đây là khói đốt đồng của nhân dân che giấu anh em du kích không để máy bay địch phát hiện được họ, sau khi họ bắn đàn máy bay trực thăng vừa đổ bọn quân Mĩ xuống đồng. Chưa bao giờ anh em chiến sĩ ở Tháp Mười lại nhìn thấy một cảnh đốt đồng lớn như vậy, khói đốt đồng phủ dày đặc đến như vậy. Qua tác phẩm, nhà văn muốn nói lên sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân dân ta, không âm mưu nào của giặc phá nổi, dù đó là quốc sách ấp chiến lược hay chiến thuật trực thăng vận. Lồng chuyện tình yêu vào chuyện kháng chiến, tác giả khẳng định tình cảm của nhân dân với bộ đội chẳng khác gì tình cảm của Quế với Hựu vậy.
Nét kiên nghị và dịu dàng của người phụ nữ miền Nam còn tìm thấy ở chị Lộc trong truyện ngắn Con chị Lộc. Chị là một tù nhân bị đánh đập nhiều, lại có thai sắp sinh, đang ở trên một chiếc tàu chở tù nhân chính trị từ Sài Gòn đi Côn Đảo. Được những bạn tù giúp đỡ, chị đã sinh con trong hoàn cảnh cực kì khó khăn và cùng anh em giữ được đứa bé, không để cho tên trung úy chỉ huy chiếc tàu ném cháu xuống biển. Hình ảnh tên trung úy bị bóp cổ đến chết và bọn địch còn lại trên tàu bị bắt trói trong sự phẫn nộ cao độ của anh em tù nhân, đã nói lên tinh thần đoàn kết, sức mạnh quật khởi của họ trước hành động tàn nhẫn, mất hết tính người của bọn ác ôn.
Còn chị Lộc, vợ người tỉnh ủy viên, thụ thai vừa được một tháng thì bị bắt. Trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, chị vừa bảo vệ săn sóc đứa con trong bụng, vừa giữ vững phẩm chất cách mạng. Chị đã nêu một tấm gương đẹp về phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, về tình mẫu tử tuyệt vời bất chấp hoàn cảnh.
Loại nhân vật thứ hai Anh Đức bỏ nhiều công sức xây dựng và có những thành công quan trọng là hình ảnh người nông dân Nam Bộ.
Ông Tám trong truyện ngắn Đất là một ông già 70 tuổi, gân guốc, và là người duy nhất ở Xẻo Đước còn để đầu tóc. Ông như "một cuốn trong bộ sử biên niên của xứ U Minh hạ","là một tay bẫy heo rừng và chồn cáo thật tuyệt diệu. Trời ban cho ông chiếc mũi tinh nhạy đến nỗi chỉ cần ngửi nước rạch buổi sáng ông cũng biết ngay là có heo rừng hay chồn đến đây uống nước hồi đêm". Ông Tám đã gắn bó với đất bằng sức khai phá của bản thân và bằng cả sự nhớ ơn ông bà, các liệt sĩ cách mạng đã đem đất lại cho mình. Ông già ấy giờ đây phải đương đầu với một kẻ thù mới hết sức nguy hiểm, đó là bọn Mĩ - Diệm. Chúng đã đưa bọn ác ôn đến bắt ông dời nhà vào ấp chiến lược. Ông đã đứng thẳng, không nao núng với suy nghĩ "nhà mình ở đầu xóm mà núng thế thì không làm gương được cho lối xóm". Mới tới ngày hôm trước, hôm sau tên đồn trưởng mới đã dẫn lính vào. Biết lần này gay go, ông thong thả lấy chiếc áo dài xuyến đen chỉ mặc khi có giỗ kị, đứng trước bàn thờ khấn ông bà, cha mẹ và các hương hồn liệt sĩ. Rồi ông bước tới trước mặt kẻ thù với lưỡi mác trong tay. Thằng đồn trưởng Đởm nổi tiếng ác ôn hoảng hốt rú lên, nhưng nó cũng đã kịp bắn ông ngã xuống và quay người bỏ chạy. Không để cho nó thoát, lưỡi búa trong tay anh Hai Cần, con ông Tám, đã lập tức cắm phập vào gáy, khiến nó ngã sấp xuống nền nhà đền tội.
Tinh thần xả thân của ông Tám đã được nhà văn Anh Đức miêu tả như là cái kết cục logic của quá trình giác ngộ sâu sắc về nghĩa vụ cách mạng ở một lão nông dân. Người đọc đã bắt gặp cái truyền thống nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực hoà quyện với những phẩm chất cách mạng cao đẹp trong tính cách của ông Tám, một ông già Nam Bộ hệt như ta đã từng gặp trong cuộc sống của những con người Nam Bộ khí phách, trọng nghĩa tình.
Tính cách ông Tám mở đầu cho một loạt tính cách Nam Bộ trong tác phẩm của Anh Đức như ông Tư Đờn, ông Tư Vườn Chim…Truyện ngắn Giấc mơ ông lão vườn chim đã xây dựng hình ảnh một ông già sáu mươi với bao đắng cay cùng với cái vườn chim ở đất U Minh Hạ này. Cũng như ông Tám và rất nhiều người nông dân Nam Bộ khác, ông Tư là người nghèo khổ và gắn bó thiết thân với cách mạng. Đứa con trai độc nhất của ông đi bộ đội hi sinh hồi đánh Pháp. Con dâu đem cơm cho cán bộ cũng bị bọn Mĩ - Diệm bắt mổ bụng. Đứa cháu trai đi giải phóng. Đứa cháu dâu chưa cưới cũng vào du kích. Cái gì ở ông cũng thuộc về cách mạng. Giặc Mĩ đem bom đốt rừng, phá vườn chim, ông Tư vô cùng đau khổ như chính ông đã nói: "Cái chi tao dứt bỏ được chứ cái vườn chim này với mấy thằng bộ đội thì tao không dứt ra được đâu!". Đem hết sức mình cùng bà con đào mương chữa cháy, ông mệt đến độ xỉu đi. Trong giấc ngủ thiếp, ông mơ thấy vườn chim hoa tràm rụng trắng mặt kênh, các tổ chim ken sát nhau, nhiều giống chim lạ lông cánh sặc sỡ bay về hàng đàn. Trong vườn chim như cảnh tiên ấy, ông cháu đoàn tụ, đám cưới cháu nội Giải phóng quân được tổ chức, bộ đội múa hát, uống nước kênh múc lên thành rượu ngon…
Anh Đức là nhà văn đã gắn chặt sự nghiệp sáng tác của mình với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Nam Bộ anh hùng. Nhiều sáng tác của ông từ lâu đã đi vào lòng bạn đọc cả nước và trở thành những cống hiến có giá trị quan trọng cho nền văn học Việt Nam hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét