Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

NGÀNH SƯ PHẠM HIỆN NAY - MỘT GÓC NHÌN

                                                                                                       TS.GVC. Phạm Thanh Hùng
                                                                                          Khoa sư phạm, Trường Đại học An Giang


1.   ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, ngành sư phạm ngày càng giảm dần sức hấp dẫn và thu hút đối với thí sinh trong các kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng. Nhiều vị phụ huynh đã không định hướng cho con em mình chọn sư phạm làm ngành học nhằm trang bị một nghề nghiệp cho tương lai để bước vào đời. Nhiều trường đại học trên toàn quốc điểm trúng tuyển vào một số ngành học sư phạm chỉ ở mức 13-14 điểm. Câu nói cửa miệng của nhiều người: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, qua loa Sư phạm”, hay “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm” nghe chua chát nhưng đó phần nào lại là hình ảnh của thực tế! Nghề dạy học, “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” (Phạm Văn Đồng), đang đứng trước những khó khăn về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong khi đó, một nghịch lý đã và đang diễn ra, đó là chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm và các trường có ngành sư phạm hằng năm thường bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu của các năm trước đó. Kết quả là đến cuối năm 2014, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cả nước hiện thừa khoảng 35.000 giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đó là chưa tính đến mấy ngàn sinh viên sư phạm năm học 2015-2016 ra trường sẽ tiếp tục đứng vào hàng ngũ lực lượng giáo viên dư thừa này. Vì sao có sự trái khoáy như vậy?
2. TỈ LỆ HỌC SINH GIẢM NHƯNG SINH VIÊN TỐT NGHIỆP NGÀNH SƯ PHẠM TĂNG
            Một trong những nguyên nhân làm cho lực lượng lao động trong ngành giáo dục các năm qua càng thêm dư thừa, đó là sự liên tục sụt giảm tỉ lệ học sinh ở các bậc học phổ thông, trong khi sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hằng năm lại tăng. Thừa nhận mâu thuẫn này, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tích thêm: “Đó là nhiều năm về trước chúng ta không thể dự báo được số lượng học sinh ở các bậc học giảm do tác động của quá trình kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều năm qua. Và cho đến những năm gần đây quá trình kế hoạch hóa gia đình lại càng phát huy hiệu quả rất tích cực. Trước đây khi thiết kế hệ thống trường sư phạm, cũng như qui mô đào tạo nước ta đã chưa lường trước được tình huống như vậy. Khi số lượng trẻ học tiểu học, trung học cơ sở giảm xuống, hệ thống trường đào tạo sư phạm lại chưa thay đổi kịp, vì vậy mới có câu chuyện học sinh tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường đang dư thừa” (Báo Điện tử VTV, ngày 04/03/2013).
Thiết nghĩ, đây chỉ là một trong những nguyên nhân chủ yếu mà thôi. Có một thực tế trong nhiều năm qua là các trường sư phạm và các trường có ngành sư phạm đều biết nhưng không thể/không biết làm gì đó là sự không kết nối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng; thiếu thông tin thống kê, dự báo khoa học của các cơ quan có liên quan về nhu cầu nguồn nhân lực nói chung và nhân lực ngành sư phạm nói riêng. Về phía nhà trường, sinh viên sư phạm ra trường bao nhiêu phần trăm công tác trong ngành giáo dục hay các ngành khác có liên quan, cũng chưa được tổng kết một cách đầy đủ. Nói cách khác, hệ thống đào tạo chưa có được một sự quy hoạch cụ thể, mạnh trường nào trường nấy đào tạo. Đào tạo chủ yếu  theo nguyện vọng của người học và theo khả năng của từng trường chứ chưa theo nhu cầu tuyển dụng của địa phương/khu vực. Chất lượng đào tạo chưa được quan tâm đúng mức song song với sự phát triển về số lượng. Đó là nguyên nhân khiến cung luôn vượt cầu, sinh viên sư phạm ra trường ngày càng khó được tuyển dụng để trở thành giáo viên. Tình trạng thất nghiệp luôn đeo bám, khiến họ phải chọn làm những việc không đúng với ngành nghề được đào tạo để mong có thể cầm cự trong cuộc mưu sinh vất vả hoặc để tiếp tục theo đuổi ước mơ đứng lớp của mình.
3. MỘT THỜI “TRĂM HOA ĐUA NỞ” CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM
            Hệ lụy của tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm mới ra trường hiện nay còn có nguyên nhân từ thực tế một thời “trăm hoa đua nở” trường sư phạm ở tất cả địa phương trong cả nước. Hầu như  tỉnh nào, thành phố nào cũng đều có trường đào tạo giáo viên từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở. Để khuyến khích sinh viên vào ngành sư phạm, Luật Giáo dục đã có quy định miễn thu học phí đối với sinh viên ngành này. Quy định được áp dụng từ tháng 6 năm 1997 đã tạo điều kiện cho thí sinh là con em các gia đình nông dân sống ở nông thôn thuộc khu vực 2 (KV2), khu vực 1 (KV1) mạnh dạn nộp hồ sơ thi vào các trường sư phạm. Nhiều học sinh có học lực giỏi nhưng hoàn cảnh sống khó khăn đã lựa chọn vào ngành sư phạm nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Việc mở rộng quy mô đào tạo của các trường từ trung cấp, cao đẳng đến đại học cũng tạo nên lực hút đối với học sinh trung bình muốn vào sư phạm để có được một nghề nghiệp ổn định. Hiện nay trên toàn quốc đã có đến 330 cơ sở có đào tạo ngành sư phạm và 14 trường chuyên đào tạo sư phạm. Quy mô tuyển sinh hệ chính quy đại học sư phạm hằng năm từ 22.500 đến 23.000 sinh viên và cao đẳng từ 24.500 đến 26.000 sinh viên. Thực tế đó khiến điểm tuyển một số ngành sư phạm có năm khá cao do số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển nhiều. Tuy vậy, do quy mô đào tạo không ngừng mở rộng đã khiến cho sinh viên sư phạm ra trường ở khắp 63 tỉnh, thành hằng năm dôi thừa rất nhiều, tiếp tục bổ sung lực lượng này vào đội ngũ đông đảo những người đã và đang tìm kiếm cơ hội để được dạy học.
Song song đó, số lượng học sinh các cấp học giảm từng năm kéo theo không ít trường phổ thông giáo viên dạy không đủ tiết chuẩn, phải điều động làm những việc không đúng chuyên môn. Theo quy định, mỗi tuần giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông phải giảng dạy và kiêm nhiệm từ 17 đến 19 tiết, nhưng thực tế hiện nay hầu hết giáo viên ở khu vực đồng bằng không đạt chuẩn này, thậm chí có người chỉ dạy 5 - 7 tiết/tuần. Bên cạnh các trường đào tạo chính quy, còn có một số lượng khá lớn giáo viên được đào tạo từ xa để nâng cao trình độ cũng mong có cơ hội thay đổi sang bậc giảng dạy cao hơn. Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán về sự dư thừa nguồn nhân lực này, khi sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường hằng năm ở tất cả các cơ sở đào tạo đông hơn nhiều lần so với số lượng giáo viên đến tuổi nghỉ hưu mỗi năm ở các bậc từ tiểu học đến trung học phổ thông?
4. LỜI GIẢI CHO “BÀI TOÁN” KHÓ
Tháng 8 năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 2833/QĐ-BGDĐT về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trước đó, năm 2013, lần đầu tiên Bộ có động thái cảnh báo các trường bằng việc yêu cầu giảm chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy sư phạm. Đầu tháng 12 năm 2014, Bộ lại có thêm văn bản gửi các đơn vị đào tạo cảnh báo việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cần giảm với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực. Trong đó, cụ thể Bộ yêu cầu các trường thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm chính quy năm 2015 so với năm 2014, đồng thời có kế hoạch tạm dừng tuyển sinh có thời hạn việc đào tạo giáo viên trung học.
Vậy là từ vài năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận việc dư thừa nguồn nhân lực ngành sư phạm, đồng thời đã có những biện pháp để hạn chế. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán nhân lực dư thừa không đơn giản chỉ là ngưng/giảm đến lúc nào đó thấy cần thì lại tiếp tục. Về điều này, chính Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng cũng đã cho biết quan điểm: “Ai cũng nghĩ là dư thừa thì phải giảm nhưng giảm thế nào mới là khó. Trên bình diện chung chúng tôi tính ra ngay mỗi năm chúng ta cần đào tạo khoảng bao nhiêu giáo viên. Nhưng cái khó là giảm ở trường nào, trên địa bàn của địa phương nào. Vì trên thực tế, chúng ta đào tạo ở địa phương này nhưng sau khi ra trường sinh viên lại đến địa phương khác công tác hoặc ngược lại, di biến động như thế này rất khó lường trong tình trạng hiện nay” (Báo Điện tử VTV, ngày 04/03/2013).
Thật vậy, việc giảm hay tạm ngưng đào tạo không chỉ tác động đến thí sinh mà còn ảnh hưởng đến lực lượng giảng viên ở các trường sư phạm và trường có ngành sư phạm. Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải tính đến thực tiễn của từng địa phương. Giảng viên không có giờ hoặc có giờ dạy nhưng chưa đủ định mức số tiết/năm học, họ có thể được bố trí để làm những công việc khác ngoài chuyên môn, đồng thời tăng cường nghiên cứu khoa học để đảm bảo định mức phân công. Tuy nhiên, không thể kéo dài tình trạng ngắc ngoải của giảng viên sư phạm mãi như thế được. Cần phải có một giải pháp căn cơ hơn. Trên cơ sở điều tra về thực trạng thừa/thiếu giáo viên ở mỗi địa phương hiện nay, các trường sư phạm và trường có ngành sư phạm cần điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, giảm/ngừng chỉ tiêu đào tạo ở các bộ môn thừa, tăng chỉ tiêu đào tạo ở các bộ môn còn thiếu, tạo nên sự cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên các cấp, bậc học. Song song đó, cần quy hoạch lại hệ thống các cơ sở sư phạm hướng đến cơ chế chịu trách nhiệm chính trong việc cung ứng giáo viên theo từng cấp học, môn học, đáp ứng nhu cầu nhân lực giáo dục cho từng tỉnh/từng vùng/từng địa bàn trường đóng và tuyển sinh. Nghĩa là đầu vào và đầu ra của ngành sư phạm phải được kiểm soát chặt chẽ giữa các trường, các địa phương. Chú trọng chất lượng đầu vào. Tổ chức thi tuyển/xét tuyển công chức một cách công bằng, khách quan. Thường xuyên theo định kỳ cập nhật chương trình đào tạo, nội dung, giáo trình, đề cương môn học theo hướng hiện đại đáp ứng chuẩn đầu ra; thực hiện đánh giá ngành học, trường học theo bộ quy chuẩn của các tổ chức kiểm định, đánh giá tiên tiến. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của từng bậc học trong thời đại toàn cầu hóa. Xóa bỏ quan niệm lạc hậu: lớp thấp chỉ cần trình độ thấp…
Vấn đề giáo viên là vấn đề căn cốt trong thực hiện đổi mới giáo dục. Trong những vấn đề có liên quan đến người thầy, thì “tiền lương là thể hiện sự đối xử với thầy, cô giáo”, nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình đã khẳng định như vậy. Bà còn cho biết: “Có thời kỳ Nhà nước ta đã nêu ra vấn đề lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp. Như vậy, theo tôi, đã có lúc chúng ta thấy được vấn đề nhưng không thống nhất được quan điểm và sự thực là chưa giải quyết vấn đề. Muốn vị thế trong xã hội của thầy, cô giáo cao lên, muốn thầy, cô giáo gắn bó với nghề, muốn thu hút người giỏi làm nghề dạy học, thì phải trả lương cao cho thầy, cô giáo” (Lao động, 03/10/2012). Mặc dù vậy cho đến nay, vấn đề tiền lương của giáo viên vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, công bằng tương xứng với sức lao động của họ nhằm đảm bảo trên mức sống trung bình của xã hội, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của thầy, cô giáo.
5. KẾT LUẬN
Vấn đề giáo dục nói chung và ngành sư phạm nói riêng là những vấn đề lớn, hệ trọng có ảnh hưởng, tác động đến nhiều đối tượng và thế hệ con người. Trong quá trình phát triển, ngành sư phạm nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Tuy vậy, bước vào nền kinh tế thị trường chịu sự chi phối, điều tiết của quy luật cung – cầu, tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hiện nay cho thấy trong nhiều năm qua việc đào tạo của nhà trường đã không bám sát nhu cầu thực tế của xã hội; tư duy khoa học trong đào tạo, phân bổ lao động vẫn chưa được thể hiện rõ nét trong hệ thống và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận: “Quản lí giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác, nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục, gây bức xúc xã hội” (Dân trí, 13/02/2014). Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cũng đã có nhận xét, đánh giá: “Quản lý giáo dục và đào tạo có mặt còn yếu kém”, đồng thời nêu những phương hướng chính, những nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, “phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực” (Ban Tuyên giáo Trung ương, 2015, tr, 99, 104).
Hy vọng những bài học rút ra từ thực tiễn quản lý còn yếu kém ở mặt này mặt khác, trong đó có đào tạo sinh viên sư phạm sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hệ thống các trường có liên quan khắc phục một cách hiệu quả trong thời gian tới, nhằm đạt được cột mốc chất lượng giáo dục mà Dự thảo văn kiện đã đề ra. Đó cũng là sự đáp ứng tốt nhất lòng mong đợi từ bấy lâu nay của nhân dân ta đối với sự nghiệp trồng người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Tuyên giáo Trung ương. (2015). Những nội dung cốt lõi trong dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Đảng, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật.
Báo điện tử VTV. (2013). Vì sao ngành sư phạm mất dần “sức hút”?.  Truy cập từ http://vtv.vn/thoi-su/vi-sao-nganh-su-pham-mat-dan-suc-hut--73822.htm
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2014). Quyết định tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Truy cập từ http://www.moet.gov.vn/?page=1.19&view=275&spage1=4
Dân trí. (2014). 6 hạn chế yếu kém chủ yếu của ngành giáo dục. Truy cập từ http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/6-han-che-yeu-kem-chu-yeu-cua-nganh-giao-duc-dao-tao-1392769347.htm
Lao động. (2012). Lương giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp. Truy cập từ http://laodong.com.vn/xa-hoi/luong-giao-vien-phai-cao-nhat-trong-cac-nganh-su-nghiep-86311.bld
Sức khỏa và Đời sống. (2014). Tuyển sinh đại học 2015: Chốt chỉ tiêu tuyển sinh như thế nào? Truy cập từ  http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/tuyen-sinh-dai-hoc-2015-chot-chi-tieu-cac-nganh-the-nao-20141211220623584.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét