Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

NHÌN NHẬN VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020 - 2030

                                                                                                            TS.GVC. Phạm Thanh Hùng
                                                                                                             Trường Đại học An Giang

1.      DẪN NHẬP
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”, và “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam".

Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 13/6/2012 nhằm quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 của nước ta là: “đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, từng bước hình thành xã hội học tập”.
Như vậy, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Mặc dù nhiều nơi trên đất nước ta trong những năm qua đã có được những cải thiện bước đầu, song đây vẫn là điểm hạn chế và là thách thức lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có An Giang. Thực tế này đã, đang và sẽ đặt ra cho Trường Đại học An Giang, trường đại học công lập duy nhất của tỉnh, một nhiệm vụ rất nặng nề và vẻ vang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực của An Giang và các địa phương lân cận.     
2.      VÌ SAO NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH AN GIANG VỪA THIẾU LẠI VỪA YẾU ?
Theo Báo cáo Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh An Giang công bố, thì tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2014 là 47%, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 33,5%, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học là 99,88%, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc trung học cơ sở (THCS) là 75,95%, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc trung học phổ thông (THPT) là 43,02% (UBND tỉnh An Giang, 2014). Qua các con số trên có thể thấy rõ: tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh ta còn rất thấp, chỉ dao động ở khoảng 1/3 trên tổng số người lao động. Số học sinh đi học đúng tuổi ở bậc tiểu học chiếm tỉ lệ rất cao, và tỉ lệ này thấp dần theo bậc học cao hơn, đến bậc THPT còn lại chưa đến 1/2 trên tổng số người đi học. Như vậy, tình trạng bỏ học giữa chừng của học sinh tuy có chuyển biến vẫn là một thực tế nhức nhối. Việc phổ cập giáo dục THCS theo thời gian trở thành một mục tiêu không bao giờ dừng lại của ngành giáo dục tỉnh nhà. Báo cáo cũng cho biết Trường Đại học An Giang có 1.773 sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2013 - 2014. Năm học 2014 - 2015, trường có 3.140 sinh viên nhập học, tăng 1,95% so năm học trước; trong đó bậc đại học có 2.250 sinh viên, bậc cao đẳng có 890 sinh viên. Trường Cao đẳng Nghề có 2.175 học viên, bằng 80,86% so năm học trước. Trường Trung học Y tế, hệ trung cấp chuyên nghiệp có 640 học viên, bằng 96,97%. Trường Trung cấp Kỹ thuật An Giang có 1.100 học viên, tăng 46,6% so năm học trước. Những tỉ lệ tuyển sinh nêu trên của các trường nhìn chung đều tăng/thấp hơn không nhiều, đó là chỉ dấu tích cực cho thấy sự tự điều chỉnh ngành nghề cho phù hợp với trình độ của người học và nhu cầu của xã hội. Nhìn ở một góc độ khác sẽ thấy thêm, mặt bằng trình độ học vấn có sự nâng lên khi tỉ lệ học sinh vào đại học năm sau cao hơn năm trước ở một thời điểm mà sự phân hóa ngày càng mạnh mẽ hơn, biểu hiện qua việc thường xuyên điều chỉnh cách ra đề thi và phương án tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới giáo dục, nhằm đáp ứng ngày càng cao hơn yêu cầu đặt ra của xã hội.
Tuy vậy, nếu nhìn một cách toàn diện, kết hợp với sự đối chiếu, so sánh với một số nước Châu Á khác, chúng ta sẽ thấy trình độ học vấn, trình độ tay nghề của người lao động nước ta nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng còn rất thấp. So sánh với Hàn Quốc chẳng hạn, một quốc gia Đông Á có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chỉ sau 40 năm tính từ đầu thập niên 1960, từ một đất nước nghèo nàn và lạc hậu Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ. Thu nhập bình quân của người dân Hàn Quốc năm 2014 là 28.180 USD, dự báo năm 2015 là 30.000 USD, cao hơn Việt Nam 14-15 lần (Báo Mới.com, 2015). Trung bình một người dân của họ làm việc 44,6 tiếng/tuần so với 32,8 giờ của người dân các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Theo số liệu năm 2012 của Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc, người Hàn Quốc học tập rất chăm chỉ và có trình độ học vấn cao nhất trong các quốc gia OECD, với 98% dân số hoàn thành bậc trung học, 63% hoàn thành bậc cao đẳng. Đất nước này có 3,2 triệu sinh viên đại học và 316 ngàn sinh viên sau đại học trên tổng số dân gần 50 triệu người (theo Số liệu thống kê chính thức, năm 2010).  Nhiều đại học Hàn Quốc đã tạo được danh tiếng trên trường quốc tế. Trong một bài viết của mình, GS Nguyễn Văn Tuấn (Nguyễn Văn Tuấn, 2013) cho biết, theo một phân tích của các chuyên gia Hàn Quốc, thì hệ thống giáo dục tiểu học của quốc gia này đã cung cấp nhân lực cho các ngành công nghiệp nhẹ trong thập niên 1960 và 1970.  Giáo dục trung học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp nặng vào thập niên 1970 và 1980, thời gian mà Hàn Quốc đang ở giữa giai đoạn công nghiệp hóa. Giáo dục đại học trở nên quan trọng từ thập niên 1990, khi kinh tế tri thức và kinh tế dựa vào công nghệ tiên tiến bắt đầu hình thành. Và để đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng trong khi hệ thống giáo dục công không đủ đáp ứng, hệ thống giáo dục tư nhân đã hình thành. Hơn 80% sinh viên Hàn Quốc theo học tại các đại học tư.
Nhìn sang đất nước Singapore gần gũi giành được độc lập vào năm 1965, cùng trong Khối ASEAN với nước ta, bằng cuộc cải cách giáo dục lớn vào năm 1979, quá trình học tập của học sinh đã được theo dõi chặt chẽ để giảm thiểu tỉ lệ bỏ học và để đảm bảo số học sinh ít năng khiếu học chữ vẫn có được những kỹ năng nghề nghiệp hữu ích cho xã hội. Trong thập niên 1980, chính phủ đã có thêm nhiều biện pháp và những nỗ lực được áp dụng cho việc giáo dục hướng nghiệp nhằm đáp ứng đúng nhu cầu về lao động trong công nghiệp và thương mại. Bên cạnh đó, chính sách thu hút nhân tài táo bạo của Singapore là một bài học quý để nhiều nước học tập. Sinh viên nước ngoài đến học tập tại Singapore được vay tiền để chi trả cho những chi phí cần thiết về sinh hoạt và học tập, đồng thời phải cam kết làm việc cho một công ty nào đó của Singapore ít nhất 3 năm để trả nợ, sau khi tốt nghiệp cử nhân. Giống như nước Mỹ, chính phủ Singapore tuyển chọn nhân tài dựa trên năng lực và khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc. Một khi được tuyển chọn, ngoài việc được hưởng lương theo mức của các nhân tài, họ còn được phép đưa người thân sang sống cùng, được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singpapre. Lãnh đạo nước này từng khẳng định, nhân tài nước ngoài không chỉ là "nguồn vốn đặc biệt" về kinh tế, mà còn là "động lực mạnh mẽ cho Singapore phấn đấu liên tục vì những chuẩn cao hơn" (Hà Minh, 2008). Nhờ có chính sách mạnh mẽ như thế, hơn 10 năm qua, Singapore đã thu hút được một danh sách ấn tượng những nhà khoa học lỗi lạc của thế giới. Thậm chí, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đầu tiên vạch ra chính sách nhân tài cho Singapore, cho rằng, nếu một ngày nào đó bộ máy chính quyền Singapore toàn những người có xuất xứ nước ngoài thì cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Trở lại với tỉnh ta, đáp án cho câu hỏi vì sao nguồn nhân lực của An Giang vừa thiếu lại vừa yếu, không khó để có được một nội dung trả lời cụ thể. Tỉ lệ học sinh đúng độ tuổi đi học bậc tiểu học 99,88% là một con số rất đẹp. Nhưng đi học đúng độ tuổi của học sinh bậc THCS chỉ là 75,95%. Như vậy gần 25% còn lại đã qua bậc tiểu học nhưng không tiếp tục học ở bậc THCS là một gánh nặng cho xã hội, vì các em chưa qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nghề nào, đồng thời cũng chưa đủ tuổi và trình độ để vào học ở các trường trung cấp nghề trong hệ thống giáo dục công/tư. Đến bậc THPT, tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi chỉ là 43,02%, nghĩa là chưa đầy 1/2 trên tổng số các em cùng lứa tuổi được vào học từ lớp 10 đến lớp 12. Và như vậy, hơn 50% còn lại ấy bao nhiêu phần trăm được đào tạo nghề, thiết nghĩ, là một con số hãy còn còn bỏ ngỏ! Theo số liệu của ngành Giáo dục và Đào tạo An Giang (Xã hội online, 2013), trong năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 4.927 học sinh bậc THCS và THPT bỏ học. Đó là chưa tính con số học sinh theo gia đình chuyển đi địa phương khác. Qua phân tích cho thấy, phần lớn học sinh bỏ học có xuất thân từ gia đình nghèo, buộc các em phải lao động sớm. Số khác, gia đình rời bỏ địa phương tha phương mưu sinh, nên các em phải đi theo. Nhiều hộ dân không có nghề nghiệp ổn định nên cha mẹ ít quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Một số gia đình còn có tâm lý “khoán” cho nhà trường, thậm chí không tạo điều kiện mà còn lợi dụng các em để đặt ra yêu sách đòi hỏi nhà trường và chính quyền phải hỗ trợ mới cho con em đi học,… Học sinh bỏ học còn có nguyên nhân từ căn bệnh chạy theo thành tích của ngành giáo dục để học sinh lên lớp non, khiến các em không theo kịp chương trình dẫn đến học lực yếu, chán ngán việc học, rồi nghỉ luôn. 

Riêng bậc đại học, tính trên phạm vi cả nước, tỉ lệ sinh viên đến nay mới chỉ đạt: 4-5% trên tổng số thanh niên, và khoảng 118 - 120 sinh viên/10.000 dân. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2014 cho biết, trên cả nước có tất cả 433 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 247 trường công lập và 186 trường ngoài công lập. Số sinh viên là 1.662.665 người (trên 90 triệu dân), chỉ bằng 1/2 Hàn Quốc (với 50 triệu dân), trong đó sinh viên công lập là 1.407.864 người, chiếm 84,6%, ngoài công lập là 254.804 người, chiếm 15,32%. Tỉ lệ sinh viên của An Giang tính trên tổng số dân (khoảng 2,2 triệu người) có lẽ thấp hơn vì tỉnh ta thuộc một trong những vùng trũng của giáo dục cả nước. Một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là, một số phụ huynh không cho con em mình đến trường không phải vì gia đình không có khả năng nuôi ăn học, mà họ lo lắng rằng nếu cho học đến nơi đến chốn liệu con em mình sẽ làm được gì khi phần lớn sinh viên ra trường không xin được việc, hoặc phải làm những ngành nghề không cần đến chuyên môn đã được học tập. Thực tế này còn cho thấy, bản thân sinh viên ngay từ đầu chưa có được sự chủ động và quyết tâm tìm kiếm/xác định cho mình một nghề nghiệp phù hợp với trình độ và năng lực của bản thân. Mặt khác, đó còn là hệ quả của hệ thống giáo dục - đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng, chưa đồng bộ, nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường cùng những bất cập của hệ thống đào tạo; sự quản lý xã hội trong đào tạo lực lượng lao động có đủ các trình độ tay nghề đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa được nhận thức và hành động một cách hiệu quả. Chính vì thế, năng suất lao động của nước ta nói chung, rơi vào nhóm thấp nhất các nước Châu Á – Thái Bình Dương. So với các quốc gia trong ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của ta cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 đối với Thái Lan. Con đường phân luồng, định hướng nghề nghiệp sau các bậc học ở nước ta hiện nay vẫn còn là một bài toán nan giải. Các trường dạy nghề vẫn chưa thực sự trở thành những địa chỉ tin cậy để người lao động và xã hội gửi gắm niềm tin và ước mơ của mình.  

3.      VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CỦA TỈNH AN GIANG
Gần 15 năm thành lập, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng và sau đại học cho tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận, đồng thời nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang và các địa phương lân cận, Trường Đại học An Giang đã đào tạo hơn 20.000 sinh viên, học viên ra trường và hầu hết đều có việc làm ổn định tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện tại, trường đang đề ra nhiều giải pháp để phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô đào tạo từng bước mở rộng theo điều kiện cơ sở vật chất và các nguồn lực của nhà trường. Nếu năm học 2000 -  2001, nhà trường tuyển sinh khóa đầu tiên, chỉ đào tạo 5 ngành trình độ đại học và một số ngành sư phạm trình độ cao đẳng, thì đến năm học 2009 -   2010, sau 10 năm thành lập, trường đã có trên 20.000 sinh viên các hệ chính quy và không chính quy. Số ngành nghề đào tạo được mở rộng hơn, theo hướng đa dạng, phù hợp với yêu cầu của xã hội, tập trung vào các ngành có nhu cầu cao như: Sư phạm, Kinh tế, Nông nghiệp, Công nghệ,... Ở thời điểm hiện tại, trường đang đào tạo 50 ngành với hình thức giáo dục chính quy, trong đó có 36 ngành trình độ đại học và 14 ngành trình độ cao đẳng. Hằng năm, số thí sinh dự thi tuyển sinh đại học và cao đẳng vào trường tăng dần, có năm trên 21.000 thí sinh (năm 2008). Những năm gần đây, số thí sinh đăng ký dự thi vào trường tương đối ổn định (trên 10.000 thí sinh). Năm 2014, tỷ lệ thí sinh dự thi là 87% và là năm có tỉ lệ thí sinh dự thi cao nhất từ trước đến nay. Triển khai đào tạo sau đại học, từ năm học 2011- 2012, bước đầu trường đã liên kết đào tạo và liên thông đào tạo ở một số ngành. Năm học 2014 - 2015, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận mở ngành đào tạo Thạc sĩ Khoa học cây trồng. Đề án tuyển sinh Thạc sĩ Văn học Việt Nam đang được xúc tiến, để tiếp tục đệ trình Bộ được mở mã ngành này trong thời gian tới. Những tín hiệu đáng mừng này cho thấy sự ra đời của Trường Đại học An Giang đã đáp ứng nhu cầu thật sự của một bộ phận nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh An Giang. Bảng số liệu dưới đây cho thấy những đóng góp đáng kể của trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và cao đẳng cho tỉnh nhà và các địa bàn lân cận:

2000
2001
2002
2003
2004
2005
2006

Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
1599
1174
2201
1487
1955
1544
1611
1633
2178
1747
2381
1975
2153
1826
2007
2008
2009
2010
2011
2012
2013

Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
Trúng tuyển
Nhập học
2760
2354
2464
2066
2290
1901
2708
2219
2968
2419
4375
2527
5260
3060
                                                                      (Nguồn: Phòng Đào tạo, Trường Đại học An Giang)
Tham gia vào thị trường nguồn nhân lực thông qua đào tạo của tỉnh và khu vực, Trường Đại học An Giang có lợi thế về đội ngũ giảng dạy, đào tạo với 856 cán bộ, viên chức, trong đó trình độ đại học: 172, thạc sĩ: 328, tiến sĩ: 36, PGS: 01, đang theo học các lớp sau đại học trong và ngoài nước: 133, trong đó có 54 nghiên cứu sinh (học nước ngoài là: 32, trong nước: 22). Bình quân mỗi năm có trên 25 cán bộ, giảng viên hoàn thành chương trình sau đại học; có 62 giảng viên chính. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học đạt 67,49% trên tổng số 529 giảng viên trực tiếp giảng dạy. Lợi thế này chắc chắn sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian trung và dài hạn để làm tốt sứ mạng: “Đào tạo nhân lực đa ngành, đa trình độ, đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng dân cư tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của cả nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Trường Đại học An Giang, 2014). Để duy trì được uy tín và sức hấp dẫn của một địa chỉ giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, Trường Đại học An Giang phải không ngừng phấn đấu để trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ có uy tín cả nước và ngang tầm với các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.
4.      Ý KIẾN ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP
4.1. Ý kiến đề xuất
Để Trường Đại học An Giang tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh An Giang, người viết xin đề xuất một số ý kiến sau:
- Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và các sở, ngành có liên quan cần đổi mới chính sách thu hút, đãi ngộ, tuyển dụng và sử dụng nhân tài theo hướng đột phá dựa trên năng lực và hiệu quả đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, không phân biệt trong/ngoài địa phương, quốc tịch, màu da.
- Nghiên cứu, từng bước giao quyền tự chủ cho Trường Đại học An Giang trong một số lĩnh vực chủ yếu như: tuyển sinh, nhân sự (quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, đề cử, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,…), xét nâng lương, một phần kinh phí hoạt động và khen thưởng.
- Trường Đại học An Giang, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, Trường Cao đẳng Nghề, các trường trung cấp và các trung tâm dạy nghề huyện, thị cần sớm hình thành một hệ thống đồng bộ trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và người lao động có tay nghề thuộc nhiều bậc, trình độ khác nhau của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và của xã hội.
- Cần hình thành một cơ chế liên thông trong điều tra, thu thập thông tin, thống kê, dự báo, đào tạo, phân bổ lao động (trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, khoa học và có tính cam kết ràng buộc giữa: trung tâm điều tra, thu thập thông tin, dự báo nguồn nhân lực - cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề - doanh nghiệp/nhà tuyển dụng.
- Ngân sách của tỉnh cần ưu tiên giành một nguồn kinh phí phù hợp cho đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm mục tiêu đào tạo lực lượng lao động có trình độ, tay nghề và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học.
- Bổ sung chính sách về tiền lương, tiền thưởng nhằm kịp thời động viên, khuyến khích khi người lao động hoàn thành việc nâng cao trình độ, tay nghề, hoặc tạo ra giá trị vật chất cao hơn trong quá trình tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
4.2. Giải pháp 
Một số giải pháp xin được gợi ý nhằm thực hiện các nội dung đề xuất trên đây:
- Học tập, nghiên cứu chính sách và thực tế phát triển thần kỳ của các nền kinh tế trong và ngoài khu vực như Singapore, Hàn Quốc, từ đó, xây dựng chính sách đặc biệt nhằm thu hút, đãi ngộ, tuyển dụng và sử dụng nhân tài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
-  Từng bước trao quyền tự quyết định cho Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang ở những lĩnh vực quan trọng phục vụ nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; thực hiện dân chủ tín nhiệm ở cơ sở trong ứng cử, đề cử, bổ nhiệm; tổ chức thi tuyển những chức danh có mối quan hệ và tầm ảnh hưởng rộng rãi trong nhà trường; lấy cống hiến về chuyên môn, học thuật làm cơ sở cho việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, tăng lương, khen thưởng.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên thông trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và người lao động có tay nghề thuộc nhiều bậc, trình độ khác nhau giữa các Trường Đại học An Giang, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, Trường Cao đẳng Nghề, các trường trung cấp và các trung tâm dạy nghề huyện, thị; hình thành Trung tâm Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; thực hiện các điều tra chuyên sâu về ngành, nghề; tính toán, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trong mọi lĩnh vực, hoạt động của tỉnh phục vụ các kế hoạch phát triển 5, 10, 20 năm; phối hợp chặt chẽ giữa 3 thành tố của cơ chế liên thông: Thông tin - Đào tạo - Sử dụng.
-  Dành ngân sách tương xứng với quy mô đào tạo, dạy nghề của các cơ sở, với kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm mục tiêu đào tạo lực lượng lao động có trình độ, tay nghề và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kịp thời nâng lương, khen thưởng người lao động đạt thành tích trong chuyên môn và nghiệp vụ, bảo đảm cho họ có được một cuộc sống vững vàng, một vị trí xã hội tương ứng với trình độ, năng lực và hiệu quả làm việc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
BáoMới.com. (2015). “Thu nhập của người Hàn Quốc đạt hơn 28.000 USD”. http://www.baomoi.com/Thu-nhap-cua-nguoi-Han-Quoc-dat-hon-28000-USD/126/16238440.epi, ngày 26/03/2015.
Hà Minh. (2008). “Chính sách thu hút nhân tài của Singapore: Bài bản và chuyên nghiệp”. http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chinh-sach-thu-hut-nhan-tai-cua-singapore-bai-ban-va-chuyen-nghiep-215992.htm, ngày 24/01/2008.
Nguyễn Vạn Phú (Người dịch). (2004). Tổng quan về hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng của Mỹ. Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh niên.
Nguyễn Văn Tuấn. (2013). “Hàn Quốc và bài học 40 năm cho Việt Nam”. http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/151561/han-quoc-va-bai-hoc-40-nam-cho-viet-nam.html, ngày 05/12/2013.
Phương Linh. (2013). “Thu nhập người Việt đạt gần 2.000 USD”. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thu-nhap-nguoi-viet-dat-gan-2-000-usd-2919359.html, ngày 05/12/2013.
Trường Đại học An Giang. (2014). Niên lịch đào tạo năm học 2014 – 2015.
Xã hội online. (2013). “An Giang: gần 5.000 học sinh bỏ học”. http://xahoi.com.vn/an-giang-gan-5000-hoc-sinh-bo-hoc-155071.html, ngày 16/12/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét